Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Hiệp Hòa >> Nhịp sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thêm yêu quê hương qua mỗi giờ ngoại khóa

Cập nhật: 10:19 ngày 03/02/2017
(BGĐT) - Bên cạnh quan tâm dạy kiến thức, Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 là điển hình của huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) trong giáo dục truyền thống văn hóa cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Từ đó, giúp các em mở rộng hiểu biết, nâng cao kỹ năng sống và bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 say sưa với nghệ thuật hát chèo.

Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Bắc Lý số 1 đúng dịp nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Học tập, sáng tạo, vui chơi, cùng nhau toả sáng”. 

Để học sinh được thỏa sức “học mà chơi, chơi mà học”, trường khéo léo bố trí các địa điểm để từng khối, lớp thực hiện các chủ đề như: "Em tập làm họa sĩ", "Khéo tay hay làm", "Nghệ sĩ nhỏ tuổi"... Trong số này, góc tìm hiểu về nghệ thuật hát chèo thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các em chăm chú lắng nghe những nghệ sĩ đến từ Câu lạc bộ hát chèo xã Bắc Lý giới thiệu về ý nghĩa của loại hình văn hóa dân gian này. Đồng thời, việc trực tiếp truyền dạy những kỹ năng hát chèo cơ bản thông qua các điệu: Con nhện giăng mùng, Đào liễu, Đò đưa… đã tạo hứng thú cho nhiều em nhỏ. Các em cũng thích thú khi được tự tay vẽ tranh, xếp tranh, làm hoa… trước sự chứng kiến của cha mẹ, thầy cô. 

Bằng việc vận dụng kiến thức, hiểu biết về cuộc sống quanh mình và đôi tay khéo léo, các bạn nhỏ đã sử dụng nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp như hạt gạo, ngô, đỗ... để xếp hình bản đồ Việt Nam, ngôi sao vàng 5 cánh, ngôi chùa cổ của quê hương, huy hiệu Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh... 

Thầy giáo Trần Xuân Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy cụ thể. Trong đó, trọng tâm là thay đổi phương pháp dạy, khéo léo truyền đạt kiến thức, kỹ năng bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các trò chơi dân gian, diễn kịch, văn nghệ, thi tìm hiểu kiến thức, kể chuyện về Bác Hồ, làm bánh, vẽ tranh… 

Từ năm 2013 đến nay, mỗi năm, nhà trường tổ chức hai buổi ngoại khóa tìm hiểu lịch sử cách mạng tại các điểm di tích trong và ngoài huyện. Đồng thời, tổ chức cho học sinh tham gia từ 2 đến 3 hoạt động trải nghiệm thực tế. Vào dịp đón năm mới, các bạn nhỏ được tham gia gian hàng ngày Tết với đủ loại bánh, mứt, sản vật của quê hương. Qua đây, giúp học sinh có thêm hứng thú trong học tập, sáng tạo, biết đoàn kết, chia sẻ yêu thương; đồng thời nâng cao kỹ năng sống, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, từ đó nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi.

Phương Nhung

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...