Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Con đường "xanh" no ấm

Cập nhật: 08:57 ngày 11/08/2017
(BGĐT) - Thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng, nhiều tuyến đường lâm nghiệp đã được mở. Những con đường "xanh” giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng của ngành chức năng tỉnh Bắc Giang thuận lợi, mang lại hiệu quả cao cho người trồng rừng.
{keywords}

Đường lâm nghiệp từ thôn Đồng Xung vào thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) vừa được đầu tư xây dựng.

Chung sức mở đường

Cách đây gần hai năm, khi cùng đoàn công tác của tỉnh khảo sát một số mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu tại huyện Lục Nam, tôi có dịp đến thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng. Khi đó, chúng tôi phải vượt qua con đường đất vừa hẹp vừa trơn trượt. Để đến thôn, những chiếc xe gầm cao ì ạch đi qua từng khúc cua lầy lội. Nhưng nay, đường vào thôn Cai Vàng mở rộng, bề mặt được cải tạo bằng đất cấp phối. Trước đây, nhiều hộ dân trồng keo, bạch đàn đến kỳ thu hoạch gọi thương lái tới mua, có người thấy đường sá như thế nản quá. 

Được biết, dù đã về đích nông thôn mới song do địa bàn rộng, nguồn lực còn hạn chế nên một số tuyến đường vào các thôn xa trung tâm xã Đông Hưng chưa được đầu tư. Khi Nhà nước có chủ trương mở đường lâm nghiệp, nhân dân rất phấn khởi, đồng thuận hiến đất, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công. Ông Phạm Hải Dương, Chủ tịch UBND xã nói: “Có những tuyến đường mới, mạng lưới giao thông hoàn thiện hơn, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phục vụ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và vận chuyển các sản phẩm khai thác từ rừng, góp phần nâng giá trị lâm sản, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương”.

{keywords}

Do Dự án không dành kinh phí hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng nên khi chuẩn bị triển khai Dự án, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với UBND các huyện, xã có tuyến đường đi qua thống nhất chủ trương, lựa chọn địa điểm đầu tư. Đồng thời, tổ chức họp bàn, vận động nhân dân hiến đất làm đường". 


Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Tại một số địa phương, ngoài đường lâm nghiệp được đầu tư từ kinh phí của Nhà nước, nhiều gia đình, doanh nghiệp (DN) tự bỏ kinh phí mở đường phục vụ trồng rừng. Điển hình như huyện Yên Dũng. Từ đầu năm 2016, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động tham mưu, đề xuất với các xã có rừng huy động nguồn lực mở những con đường “xanh”. Đến nay, toàn huyện đã hình thành gần 30 km đường lâm nghiệp từ nguồn xã hội hóa. 

Ông Lương Văn Giàng, thôn Vườn Tùng, xã Tiền Phong (Yên Dũng) cho biết: “Xác định giao thông thuận lợi sẽ mở hướng làm giàu từ rừng, cuối năm 2016, gia đình tôi và một số hộ khác đóng góp kinh phí làm đoạn đường dài hơn 1 km đến khu vực trồng rừng. Bây giờ, xe máy, ô tô có thể vào tận nơi khai thác, bà con đỡ vất vả”. Hay như ở huyện Lục Ngạn, khi xây dựng đường vào thôn Đồng Mậm (xã Sơn Hải); tuyến từ thôn Mòng đi thôn Đồn (xã Sa Lý); tuyến thôn Vựa Trong (xã Phong Vân), nhiều hộ tự nguyện chặt cây, đóng góp ngày công cùng nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình.

Cho rừng mãi xanh

Được biết, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng cũng như tạo tiền đề phát triển, khai thác lợi thế từ đất lâm nghiệp, ngày 31-3-2016, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng đường lâm nghiệp trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh cải tạo và xây dựng hơn 225 km đường lâm nghiệp kết hợp dân sinh theo tiêu chuẩn đường lâm nghiệp cấp III, tập trung tại các huyện: Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. 

Thực hiện Dự án, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với các địa phương lựa chọn những tuyến, địa bàn trọng yếu để mở đường với phương châm phục vụ quy hoạch phát triển rừng kết hợp giải quyết nhu cầu dân sinh. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng xong 18 tuyến với tổng chiều dài hơn 40 km thuộc địa bàn huyện Lục Nam, Lục Ngạn, kinh phí hơn 10 tỷ đồng. 

Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói: “Dù mới được đưa vào sử dụng song bước đầu, những con đường lâm nghiệp đã phát huy hiệu quả. Lực lượng kiểm lâm thuận lợi hơn trong quá trình tuần tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Một số vụ phá rừng tự nhiên nghèo kiệt, cháy rừng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hạn chế hậu quả”. Lợi ích từ việc mở đường lâm nghiệp mang lại không nhỏ. Người dân trồng, chăm sóc rừng, khai thác và tiêu thụ gỗ dễ dàng hơn, bán được giá cao, còn DN tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển khi thu mua lâm sản.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, nguồn lực chính để mở mới đường lâm nghiệp từ vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách T.Ư phân bổ cho chương trình phát triển rừng bền vững. Do nhu cầu xây dựng rất lớn nên cần thiết phải huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn, chương trình, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Thực tế, ở nhiều địa phương, người dân tự bỏ vốn mở đường vào khu khai thác. Đơn cử như tại xã Tiền Phong (Yên Dũng), nhân dân đã tự mở đường khai thác lâm sản với chiều dài gần 10 km; có hộ chuyên thu mua đã đầu tư tiền làm đường cho dân, sau thu hoạch tiếp tục vận chuyển cây giống. 

Tuy vậy, qua tìm hiểu, hiện ở hầu hết các huyện có rừng, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn do thiếu đường lâm nghiệp. Điển hình, tại huyện Sơn Động. Hầu hết các vụ phá rừng tự nhiên nghèo kiệt đều xảy ra tại các địa bàn gặp khó khăn về giao thông, ảnh hưởng đến công tác tuần tra, canh gác của các lực lượng bảo vệ rừng. Hay như ở huyện Lục Nam, hầu hết các vụ cháy rừng trên địa bàn xảy ra tại khu vực các xã Bình Sơn, Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh, trong khi đây là những khu vực chưa có đường lâm nghiệp. Khi xảy ra cháy, cơ quan chuyên môn cũng như các lực lượng chức năng khó tiếp cận hiện trường. 

Ông Phạm Bằng Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lục Nam kiến nghị: “Cùng với làm những tuyến đường theo dự án, tỉnh, huyện cũng như các địa phương chủ động kêu gọi đầu tư, bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu để hình thành những con đường “xanh” ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Người dân có rừng cùng góp sức nâng tỷ lệ đường lâm nghiệp tại địa phương. Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẵn sàng phối hợp để rà soát, kiểm tra và tu sửa những đoạn xuống cấp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, khai thác và vận chuyển gỗ từ rừng”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...