Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hiệp Hòa: Gắn nhãn mác cho nông sản

Cập nhật: 13:39 ngày 16/10/2017
(BGĐT) - Là địa phương có nhiều nông sản đặc trưng, mang lại thu nhập cao nên huyện Hiệp Hòa luôn quan tâm bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhờ vậy, một số mặt hàng có điều kiện mở rộng thị trường, tăng giá trị.
{keywords}

Dưa lưới của HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 được gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc

Tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng trên địa bàn huyện, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng chú trọng đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngay từ vụ đầu. Theo đó, tem nhãn được gắn vào sản phẩm khi bán ra thị trường. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch ở mặt ngoài của tem sẽ rõ các nội dung gồm: Thời điểm xuống giống, quy trình chăm sóc và địa chỉ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX cho biết: “Với tem nhãn rõ ràng, hơn 6,5 tấn dưa lưới của HTX được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá gần 40 nghìn đồng/kg. Qua khảo sát, người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm sử dụng vì nắm đầy đủ thông tin về sản phẩm”.

Từ thành công đó, năm nay, HTX tiếp tục liên kết, ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nông sản Phủ Quỳ (Hà Nội) trồng dưa lưới công nghệ cao. Dưa xuống giống vào các thời điểm khác nhau, bảo đảm cho thu hoạch gối lứa, bình quân khoảng 80-100 kg quả/ngày. HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà bón phân vi sinh, hữu cơ cho dưa. Thăm nhà màng trồng dưa vào thời điểm này, chúng tôi thấy có những luống quả to, tròn, chuyển màu vàng sắp được hái, kế đó là các luống đang được công nhân thụ phấn cho hoa và khu vực cây bắt đầu leo giàn. Nơi sản xuất có gắn camera để đối tác giám sát, kiểm tra quy trình chăm sóc bất cứ lúc nào. Hai bên thỏa thuận, sản phẩm có giá bán tối thiểu 40 nghìn đồng/kg.

Ngoài dưa lưới, bánh chưng Vân, thịt lợn hữu cơ cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Riêng quý III năm nay, HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 gắn tem, tiêu thụ khoảng một vạn chiếc bánh ra thị trường trong và ngoài tỉnh, doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang bàn bạc với Big C miền Bắc, tiến tới đưa bánh vào hệ thống siêu thị. Trước đó, rau cần Hoàng Lương, bưởi diễn Lương Phong, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn đã có nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Cải thiện hạ tầng, mở rộng thị trường

Từ đầu năm đến nay, huyện trích hơn 100 triệu đồng từ ngân sách hỗ trợ cho các HTX sản xuất, kinh doanh nông sản như: Nông nghiệp Đồng Tâm 3, xã Thường Thắng; Minh Thịnh Vượng, xã Hùng Sơn; Nông nghiệp hữu cơ Trường Thành, xã Danh Thắng để thiết kế, in tem, nhãn.

Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Cùng với xây dựng thương hiệu, công tác quản lý nhãn hiệu được huyện, chủ sở hữu chú trọng. Đơn vị chuyên môn tích cực tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc sử dụng tem nhãn cho sản phẩm.

Xác định xây dựng thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản, từ nay đến năm 2020, huyện ưu tiên dành kinh phí bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Trong đó, lựa chọn một số mặt hàng chủ lực có lợi thế so sánh của địa phương như: Gà giống, thịt lợn, rau... để từng bước bảo hộ nhãn hiệu. Giai đoạn 2017-2018, đăng ký nhãn hiệu tập thể gà sinh sản, thịt lợn hữu cơ; nhãn hiệu quản lý bưởi Hiệp Hòa; năm 2018-2020 triển khai trên một số rau, củ khác.

Ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện trích kinh phí hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất; tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm tại thị trường lớn thông qua kênh tiêu thụ là chợ đầu mối, hệ thống siêu thị”. Cùng đó, coi trọng nâng cao chất lượng sản phẩm bằng ứng dụng công nghệ cao như: Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, áp dụng quy trình VietGAP; đồng thời tăng diện tích nhằm bảo đảm có sản lượng đủ lớn, phát huy giá trị sau bảo hộ. Huyện hỗ trợ cứng hóa 3,5 km kênh mương, lựa chọn chế phẩm xử lý môi trường đất và nước để hình thành vùng sản xuất rau cần Hoàng Lương với quy mô 180 ha, trong đó 100 ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Mở rộng diện tích lúa nếp cái hoa vàng ở xã Thái Sơn, Mai Trung tại cánh đồng đã dồn điền đổi thửa. Nâng cao chất lượng 130 ha bưởi hiện có của các xã Lương Phong, Ngọc Sơn thông qua xây dựng quy trình thâm canh theo hướng VietGAP, ứng dụng chế phẩm sinh học.

Đi đôi với biện pháp trên, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sử dụng các chế phẩm, hóa chất trong canh tác, bảo quản nông sản.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...