Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vua chim cút miền Tây

Cập nhật: 10:49 ngày 30/01/2018
(BGĐT) - Chẳng phải chờ đến khi cuộc vận động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong cuộc cách mạng 4.0, trang trại nuôi chim cút lấy trứng của ông Trần Nguyễn Hồ, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã nổi danh cả trong và ngoài nước. Trứng cút an toàn sinh học cùng chuồng nuôi chim của ông đã được nhiều tổ chức xác nhận chất lượng và bản quyền. Người ta đã "phong vương" cho ông còn ông cùng gia đình thì cứ lặng lẽ, cần mẫn và sáng tạo.
{keywords}

Ông Trần Nguyễn Hồ kiểm tra chất lượng trứng chim cút.

Đường đến triệu quả trứng xuất khẩu

Hồi nhỏ nhà nuôi vịt, sung sướng nhất là nhặt những quả trứng hôi hổi trên trấu. Hôm nay, trong trại nuôi chim cút của ông Trần Nguyễn Hồ cũng tâm lý ấy nhưng lại có mối lo bởi ý nghĩ: Giá như anh cho cả mẻ trứng này, nhặt hết mới được về, chắc nhiều người bỏ cuộc. Trứng cút sau khi rời khỏi bụng mẹ tự lăn xuống khay, người gom cứ thế gom vào giỏ lớn. Mỗi ngày triệu quả trứng như thế đưa vào Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang chế biến đóng lon để chủ trang trại Trần Nguyễn Hồ xuất khẩu sang Nhật Bản. Số trứng còn lại một phần ấp thành trứng lộn, một phần phân phối ngay trên thị trường trong nước. Guồng quay đàn chim đẻ trứng của trang trại trong vòng 8, 9 tháng mỗi năm như thế. Chẳng ngờ những nàng chim cút mới tháng rưỡi tuổi mắn đẻ đến thế.

Theo ông Trần Nguyễn Hồ, gia đình luôn giữ hơn triệu con cút đẻ, còn hơn hai chục gia đình cùng nuôi theo phương thức vệ tinh. Với hộ vệ tinh, ông hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhờ đó mỗi tuần, ngoài trứng cung cấp cho vựa đầu mối cả miền Tây và TP Hồ Chí Minh, ông cũng xuất khẩu ít nhất hai chuyến sang Nhật Bản, mỗi năm thu về ba, bốn triệu đô la. Giải thích chuyện thị trường khó tính, ông kể 5 năm trước người Nhật đến trang trại và đưa ra các tiêu chí mình nghĩ như viễn tưởng: Trứng luộc lòng đỏ nằm chính giữa, quanh lòng đỏ không có màng đen, trứng đóng vào lon khi sang tới Nhật Bản còn tươi nguyên... Họ tìm hiểu cám chim mua ở đâu, chế biến như thế nào rồi quy trình cho chim ăn, uống, cách lượm trứng và cả chỗ ăn ở của người nuôi. Nghĩa là gốc chăn nuôi của trang trại ngoài nhiệt độ tiêu chuẩn 27- 30 độ phải là nước hợp vệ sinh, lúa làm cám cho chim trồng trong vùng an toàn sinh học, chăm sóc đàn chim bằng vắc-xin hay dinh dưỡng thảo mộc, không gây độc hại. Và họ đặt một kỹ sư theo dõi độc lập toàn bộ quy trình sản xuất cho đến cả ngày hôm nay.

Vinh quang thuộc về người dám nghĩ, dám làm

Khi đã trở thành người chăn nuôi công nghệ cao tầm chuyên gia sau một phần tư thế kỷ bươn trải, ông vẫn chỉ nhận mình là nông dân. Mỗi lần được vinh danh ở Thủ đô Hà Nội (Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động của Nhà nước và các danh hiệu khác như Thương hiệu Việt, Sao Thần nông), ông thường về quê - tổ dân phố Á Lữ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang). Trong câu chuyện, cùng với sự sẻ chia thành công của “Sao Thần nông”, mới thấy cuộc đời hơn sáu chục tuổi của ông biết bao nỗi truân chuyên.

Khi bố ông tập kết ra Bắc, ông sống trong sợ hãi của đứa trẻ có người thân đi kháng chiến và lớn lên là chuỗi ngày nơm nớp trốn quân dịch. Trưởng thành, cả hai vợ chồng là cán bộ dược mà cuộc sống gia đình nheo nhóc nơi quê ngoại, ông bứt ra làm nông dân chăn nuôi từ bấy. Thử nghiệm chăn nuôi đúng dịp dịch cúm H5N1 hoành hành, rồi giá cả leo thang làm gánh nợ chồng chất. Bản lĩnh và trí tuệ dám nghĩ, dám làm không cho phép ông gục ngã. Ngày đêm nghiên cứu, ông quyết tìm cho mình một hướng đi, mà là tiên phong. Thức ăn chim an toàn và làm phân không mùi; chuồng chim kim loại kiểu dáng đẹp, nhẹ, thoáng, tiện dụng và chim cút phát triển tốt, đăng ký bản quyền là những thành quả được chuyển giao khắp miền Tây, miền Trung, sang Lào, Campuchia, Úc...

Hôm được vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam -  2017, về quê ông cứ trăn trở một ngày nào, ai đó hứng thú với nghề nuôi chim cút ông sẽ chuyển giao, hỗ trợ giống vốn, kỹ thuật như một việc làm tri ân với quê hương. Và lúc đó, ông thầm mong có người sẽ được phong vương nuôi chim cút giỏi quê Bắc Giang như mình thuở ấy.

Cảnh Mạnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...