Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thả nổi chất lượng đàn lợn giống

Cập nhật: 08:50 ngày 16/08/2017
(BGĐT) - Do thiếu kinh phí, công tác bình tuyển lợn đực giống không được thực hiện thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng con giống. Thực trạng này đòi hỏi ngành chuyên môn, chính quyền các địa phương trong tỉnh Bắc Giang sớm có giải pháp quản lý, thải loại cá thể không bảo đảm chất lượng, hạn chế thấp nhất rủi ro cho người chăn nuôi.
{keywords}

Để chủ động con giống, trang trại của gia đình ông Nguyễn Văn Nghiệp, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) nuôi lợn đực giống và phối trực tiếp tại trang trại. Ảnh: Ông Nghiệp theo dõi quá trình phát triển của đàn lợn.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế về quản lý giống vật nuôi, năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT có kế hoạch quản lý, nâng cao chất lượng lợn đực giống trên địa bàn. Theo đó, 100% con giống được đánh giá ở hai chỉ tiêu: Tỷ lệ phối giống đạt kết quả và số con sơ sinh còn sống sau 24 giờ. Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Qua đánh giá, chúng tôi đã kiến nghị các địa phương thải loại hơn chục con giống không bảo đảm chất lượng. Đồng thời yêu cầu cán bộ thú y các xã, thị trấn tiếp tục theo dõi, kiểm tra chất lượng từng con, không để giống kém chất lượng đến tay người chăn nuôi. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, từ năm 2016 đến nay, việc bình tuyển không thực hiện, chất lượng giống thả nổi”.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,3 nghìn lợn đực giống, tập trung ở các huyện: Việt Yên, Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam, Hiệp Hòa... Phần lớn hộ chăn nuôi quy mô trang trại nuôi lợn đực giống phục vụ nhu cầu tại chỗ và bán cho một số trang trại, hộ gia đình xung quanh; số ít còn lại nuôi để khai thác phối tinh nhân tạo. Vì lý do này, việc khai thác tinh mang lại hiệu quả không cao, dễ phát sinh bệnh dịch.

Trong danh sách quản lý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mới có hai cơ sở đăng ký sản xuất kinh doanh và công bố tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng lợn đực giống gồm: Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang (34 con) và 8 con ở trang trại Được Đông, xã Lương Phong (Hiệp Hòa). Còn lại tất cả đều chưa được đăng ký. Trên địa bàn huyện Yên Thế có hơn 10 con lợn đực giống nhưng 100% phối trực tiếp. Trong khi đó, việc kiểm định chất lượng, quản lý, kiểm soát số vật nuôi này rất khó khăn do nằm rải rác ở các địa phương.

Tại huyện Việt Yên, toàn huyện có 70/160 con được cấp thẻ song việc quản lý chất lượng cũng như số lần phối giống của từng con gặp không ít trở ngại. Đơn cử, gia đình anh Vũ Đức T, xã Bích Sơn (Việt Yên) có hai con lợn đực giống, mỗi tháng cung cấp cho người chăn nuôi hơn 100 liều tinh nhưng chất lượng không được kiểm chứng, chỉ dựa vào kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi của chủ hộ.

Toàn tỉnh hiện có 1,3 nghìn con lợn đực giống, chủ yếu là các giống: Landrace, Pi-Du 75, Yorkshire, Duroc, Móng Cái... Một số địa phương có tỷ lệ lợn phối giống thành công cao là: Tân Yên (97,67%), Lục Ngạn (96,14%).

Được biết, việc quản lý chất lượng lợn đực giống trên địa bàn gặp khó khăn do nguồn nhân lực, vật lực cho công tác này còn rất hạn chế. Các tổ kỹ thuật, công tác bình tuyển, kiểm tra, đánh giá chất lượng tinh khai thác nhân tạo được triển khai nhưng điều kiện về vật chất, cơ sở thực hành không đáp ứng. Ngoài ra, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đực giống mua giống có nguồn gốc không rõ ràng, tự lai tạo, nhờ mua hộ... nên khó xác định chất lượng giống. Ông Trương Ngọc Cảnh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Việt Yên nói: “Chúng tôi chỉ quản lý được nguồn gốc, tuổi đời của con giống. Còn việc các chủ hộ có thực hiện đúng quy trình hay không rất khó. Vì vậy, việc gắn thẻ tạm thời chỉ theo những đặc điểm thể hiện ra bên ngoài của từng cá thể lợn đực giống”.

Để khắc phục những khó khăn trên, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có kế hoạch mở đợt kiểm tra chất lượng hơn 40 con lợn đực giống đã được đăng ký, kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường để loại bỏ con kém chất lượng. Đối với những cá thể chưa được đăng ký, Chi cục xây dựng lộ trình quản lý phù hợp trên cơ sở kết quả của năm 2015, trong đó đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ và người chăn nuôi.

“Ngoài trách nhiệm của ngành, UBND các huyện, TP cần bố trí kinh phí, xây dựng kế hoạch theo dõi, kiểm tra đàn lợn đực giống theo định kỳ, trong đó có sự tham gia của cán bộ chuyên môn thuộc Trạm Chăn nuôi và Thú y. Kịp thời hỗ trợ các hộ thay thế con giống không bảo đảm chất lượng phải loại thải; công khai danh sách cá thể lợn đực giống đạt tiêu chuẩn chất lượng...”, ông Lương Đức Kiên khẳng định.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...