Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đại biểu nhân dân với cử tri >> Tin tức thời sự
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giám sát của Tổ đại biểu HĐND: Những bất cập cần tháo gỡ

(BGĐT) - Ngày 4-12-2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được Quốc hội thông qua (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016). Mặc dù những quy định về hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND chưa được đề cập nhiều nhưng những nội dung quy định cụ thể trong luật đã góp phần khẳng định vị thế và tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương.
{keywords}

Đại biểu HĐND tỉnh giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động tại dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Việt Thắng (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng).

Rõ nét hơn vai trò giám sát

Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII có 10 tổ đại biểu HĐND ở 10 huyện, TP với 85 đại biểu HĐND. Trước mỗi kỳ họp, cùng với việc chỉ đạo các ban, các tổ chuẩn bị nội dung thảo luận, chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh phân công các tổ đại biểu HĐND tổ chức giám sát kết quả giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, coi đây là một kênh quan trọng trong thẩm định, đánh giá chất lượng giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước. Căn cứ quy định của luật, Thường trực HĐND tỉnh phân công tổ đại biểu tổ chức giám sát chuyên đề việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân...

Những giải pháp trên đã tạo chuyển biến rõ rệt đối với hoạt động các tổ đại biểu HĐND tỉnh, nhất là trong giám sát. Nhiều vấn đề được tổng hợp qua các lần tiếp xúc cử tri (TXCT) của tổ đại biểu và qua hoạt động giám sát của mỗi đại biểu HĐND tỉnh đã trở thành những vấn đề nóng trong các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp như: Tình trạng san nền, hạ độ cao đất đồi tràn lan tại các địa phương; việc buông lỏng quản lý, cấp phép xây dựng; buông lỏng xử lý xe quá khổ, quá tải trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; những bất cập trong khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường; xử lý rác thải ở nông thôn; tính hình thức trong đào tạo nghề lao động nông thôn...

Qua các buổi tham gia giám sát chuyên đề cùng với Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh, kỹ năng hoạt động của các thành viên tổ đại biểu được rèn luyện, thể hiện tính chuyên nghiệp. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại Lục Ngạn nói: "Khi được giao nhiệm vụ giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc xã Biển Động, lúc đầu chúng tôi rất lo lắng. Nhưng sau khi nghiên cứu quy định và học hỏi kinh nghiệm của Thường trực và các ban HĐND tỉnh trong những lần về giám sát tại địa phương, các thành viên trong tổ thấy tự tin hơn khi xây dựng kế hoạch, đề cương và tổ chức giám sát".

Những khó khăn, bất cập

Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu, từ thực tiễn cho thấy vẫn còn những tồn tại, bất cập. Việc giám sát của các tổ đại biểu chủ yếu thông qua hoạt động TXCT hoặc thực hiện theo sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh. Hầu hết các tổ còn thiếu chủ động trong tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề tại địa phương.

Nguyên nhân khách quan do các quy định về chức năng nhiệm vụ của tổ đại biểu HĐND đã rõ song quy trình thực hiện giám sát còn chung chung, gộp trong các điều, khoản quy định về giám sát của đại biểu HĐND. Luật cũng không quy định rõ về giám sát thường xuyên, giám sát chuyên đề như đối với hoạt động giám sát của Thường trực HĐND, các ban của HĐND.

 Tại Điều 86, Luật Hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định: "Tổ đại biểu HĐND tổ chức để đại biểu HĐND giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn nơi đại biểu ứng cử. Tổ đại biểu HĐND thông báo nội dung, kế hoạch giám sát cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 7 ngày, trước ngày bắt đầu tiến hành hoạt động giám sát. Mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia giám sát". Tuy vậy, các điều, khoản của luật không nêu rõ đối với hoạt động giám sát của tổ có thành lập đoàn giám sát hay không? Sau khi kết thúc giám sát, tổ đại biểu gửi báo cáo giám sát tới cấp nào? Trong Luật cũng không quy định rõ khi ban hành các văn bản triển khai kế hoạch giám sát, tổ sẽ sử dụng con dấu của cơ quan nào, điều này dẫn đến trên thực tế, tổ đại biểu HĐND tỉnh thường vận dụng sử dụng đóng dấu của cơ quan chuyên môn của tổ trưởng hoặc tổ phó. Về cơ chế tài chính phục vụ hoạt động giám sát, khảo sát của tổ đại biểu HĐND cũng chưa được đề cập rõ trong các quy định của T.Ư và tỉnh.

Đề xuất giải pháp

Từ thực tế bước đầu triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 cho thấy thực hiện tốt hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND góp phần quan trọng giúp HĐND tỉnh, huyện đánh giá toàn diện việc thực thi pháp luật và nghị quyết HĐND tại địa phương. Để giúp các tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tháo gỡ vướng mắc và nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Trong đó, cần hướng dẫn cụ thể hơn về quy trình thực hiện giám sát chuyên đề đối với tổ đại biểu HĐND; việc sử dụng con dấu của tổ đại biểu HĐND.

HĐND cấp tỉnh, cấp huyện cần tổ chức nhiều hơn các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND, nhất là các kỹ năng trong hoạt động giám sát. Bổ sung quy định về đối tượng áp dụng và thực hiện dự toán kinh phí bảo đảm cho tổ đại biểu HĐND khi tham gia hoạt động giám sát chuyên đề.

Cùng với các giải pháp trên, để nâng cao chất lượng giám sát của tổ đại biểu HĐND, thiết nghĩ vai trò của tổ trưởng đóng vai trò hết sức quan trọng. Cho dù các thành viên của tổ chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm song nếu tổ trưởng tổ đại biểu nêu cao vai trò người đứng đầu trong việc kết nối, phát huy trí tuệ tập thể, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực trình độ và công việc chuyên môn của các đại biểu HĐND là thành viên sẽ khích lệ được các đại biểu phát huy trí tuệ và trách nhiệm trong hoạt động.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...