Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hỗ trợ đồng bào dân tộc vốn phát triển sản xuất: Đúng đối tượng, tạo sinh kế cho hộ nghèo

Cập nhật: 08:57 ngày 22/06/2017
(BGĐT) - Những năm qua, nhiều hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo trong tỉnh Bắc Giang được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tạo điều kiện cho vay vốn không cần thế chấp, thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp. Đây chính là “bà đỡ” giúp các hộ đầu tư phát triển mô hình sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
{keywords}

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Lục Nam kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại gia đình ông Vi Văn Quy, dân tộc Nùng, thôn Quất Sơn, xã Bảo Sơn.

Đồng vốn tạo sinh kế

Do thiếu vốn đầu tư cải tạo vườn đồi nên gia đình ông Vi Văn Quy, dân tộc Nùng, thôn Quất Sơn, xã Bảo Sơn (Lục Nam) luôn bị cái nghèo đeo bám. Không có nguồn thu, có lúc cả nhà phải chạy ăn từng bữa, nhà cửa xuống cấp không có điều kiện cải tạo. Năm 2010, ông Quy được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo DTTS phát triển sản xuất với mức lãi suất ưu đãi. Từ đồng vốn này, ông mạnh dạn cải tạo gần 1 ha vườn đồi trồng nhãn, bưởi và dứa. Sau ba năm chăm sóc, vườn cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, năm ngoái cho nguồn thu gần 100 triệu đồng. Ông Quy phấn khởi: “Nhờ đồng vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã thoát nghèo, trả xong tiền vay và sửa chữa nhà ở. Hơn thế, tôi còn có thêm điều kiện cho các con ăn học”.

Xã Bảo Sơn hiện có 5 tổ vay vốn Ngân hàng CSXH hoạt động hiệu quả, trong đó hơn 200 hộ DTTS đã được tiếp cận nguồn vốn, tỷ lệ hoàn trả đúng hạn đạt hơn 95%. Nguồn vốn ưu đãi cũng giúp nhiều hộ ở các xã có đông đồng bào DTTS như: Bảo Đài, Tam Dị, Nghĩa Phương, Trường Sơn, Vô Tranh, Lục Sơn… vươn lên thoát nghèo. Theo ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, đến nay trên địa bàn huyện đã có 866 hộ DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi với dư nợ hơn 10 tỷ đồng; mỗi năm có gần 100 hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.

Cũng từ nguồn vốn vay ưu đãi của các chương trình như: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn... thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH, từ năm 2013 đến 2016, trên địa bàn huyện Yên Thế có hơn 200 hộ thoát nghèo. Gia đình chị Vương Thị Lập, dân tộc Nùng, bản Nà Trắng, xã Đồng Vương là một trong những điển hình. Dù không có tài sản thế chấp nhưng 5 năm trước, gia đình chị vẫn được vay 30 triệu đồng. Hiện, mô hình trang trại kết hợp trồng nhãn, chăn nuôi lợn của chị cho thu nhập gần 80 triệu đồng/năm và trở thành tấm gương sản xuất kinh doanh tiêu biểu trong xã.

Giám sát chặt chẽ

Ngày 31-10-2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS ít người giai đoạn 2017-2025. Theo đó, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn được nâng mức vay từ 30 lên 50 triệu đồng với mức lãi suất 0,1%/tháng.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 4 nghìn hộ DTTS nghèo được vay vốn ưu đãi thông qua ủy thác của hệ thống Ngân hàng CSXH, tổng dư nợ hơn 43 tỷ đồng. Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, bên cạnh tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết cho các hộ có nhu cầu vay vốn, sau 30 ngày kể từ khi nguồn vốn được giải ngân, Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đôn đốc giám sát người dân sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. 

Tại huyện Lục Nam, mỗi cán bộ tín dụng phụ trách từ 3- 5 xã, đồng thời phối hợp các hội, đoàn thể nhận ủy thác thường xuyên đến gia đình đôn đốc, kịp thời tư vấn giúp đồng vốn sinh sôi. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm nhân rộng các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả tại địa phương để bà con học tập kinh nghiệm.

Được biết năm nay, UBND tỉnh dành 6 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH tỉnh để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách vay vốn, trong đó có hơn 300 hộ DTTS nghèo được tiếp cận. Cùng đó, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm vay vốn ở cơ sở rà soát, ưu tiên nguồn vốn vay cho các hộ khó khăn hơn để có điều kiện vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. 

Theo ông Nguyễn Hồng Luân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, dù phương pháp đo lường chuẩn nghèo đã thay đổi theo hướng tiếp cận đa chiều nhưng qua đánh giá của ngành chức năng, tiêu chí quan trọng nhất vẫn là thu nhập. Vì vậy, để cải thiện, nâng cao đời sống, tạo cơ hội thoát nghèo cho các hộ DTTS không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc hỗ trợ vốn vay. Đây chính là nguồn sinh kế ban đầu giúp các hộ xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để vươn lên thoát nghèo.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...