Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó giải phóng mặt bằng, nhiều công trình điện dở dang

Cập nhật: 09:09 ngày 08/08/2017
(BGĐT) - Được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp nhưng việc thi công hạ tầng lưới điện đang gặp khó vì chưa giải phóng được mặt bằng (GPMB). Thực trạng này khiến nhiều dự án phải bỏ dở, điều chỉnh tuyến dẫn đến chậm tiến độ.
{keywords}

Do vướng mắc về mặt bằng, trạm biến áp ở thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) phải di chuyển từ nhà văn hóa thôn ra vị trí khác.

Tháng 2-2017, Công ty Điện lực Bắc Giang đầu tư hơn 500 triệu đồng xây trạm biến áp (TBA) và đường dây nâng cấp lưới điện phục vụ thôn Trại Mới, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn). Ban đầu, người dân, ban lãnh đạo thôn, xã bàn bạc, thống nhất vị trí đặt TBA tại góc sân nhà văn hóa thôn, Công ty cũng hoàn thiện GPMB, dựng 5 cột điện phục vụ nhu cầu sử dụng của các hộ. Khi các hạng mục hoàn thành, nhà thầu thi công chuẩn bị kéo dây, đóng điện thì một số hộ dân ngăn cản với lý do dây vắt qua vườn nhà, không bảo đảm an toàn. Dù Công ty đã cùng cán bộ cơ sở và UBND huyện Lục Ngạn tuyên truyền, giải thích, vận động bà con tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai dự án nhưng không có kết quả. Trước khó khăn trên, Công ty Điện lực Bắc Giang buộc phải thiết kế lại tuyến, di chuyển TBA và đường dây qua vị trí khác khiến dự án chậm tiến độ hơn một tháng.

Tương tự, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cũng gặp không ít vướng mắc khi thực hiện dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2013-2020. Trong đó vướng nhất là việc kéo điện trên địa bàn 7 xã đặc biệt khó khăn tại các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động và Yên Thế. Tháng 10-2016, khi đường dây trung thế cấp điện cho hai thôn An Bình, Trại Lửa, xã Biên Sơn (Lục Ngạn) đã cơ bản hoàn thành nhưng một hộ dân thôn Trại Lửa không cho thi công 50 m đường dây ngang qua vườn vải của gia đình. Vài tháng sau vụ việc mới được giải quyết xong, ảnh hưởng đến khai thác hiệu quả của dự án.

Thống kê của Công ty Điện lực Bắc Giang, khoảng hai năm nay đơn vị có gần chục công trình gặp khó về mặt bằng phải điều chỉnh tuyến, thậm chí bỏ dở giữa chừng dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Qua quá trình triển khai dự án xây dựng công trình điện, ông Lê Bá Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đề nghị các chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tạo thuận lợi cho địa phương tổ chức GPMB; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh; trước khi thực hiện quan tâm tuyên truyền đến nhân dân về ý nghĩa thiết thực của các dự án điện. Về phía địa phương thời gian qua đã cưỡng chế một số trường hợp cố tình chây ì, không bàn giao mặt bằng.

Thực tế cho thấy vướng mắc trong GPMB chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân như: Quy trình, thủ tục thu hồi đất rườm rà, đòi hỏi khép kín từ quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thông báo thu hồi, kiểm đếm, niêm yết công khai, lập phương án… đòi hỏi thời gian chuẩn bị kéo dài. Trong khi đó, do cơ chế hạch toán phụ thuộc nên cuối tháng 1 hằng năm, Công ty Điện lực mới nhận được kế hoạch đầu tư của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc với yêu cầu hoàn thành trước ngày 30-4, bảo đảm cấp điện trong mùa nắng nóng. Do thời gian chuẩn bị đầu tư gấp gáp, Công ty buộc phải cử cán bộ trực tiếp cùng UBND các huyện, xã, lãnh đạo thôn vận động, thỏa thuận tuyến, vị trí cột, mức bồi thường với hộ dân trên cơ sở quy định của UBND tỉnh và Tổng Công ty. Trong quá trình thực hiện, do tác động từ nhiều phía, một số hộ thay đổi quyết định gây khó khăn cho dự án.

Tuy diện tích đất thu hồi không lớn, mỗi cột chỉ từ 4 đến 6 m2 nhưng lại trải dài, liên quan đến nhiều hộ dân. Giá trị bồi thường đất thấp, chỉ từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/cột. Khi bị xúi giục, một số hộ tạo áp lực với chủ đầu tư đòi nâng mức hỗ trợ lên hàng chục, hàng trăm triệu đồng/vị trí cột khiến chủ đầu tư buộc phải thay đổi tuyến đường dây. Ví dụ như dự án sửa chữa đường dây 22 kV đoạn qua làng Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) phải bỏ dở. Dự án chống quá tải, nâng chất lượng điện cho thôn Đồng Man, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) phải tạm ngừng từ tháng 9-2016 đến nay do còn một vị trí móng cột tại thôn Ba Gò, xã Nghĩa Phương chưa thể thi công do người dân phản đối...

Một bất cập nữa là do kiến thức về an toàn lưới điện của người dân hạn chế, đa phần vướng mắc do các hộ cho rằng hành lang lưới điện đi qua làm ảnh hưởng đến cảnh quan, diện tích đất canh tác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vấn đề này đã được ngành điện cam kết, đưa ra các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Ông Trần Anh Tấn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang khẳng định: “Trước đây, khi thực hiện các dự án, cán bộ ngành điện chưa tuyên truyền rộng khắp chủ trương, ý nghĩa công trình và chế độ liên quan đến đông đảo người dân đã dẫn đến những hiểu nhầm đáng tiếc. Thời gian tới, Công ty tiếp tục vận động nhân dân, chỉ khi các hộ nắm rõ thông tin, cam kết ủng hộ, tạo điều kiện mới triển khai thi công, tránh những vướng mắc, thiệt hại không đáng có”.

Văn Thương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...