Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuông báo giờ - sáng kiến của hai thầy giáo trẻ

Cập nhật: 09:03 ngày 18/01/2018
(BGĐT) - Sau 6 tháng nghiên cứu, tháng 6-2017,  hai thầy giáo trẻ Tô Văn Sơn và Nguyễn Xuân Hồng, giảng viên Khoa Điện - Điện tử (Trường Cao đẳng Nghề công nghệ Việt Hàn) đã thiết kế thành công hệ thống chuông báo giờ sử dụng vi điều khiển và truyền sóng tần số vô tuyến (RF).
{keywords}

Anh Tô Văn Sơn (bên phải) giới thiệu mô hình với đồng nghiệp.

Nhóm tác giả cho biết, trước đây, Khoa Điện- Điện tử sử dụng hệ thống chuông báo có dây dẫn. Tuy nhiên mỗi lần lắp đặt, sửa chữa khó khăn do hệ thống cồng kềnh, phải kéo nhiều dây, hay bị hư hỏng khi sử dụng, độ chính xác không cao, chi phí tốn kém, nhất là khâu kết nối giữa các tòa nhà. "Việc lập trình, tạo ra hệ thống chuông được thực hiện bởi vi điều khiển, sử dụng sóng RF, không sử dụng dây dẫn là vấn đề mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu hệ thống với mục đích không chỉ để báo giờ mà còn giúp sinh viên hiểu, ứng dụng tốt hơn về kỹ thuật truyền dẫn bằng sóng RF", anh Tô Văn Sơn, đại diện nhóm tác giả chia sẻ.

Cấu tạo hệ thống chuông gồm bộ phát và bộ thu với các bộ phận chính như: Nguồn, xử lý trung tâm, phát sóng RF, mô-đun (thành phần đảm nhận chức năng trong một phần mềm tin học), hiển thị thông tin, khối chuông. Phần cứng và phần mềm của hệ thống do nhóm tác giả trực tiếp thiết kế. Để chuông hoạt động, người sử dụng cài đặt các thông số theo ý muốn như giờ đổ chuông, chuông đổ bao nhiêu giây, hồi... Những thông số này hiển thị lên màn hình điện tử. Bộ phát sẽ gửi toàn bộ thông tin cài đặt đến bộ thu qua sóng RF, chuông sẽ đổ theo đúng thời gian cài đặt. Khi mất điện không phải cài đặt lại mà hệ thống tự cập nhật các thông số đã ấn định.

Mô hình rất phù hợp với các cơ quan, trường học, góp phần giảm chi phí khi lắp đặt chuông báo. Đặc biệt, trong điều khiển tự động, đây là bước đi có ý nghĩa với việc tìm ra sự kết hợp hoàn hảo giữa lập trình và thiết kế mạch in- hai mảng rất quan trọng của điện tử. Hiện hệ thống chuông báo đã được ứng dụng vào bài giảng của nhà trường liên quan đến vi mạch điện tử, vi xử lý, linh kiện điện tử. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2017, sản phẩm của nhóm tác giả đoạt giải Ba.

Phương Ngân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...