Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa: Tăng năng suất, chất lượng mật

Cập nhật: 09:12 ngày 17/08/2017
(BGĐT) - Với mục tiêu chủ động tạo ra giống ong chúa chất lượng cao, quy mô lớn cung cấp cho người nuôi ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, góp phần tăng năng suất, sản lượng mật, Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện nghiên cứu thụ tinh nhân tạo cho ong chúa. Sau gần hai năm triển khai đã có kết quả đáng mừng.
{keywords}

Đoàn công tác của Hội đồng KH&CN tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài tại cơ sở nuôi ong của ông Hoàng Văn Thượng.

Khẳng định tính ưu việt

Bắc Giang là một trong số các tỉnh phía Bắc có tiềm năng cây nguồn mật rất lớn, hứa hẹn nghề nuôi ong mật phát triển. Tuy nhiên, việc sản xuất giống ong mật tại tỉnh chưa được chú trọng. Con giống thường được tạo ra theo phương pháp truyền thống, tự phát dẫn đến chất lượng giảm sút, ong dễ mắc bệnh.

Với đặc điểm sinh học đặc thù của ong chúa nên việc kiểm soát chất lượng giống theo hình thức cho giao phối tự nhiên là không thể. Từ đó dẫn đến  việc duy trì dòng thuần làm vật liệu chọn tạo giống rất khó thực hiện, nhất là lai giống càng khó khăn hơn. Trong khi đó, tỷ lệ mật phụ thuộc nhiều vào chất lượng con giống.

Đầu năm 2016, UBND tỉnh phê duyệt đề tài "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật phục vụ xuất khẩu tại Bắc Giang". Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu ong và nuôi ong nhiệt đới chủ trì, thời gian thực hiện từ tháng 1-2016 đến tháng 5-2018.

Theo Tiến sĩ Phạm Hồng Thái, Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm đề tài, thụ tinh cho ong chúa là công nghệ mũi nhọn để chọn tạo giống ong mật, kiểm soát được các cặp lai theo ý muốn của nhà tạo giống. Công nghệ cũng cho phép chọn tạo được dòng thuần, phục tráng giống. Ưu điểm của công nghệ là chủ động trong việc lấy tinh trùng từ ong đực (đàn bố) nhờ các thiết bị chính xác tuyệt đối dưới kính hiển vi. Sau đó, tinh trùng được bơm vào túi chứa tinh của ong chúa. Như vậy, con lai F1 là ong thợ của ong chúa được thụ tinh nhân tạo sẽ đạt được những tính trạng thể hiện ưu thế lai.

Hứa hẹn nhiều triển vọng

{keywords}
Công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa đã được áp dụng ở nhiều nước phát triển. Công nghệ này nếu được triển khai trên diện rộng sẽ nâng cao năng suất, chất lượng đàn ong, tăng sức cạnh tranh của mật ong Bắc Giang trên thị trường quốc tế.

Tiến sĩ Phạm Hồng Thái

Để thực hiện công nghệ này, các chuyên gia đã tiến hành nhiều cuộc điều tra,  phân tích, làm các thí nghiệm nghiên cứu trong điều kiện sinh thái của tỉnh. Đồng thời, chọn hộ ông Hoàng Văn Thượng, thôn Hoành Sơn, xã Phi Mô (Lạng Giang) để thí nghiệm với 200 đàn ong (mỗi đàn có một ong chúa và 8 cầu ong). Ông Thượng là người có 12 năm kinh nghiệm nuôi ong lấy mật. Quá trình thực hiện, ông được các chuyên gia của Trung tâm tập huấn kỹ thuật, thường xuyên theo dõi việc thụ tinh của ong.

Sau thời gian thí nghiệm thụ tinh nhân tạo cho thấy, tỷ lệ ong nở ra đạt gần 90%, trong khi thụ tinh tự nhiên đạt khoảng 30-50%; ong không bị trùng huyết, khỏe mạnh, bảo đảm chất lượng. Đáng chú ý, việc thụ tinh nhân tạo đối với ong chúa chỉ thực hiện một lần. Sau đó, chúng sẽ sinh nở suốt đời để cho ra con thuần hoặc con lai theo ý muốn. Vừa qua, ông Thượng đã bán ong chúa chất lượng được thụ tinh nhân tạo cho nhiều hộ trong, ngoài tỉnh với giá từ 3-4 triệu đồng/con.

Ông Lương Vũ Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Bắc Giang là địa phương đầu tiên trong cả nước được Trung tâm Nghiên cứu ong và Nuôi ong nhiệt đới chọn để triển khai thực hiện công nghệ tiên tiến này. Mới đây, đoàn công tác của Hội đồng KH&CN tỉnh đã kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện đề tài. Theo đó, đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt, hộ nuôi ong đã làm chủ được kỹ thuật mới.

Tới đây, sau giai đoạn nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa, các chuyên gia sẽ tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất mật ong xuất khẩu từ những đàn ong được thụ tinh nhân tạo tại huyện Lục Ngạn nhằm tăng năng suất mật từ 15-20%, xuất khẩu 7 tấn mật ong đạt tiêu chuẩn. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được chuyển giao cho các cơ sở nuôi ong trên địa bàn tỉnh thông qua đào tạo tập huấn.

Dù thời gian thực hiện đề tài chưa kết thúc song có thể khẳng định việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo cho ong chúa bước đầu đã thành công. Qua đó, góp phần thúc đẩy nghề nuôi ong phát triển, trở thành một ngành sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...