Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kinh nghiệm xử lý rác thải ở Giang Tô (Trung Quốc)

Cập nhật: 09:24 ngày 14/06/2017
(BGĐT) - Việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nông thôn đang là vấn đề dư luận quan tâm. Mới đây, đoàn công tác của tỉnh đã có dịp tham quan mô hình ở Trung Quốc. Ông Nguyễn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên đoàn công tác có bài viết về lựa chọn mô hình phù hợp với Bắc Giang qua chuyến học tập kinh nghiệm này.  
{keywords}

Tuy nằm ở khu vực trung tâm nhưng nhà máy xử lý rác của TP Thường Châu không gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.

Những năm qua, lượng rác thải trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý được quan tâm nhưng nhìn chung  ô nhiễm môi trường và rác thải trở thành vấn nạn báo động, nhất là ở khu vực nông thôn. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 139-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT), giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng Đề án thu gom, xử lý rác thải nông thôn giai đoạn 2015-2020. Khi xây dựng Đề án, nhiều câu hỏi đặt ra: Chôn lấp rác hay đốt rác? Đốt rác thế nào để không gây ô nhiễm môi trường? Nên đốt rác tập trung tại một nhà máy lớn hay xây dựng nhiều lò nhỏ? Sử dụng công nghệ đốt nào? Vận chuyển, thu gom rác ra sao khi đốt tập trung? Để trả lời câu hỏi này, mới đây, UBND tỉnh thành lập đoàn công tác tham quan công nghệ xử lý rác thải tại Trung Quốc, đối tác là các nhà máy của Tập đoàn Everbright - doanh nghiệp (DN) nhà nước chuyên xử lý rác, nước thải, phát triển năng lượng tái tạo. 

Phải thực hiện nguyên tắc “Ai gây ra ô nhiễm người đó phải trả tiền khắc phục”. Tránh tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ”. Coi việc khắc phục ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cải thiện môi trường sống cho mọi người. Huy động toàn xã hội chung sức vì môi trường trong lành.

TP Ngô Giang (TP cấp huyện của tỉnh Giang Tô) nằm bên bờ Thái Hồ xinh đẹp. Tại đây có một nhà máy xử lý rác đang hoạt  động giữa môi trường trong lành. Đoàn được Ban Giám đốc giới thiệu quy trình xử lý rác. Theo đó, rác được chở từ vị trí thu gom bằng xe chuyên dụng  tới nhà máy được đưa vào phòng kín và gom vào hố lớn. Khu vực này cách ly bên ngoài và hạ áp xuống âm 40 át-mốt-phe (-40 at). Vì thế mùi hôi không phát tán ra ngoài. Đây là công nghệ tối ưu để nhà máy xử lý rác không trở thành điểm ô nhiễm. Rác được máy cẩu đánh tơi làm giảm độ ẩm, sau đó đưa vào cửa lò đốt. Lò đốt hình bậc thang có các pít-tông thủy lực điều khiển cho rác rơi dần để được đốt hết. Khí nóng được tận dụng dẫn ra tua-bin chạy máy phát điện, tro thải (chiếm khoảng 2%) được chở đi chôn lấp. Khói bụi qua hệ thống lọc và làm mát phức tạp, sau đó phát thải đạt tiêu chuẩn quy định. Nước rỉ rác dẫn ngầm sang nhà máy liền kề để xử lý thành nước tiêu chuẩn phục vụ làm mát khói thải. Phần tro bụi từ khói thải được thu gom và chế biến thành gạch xây dựng. 

Các hoạt động được điều khiển tự động qua hệ thống máy tính kết nối trên màn hình. Mọi thông số liên tục hiện lên màn hình trong nhà máy và bảng điện tử trước cổng, đồng thời được chuyển về cơ quan giám sát môi trường. 

Còn nhà máy xử lý rác thải của TP Thường Châu có 3,4 triệu dân nằm trong khu dân cư và đã hoạt động khoảng 10 năm. Nhà máy sạch sẽ, không khí trong lành, không có khiếu nại từ người dân xung quanh. Ở một điểm thu gom rác thải tại khu dân cư, người dân dành khoảng 1.000 m2 đủ đặt 2 ga tiếp nhận từ những điểm thu gom nhỏ. Rác được sơ bộ phân loại, tận dụng có thể tái chế, còn lại được ép chặt vào thùng rác, khi đầy sẽ vận chuyển đi xử lý. 

Qua chuyến tham quan học tập, chúng tôi thấy cần trao đổi, đề xuất về xử lý rác thải tại nông thôn tại tỉnh hiện nay. Đó là cần thay đổi nhận thức về BVMT cho cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân. Càng chậm giải quyết ô nhiễm thì hậu quả sau này càng lớn và càng khó khắc phục. Một đồng đầu tư khắc phục ô nhiễm từ bây giờ sẽ có giá trị gấp nhiều lần đầu tư sau này. Phải thực hiện nguyên tắc “Ai gây ra ô nhiễm người đó phải trả tiền khắc phục”. Tránh tư tưởng “sạch nhà, bẩn ngõ”. Coi việc khắc phục ô nhiễm môi trường là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư cải thiện môi trường sống cho mọi người. Huy động toàn xã hội chung sức vì môi trường trong lành.

{keywords}

Công nhân điều khiển dây chuyền xử lý rác tự động tại nhà máy ở TP Ngô Giang.

Chúng ta không nên tiếp tục chôn lấp rác thải vì đất chật, các bãi chôn lấp đang là những điểm ô nhiễm gây bức xúc cho người dân. Cũng không nên đốt phân tán bằng các lò nhỏ vì hay hỏng hóc, tuổi thọ kém, đặc biệt là không đủ nhiệt độ đốt thứ cấp dẫn tới tạo ra các chất khí độc, ô nhiễm thêm bầu không khí. Trước mắt, do điều kiện kinh tế hạn chế, chưa thể xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại tiên tiến như ở châu Âu nên sử dụng công nghệ đốt tập trung kết hợp phát điện như công nghệ của Tập đoàn Everbright.

Nếu xây dựng nhà máy đốt rác công nghiệp tập trung thì kêu gọi đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), chính quyền địa phương không phải bỏ tiền xây dựng mà chỉ trả phí xử lý rác cho nhà đầu tư. Chính quyền tổ chức hệ thống thu gom rác thải và vận chuyển đến nhà máy. Nên tổ chức điểm thu gom theo cấp xã hoặc liên xã, những điểm này phải có hạ tầng hoàn chỉnh để dễ thu gom rác, đồng bộ với phương tiện vận chuyển và không gây ô nhiễm.

Trong khi chờ xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung cần rà soát tất cả các bãi xử lý rác thải, nâng cao công suất lò đốt hiện có để xử lý dứt điểm rác thải hằng ngày, kết hợp chôn lấp rác ở những vùng dân cư thưa thớt, tránh phát sinh điểm ô nhiễm mới do không kịp xử lý rác thải. Phát động chiến dịch thu gom, làm sạch vệ sinh môi trường, nhất là việc thu gom rác thải dọc các tuyến giao thông, kênh mương.

Một giải pháp khác nữa là tiếp tục bố trí ngân sách nhà nước bảo đảm cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng phí BVMT để đủ chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Nâng dần phí môi trường, trước mắt phần kinh phí còn thiếu sẽ do ngân sách nhà nước cấp bù.

Nguyễn Cường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...