Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng nhãn hiệu "Bưởi Hiệp Hòa-Bắc Giang": Nâng giá trị sản phẩm

Cập nhật: 09:01 ngày 21/12/2017
(BGĐT) - Nhằm góp phần duy trì danh tiếng sản phẩm, nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh bưởi ở huyện Hiệp Hòa, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) thực hiện dự án khoa học cấp tỉnh "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang” . Sau gần hai năm triển khai, đến nay dự án cơ bản hoàn thành.
{keywords}

Ông Nguyễn Văn Quy (giữa) thôn An Hòa, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) trao đổi  về kỹ thuật chăm sóc bưởi của gia đình.

Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu

Cây bưởi được trồng tại Hiệp Hòa cách đây khoảng 20 năm đã khẳng định vị thế là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích trồng bưởi toàn huyện (chủ yếu giống bưởi Diễn) khoảng 180 ha, tập trung ở các xã: Lương Phong, Đoan Bái, Hùng Sơn, Ngọc Sơn và Danh Thắng. Năm 2013, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi Lương Phong". Huyện Hiệp Hòa phấn đấu đến năm 2020 trồng mới khoảng 120 ha bưởi các loại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản phẩm chỉ đại diện cho vùng sản xuất nhỏ ở một xã, chưa tạo được danh tiếng cho cả huyện nên ít người tiêu dùng biết đến. Các xã khác tuy có diện tích trồng bưởi lớn nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Thị trường bưởi vẫn trong giai đoạn phát triển tự phát, thiếu sự quản lý và định hướng... Trước thực trạng đó, tháng 6-2016, UBND tỉnh phê duyệt dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Bưởi Hiệp Hòa-Bắc Giang" do Viện Thổ nhưỡng nông hóa chủ trì; thời gian thực hiện từ tháng 5-2016 đến tháng 4-2018. Theo đó, các chuyên gia tiến hành thu thập số liệu về đất đai, khí hậu vùng nghiên cứu; điều tra, khảo sát quy mô, hiện trạng, quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản và thị trường tiêu thụ bưởi đối với 250 hộ. Đồng thời, phân tích các chỉ tiêu về hàm lượng nước, đường, axít, vitamin C; hình thái, cảm quan của bưởi đối với 80 hộ trồng.

Từ kết quả nghiên cứu, điều tra, dự án đã chọn 30 hộ thuộc 5 xã gồm: Lương Phong, Đoan Bái, Danh Thắng, Hùng Sơn, Ngọc Sơn đủ điều kiện cấp nhãn hiệu chứng nhận. Kỹ sư Lê Thị Hương, Chủ nhiệm dự án cho biết: Trong quá trình triển khai, cơ quan chủ trì đã tích cực phối hợp với Sở KH&CN, UBND huyện Hiệp Hòa, các đơn vị tư vấn như Cục Sở hữu Trí tuệ, Sở Nông nghiệp và PTNT. Nhờ đó, các nội dung của dự án đều bảo đảm chất lượng.

{keywords}

Kỹ sư Lê Thị Hương (bên trái), Viện Thổ nhưỡng nông hóa khảo sát vườn bưởi  của ông La Văn Thiết, thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa).

Nâng giá trị sản phẩm

Các chuyên gia đánh giá, cây bưởi thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở nhiều xã của huyện Hiệp Hòa. Bưởi trồng trên vùng đất này quả tròn, vỏ nhẵn, khi chín màu vàng cam, trọng lượng trung bình mỗi quả từ 0,8-1 kg, tỷ lệ múi từ 60-65%, thịt quả màu vàng xanh, ăn giòn, ngọt mát, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quy, thôn An Hòa, xã Đoan Bái trồng gần 9 sào bưởi với 150 cây, có tuổi đời 17 năm. Ông Quy cho biết: Trung bình, 1 sào bưởi (30-35 cây) gia đình lãi khoảng 25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có nhiều giống bưởi nên rất khó nhận biết đâu là bưởi trồng ở Hiệp Hòa nên giá trị chưa được như mong đợi. "Chúng tôi rất vui khi tới đây, bưởi Hiệp Hòa được cấp nhãn hiệu chứng nhận. Điều này giúp nông dân tổ chức sản xuất bài bản hơn, sản phẩm có chất lượng, giá trị cao hơn", ông Quy nói.

Ông Lương Vũ Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN) cho biết: Sở thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra tiến độ thực hiện. Đến thời điểm này, cơ quan chủ trì cơ bản hoàn tất các nội dung của dự án. Cuối tháng 12 năm nay, UBND Hiệp Hòa sẽ tổ chức Lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận “Bưởi Hiệp Hòa - Bắc Giang”. Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sẽ nâng cao danh tiếng, uy tín của sản phẩm khi đưa ra thị trường, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, có những dự báo chính xác nhằm khai thác lợi thế và tăng giá trị trong từng sản phẩm.

Theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ  tịch UBND huyện Hiệp Hòa, sau khi sở hữu nhãn hiệu chứng nhận "Bưởi Hiệp Hòa-Bắc Giang", UBND huyện sẽ tăng cường phổ biến, hướng dẫn các quy trình, quy chế đã được ban hành, vận động người dân tham gia sử dụng nhãn hiệu hiệu quả. Bên cạnh đó, thành lập mới các HTX để mở rộng diện tích; hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi nhằm tăng số hộ được cấp chứng nhận; truy xuất nguồn gốc, bảo đảm đúng tiêu chuẩn nhãn hiệu. Triển khai các kế hoạch phát triển thị trường, tăng cường quảng bá, liên kết sản xuất, kinh doanh để nâng cao giá trị sản phẩm.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...