Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Xã hội / Hành động vì môi trường sạch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ông Thân Văn Mưu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh: Phải có biện pháp xử lý rác căn cơ, triệt để

Cập nhật: 09:20 ngày 10/05/2017
(BGĐT) - Đó là ý kiến của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Thân Văn Mưu khi trả lời phỏng vấn Báo Bắc Giang về tình trạng ô nhiễm môi trường, rác thải nông thôn hiện nay. Theo ông, đã đến lúc, chính quyền và chính người dân không thể làm ngơ trước rác.
{keywords}

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thân Văn Mưu trao đổi với người thu gom cách phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Hữu Trình.

NƠI NÀO LÀM TỐT VIỆC THU GOM, NƠI ĐÓ SẠCH SẼ

Thưa ông! Hiện nay tỉnh ta đang tập trung cao cho việc xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là rác thải. Với tư cách nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, ông nhận thấy vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng tỉnh đang chọn đúng và trúng vấn đề, giải quyết đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Không phải bây giờ mà lúc nào, rác thải cũng là chủ đề nóng, vì có ai mà không xả rác. Người càng đông thì rác càng nhiều; nếu không giải quyết căn cơ, triệt để thì tới đời con cháu chúng ta sau này vẫn phải chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường.

Ông đang sống ở quê (thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên- PV), rác thải ở đây có bức xúc không, thưa ông?

Nếu chỉ ở diện hẹp, thôn tôi, xã tôi thì việc thu gom, xử lý rác thải không có vấn đề gì. Cả 5 thôn của xã Tăng Tiến đều có người thu gom rác, ngày nào cũng đi thu gom và đổ tập trung ra một chỗ, cách khu dân cư hơn một km. Độ vài ba tuần đốt một lần. Khoảng một năm nay, huyện Việt Yên có xe chở rác chuyên dụng; vài ba ngày lại chở đi nên cơ bản xã không còn rác tồn lưu.  

Như vậy có nghĩa là nơi nào làm tốt việc thu gom thì nơi đó sạch sẽ. Và đương nhiên, có người thu gom thì người dân ở đó phải trả phí môi trường?

Đúng như vậy! Từ lâu rồi, ở đây quy định mỗi hộ đóng 20 nghìn đồng/tháng cho tổ thu gom rác. Thôn Phúc Long có 600 hộ thì chỉ có số ít hộ không nộp; còn đa số người dân chấp hành nghiêm và có ý thức bảo vệ môi trường. Hầu như nhà nào cũng có đồ chứa rác để ở cửa; không ai vứt rác ra đường và đều đổ rác đúng giờ quy định. 

Bằng cách nào mà người dân trong thôn lại có ý thức như vậy, thưa ông?

Tôi cho rằng, muốn thôn xóm sạch sẽ, cấp uỷ phải vào cuộc, cụ thể ở đây là chi bộ. Từ nhiều năm qua, kỳ Đảng nhật nào, Chi bộ thôn cũng kiểm điểm, nhắc nhở về vấn đề vệ sinh môi trường. Lâu dần nghị quyết của chi bộ thấm vào dân và trở thành nền nếp, ý thức.

{keywords}

Thu gom rác vào cuối chiều mỗi ngày đã trở thành nền nếp ở thôn Phúc Long.

KHÔNG THỂ LÀM NGƠ

Có thể thấy việc thu gom như mô hình ở thôn Phúc Long, về cơ bản là ổn. Tuy nhiên, việc xử lý theo kiểu đổ tập trung ở thôn, xã hay huyện rồi đốt có ổn không, thưa ông?

Như tôi nói ở trên, thu rác lại rồi đổ ra cuối làng, cuối xã xong đốt như trước kia hay giờ huyện chở đổ đi chỗ khác mới chỉ giải quyết cái sạch trước mắt ở nơi đấy, theo diện hẹp. Còn người dân sống gần bãi rác tập trung vẫn bị ảnh hưởng, ô nhiễm lắm chứ! Mà đều là dân mình chịu cả chứ ai; chưa kể khói bụi quẩn quanh, mùi hôi thối, nước thải rỉ ra từ bãi rác ảnh hưởng tới cả vùng chứ không chỉ những hộ xung quanh nên về lâu dài, phải có biện pháp xử lý căn cơ, triệt để. 

Tôi tính ở thôn Phúc Long mỗi ngày chở 10 xe cải tiến mới hết rác. Bình quân mỗi xe 3 tạ. Như vậy, rác của một thôn một ngày đã là 3 tấn. Không phân loại, cứ chất đống để đấy hoặc thi thoảng đốt hay chuyển đi nơi khác, tất cả đều chỉ là giải pháp tạm thời.

Theo ông, để giải quyết căn bản việc xử lý rác thải, chúng ta nên làm như thế nào?

{keywords}
Trước mắt, theo tôi cần hình thành ngay tổ thu gom rác ở các thôn, xóm và người dân phải trả phí cho tổ này. Có vậy rác mới không vương đầy đường, bà con không phải sống chung với rác”.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thân Văn Mưu

Vấn đề này cần xem xét, tính toán một cách thấu đáo và hết sức thận trọng. Khi làm lãnh đạo tỉnh, tôi có đến tham quan mô hình xử lý rác tại một nhà máy rác ở Đan Mạch. Phải nói là quá tuyệt vời, sạch sẽ, không có mùi hôi hám gì cả. Nhà máy xử lý rác cho cụm các tỉnh, thành phố miền bắc nước này nên công suất rất lớn và rác sau xử lý được tạo thành điện. 

Còn ở Ý tôi thăm nhà máy xử lý nước thải và đến bây giờ vẫn còn ấn tượng. Họ dẫn đi thăm dây chuyền, từ đầu vào tới đầu ra, từ nước thải đen ngòm ban đầu tới khi ra sản phẩm cuối, nước trong veo và tất cả cán bộ, công nhân viên dùng nước đó uống trực tiếp luôn. Tất nhiên, không phải cái gì mình cũng theo được họ nhưng tôi nghĩ, đó là gợi ý để chúng ta suy nghĩ về việc xây nhà máy rác tập trung cho tỉnh. Tuỳ điều kiện thực tế, tính toán lượng rác thải hằng ngày để chọn công suất và chi phí phù hợp. Cũng phải tính “nuôi’ nhà máy như thế nào, ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu và dân đóng góp như thế nào để chở rác từ nhà tới nhà máy…

Giải pháp lâu dài là vậy, còn trước mắt, theo ông, phải làm gì để người dân không phải sống chung với rác như ở nhiều làng quê hiện nay?

Gần đây, đọc Báo Bắc Giang, xem truyền hình, tôi thấy rác thải, chất thải khủng khiếp thật, quá ô nhiễm môi trường. Ngay như kênh T6 chảy qua xã Tăng Tiến, nếu bị bục đường dẫn, nước chảy vào ruộng nhà nào là nhà ấy lúa chết; xác động vật vứt ngay ra rìa đường, kênh mương, ruồi nhặng bâu kín, hôi thối mà không ai xử lý, dọn dẹp. 

Cho nên, trước mắt theo tôi cần hình thành ngay tổ thu gom rác ở các thôn, xóm và người dân phải trả phí cho tổ này. Có vậy rác mới không vương đầy đường, bà con không phải sống chung với rác. Khi chưa có nhà máy thì các huyện nên có xe chở rác chuyên dụng, tập kết rác về một điểm để tránh xa khu dân cư, hạn chế phần nào ô nhiễm cho người dân. Đã đến lúc, chính quyền và người dân không thể làm ngơ trước rác được.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Tâm (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...