Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 31 °C / 26 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm giàu trên quê mới Tây Ninh

Cập nhật: 15:05 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Trong chuyến trao đổi, học tập kinh nghiệm của Câu lạc bộ Nhà báo nữ tại miền Nam, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số người Bắc Giang lập nghiệp ở xã An Cơ, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Với đức tính hay lam, hay làm cùng tinh thần vượt khó, nhiều người đã có cuộc sống khá giả trên quê hương thứ hai.
{keywords}

Người dân xã An Cơ thu hoạch sắn.

Làm giàu đất hoang

Theo chỉ dẫn của phóng viên Báo Tây Ninh, tôi bắt taxi từ TP Tây Ninh về ấp An Lộc, xã An Cơ. Khác với hình dung của tôi, đường đến ấp thuận tiện được rải nhựa phẳng lì, rộng rãi. Thoáng chốc đã qua gần 20 km, tôi được ông Trịnh Văn Hùng, người quê gốc ở thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) đón tiếp. Là Tổ trưởng tổ vay vốn, tiết kiệm của Hội Nông dân xã nên tình hình đời sống, việc làm ăn của bà con đia phương, ông Hùng thuộc như lòng bàn tay. Dẫn tôi đến nhà ông Phạm Văn Khải, bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Liên Bộ, xã Liên Chung (Tân Yên) vào đây lập nghiệp, ông Hùng cho biết, gia đình này là hộ có cuộc sống khá giả trong ấp.

Ngôi nhà ông Khải thiết kế theo kiểu mái Thái khang trang được bao bọc bởi những hàng cao su, đồi sắn xanh mát. Thấy người từ ngoài Bắc vào chơi, người đàn ông trạc 60 tuổi hồ hởi chào đón. Rót nước mời khách, ông hỏi thăm về quê. Qua câu chuyện, ông chia sẻ với tôi về quãng thời gian mưu sinh trên đất mới.

Năm 1992, hưởng ứng phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới, cả gia đình ông khăn gói vào miền Nam. Ông bảo, khi chia tay họ hàng, làng xóm, chúng tôi rất phấn chấn khi nghĩ về tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng không như mình nghĩ. Ngày đầu đến ấp, nơi đây hoang vu toàn cỏ dại. Đường giao thông chỉ vừa cho người đi bộ do cây cối rậm rạp che kín lối. Gia đình ông dựng tạm cái lán để ở. Vợ ông- bà Hòa ngày nào cũng khóc thầm vì nhớ nhà. Những lúc đó, hai vợ chồng lại động viên nhau cùng cố gắng. Ông đi làm thuê, làm mướn. Vợ ở nhà chăn nuôi, chăm sóc các con. Vậy mà có lứa gà chuẩn bị được bán, sơ suất không trông lại bị lũ chồn, sóc trong rừng bắt gần hết.

Ông nghĩ “vạn sự khởi đầu nan” và nhớ đến câu thơ: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” thì không còn than thân, trách phận nữa. Theo ông Khải, mình đang sống trên mảnh đất màu mỡ, tươi tốt mà không làm được trò trống gì thì nghèo là phải. Thế rồi, hai vợ chồng ông ngày ngày phát rẫy. Khi thì cấy lúa, lúc trồng khoai bảo đảm lương thực cho gia đình. Sau đó, phong trào trồng cao su phát triển, ông mạnh dạn trồng hơn 2 ha loài cây này. Dẫn khách thăm vườn cao su gần 20 năm tuổi thẳng tắp đang trong mùa thu mủ, bà Hòa nói: “Mỗi ngày, gia đình tôi thuê 2 lao động cạo mủ và thu được hơn 2 tạ mủ/ngày. Giá bán khoảng 25-27 nghìn đồng/kg, trừ chi phí cũng thu về hơn hai triệu đồng/ngày”. Ngoài ra, gia đình ông còn có gần 3 ha sắn. Tổng lợi nhuận thu được của gia đình mỗi năm khoảng 400 triệu đồng. Kinh tế khá giả nên 3 người con của ông đều được học hành đến nơi, đến chốn, nay có việc làm ổn định.

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Hòa chăm sóc nương sắn của gia đình.

Đoàn kết, giúp nhau vượt khó

Xã An Cơ có hơn 50 hộ quê Bắc Giang thuộc các huyện: Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên. Thấu hiểu cảnh xa quê nên các hộ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt khó.

Không chỉ hộ ông Khải, bà Hòa, nhiều người quê Bắc Giang vào xã An Cơ lập nghiệp cũng năng động trong phát triển kinh tế. Hộ ông Phan Văn Đạt quê ở xã Liên Chung (Tân Yên) ngoài trồng 3 ha cao su còn có ao cá rộng gần 2 ha. Nguồn thu của gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng nên ông Đạt đã xây dựng trang trại, nhà cửa khang trang. Ông bộc bạch: “Cao su cho mủ khoảng 9 tháng (bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 12). Sản phẩm được doanh nghiệp đến tận nhà thu mua nên tiêu thụ thuận lợi. Vì thế đây là cây trồng giúp cả nhà tôi cải thiện cuộc sống”. Hay hộ ông Nguyễn Văn Xuân quê ở thôn Cò, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đầu tư, phát triển dịch vụ máy nông nghiệp. Đồng đất nơi đây rộng, bằng phẳng, các công đoạn từ làm đất đến thu hoạch đa phần được cơ giới hóa nên ông Xuân thường làm không hết việc, phải thuê thêm người phụ giúp. Trồng sắn cộng với khoản thu từ dịch vụ, ông lãi gần 300 triệu đồng/năm.

Theo ông Hùng, xã An Cơ có hơn 50 hộ quê ở Bắc Giang thuộc các huyện như: Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên. Thấu hiểu cảnh xa quê nên các hộ đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Như vừa rồi, ông Nguyễn Đức Kiên, ở thôn Lẻ, xã Xuân Hương (Lạng Giang) lấy vợ cho con trai. Anh em, họ hàng của ông Kiên đều ở ngoài Bắc nên những người đồng hương đã đến chung vui, lo việc cùng gia đình. Bà con cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau lúc hoạn nạn. Những người vào sau, đất đai eo hẹp được người vào trước nhượng cho một phần và hỗ trợ vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất.

Khi kinh tế dư giả, các hộ chung tay đóng góp sức người, sức của xây dựng đời sống ở quê mới. Có hộ hiến hàng trăm m2 đất vườn, đất ở để mở rộng đường, xây công trình công cộng, điển hình như: Hộ ông Nguyễn Văn Tâm quê ở xã Quế Nham, ông Phạm Văn Khải, xã Liên Chung (Tân Yên). Ngoài ra, nhiều hộ còn có điều kiện gửi tiền về quê, giúp người thân phát triển kinh tế.

Dù thời gian ngắn, không đến thăm hết được bà con đồng hương ở nơi này nhưng qua những câu chuyện, tôi cảm nhận được họ đều là những người chịu thương, chịu khó. Bằng mồ hôi, công sức của mình, họ đã thu được thành quả lao động trên quê mới và luôn nhớ về nơi “chôn nhau, cắt rốn”.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...