Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nặng nghĩa với quê hương

Cập nhật: 08:19 ngày 21/12/2017
(BGĐT) - “Quê hương” - hai tiếng thân thương chứa đựng biết bao tình cảm đối với những người con xa xứ. Với ông Nguyễn Hữu Hoành, nguyên cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Sóc Trăng cũng vậy. Bao nhiêu năm sống xa quê hương nhưng ông vẫn luôn nhớ về nơi mình sinh ra ở thôn Đồng Cờ, xã Ngọc Vân (Tân Yên) với biết bao ân tình sâu nặng.
{keywords}

Những lúc rảnh rỗi, ông Nguyễn Hữu Hoành xem lại những tài liệu về quê hương.

Năm nay, ông Nguyễn Hữu Hoành đã 75 tuổi, 40 năm tuổi Đảng. Vóc dáng cao lớn, giọng nói sang sảng, trí nhớ còn khá minh mẫn, trong câu chuyện, ông say sưa kể cho chúng tôi nghe về quê hương, về kỷ niệm “chân ướt chân ráo” đến Sóc Trăng lập nghiệp. Với tấm lòng của người con xa quê, ông luôn dành những tình cảm thân thương, mộc mạc khi nói về quê mình với niềm tự hào khác lạ. Ấy là vị thơm ngọt của trái cam Bố Hạ một thời, là trái vải thiều Lục Ngạn nức tiếng cả nước hay vị cay nồng thắm đượm của rượu làng Vân.

Ông Nguyễn Hữu Hoành sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn Đồng Cờ. Năm 1962, tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đạo Ngạn, huyện Việt Yên, ông được phân công về làm Hiệu trưởng Trường cấp 2 Hòa Bình, huyện Tân Yên. Gắn bó với mái trường được 3 năm, ông được điều chuyển về công tác tại Trường cấp 2 Hợp Đức cùng huyện. Năm 1976, khi đang làm cán bộ quản lý giáo dục ở huyện Tân Yên, do đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở miền Nam còn thiếu, ông vinh dự là một trong số 100 cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh Hà Bắc (cũ) tăng cường vào miền Nam công tác. Tại vùng đất phương Nam, ông Hoành được phân công nhiệm vụ Phó trưởng phòng rồi quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Tú, tỉnh Hậu Giang (cũ). Mặc dù có nhiều khó khăn, vất vả nhưng vì tình yêu nghề, ông đã vượt qua tất cả để mang sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa. Ông tâm sự: “Ngày mới vào nhận nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ năm ấy gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ cộng với xa gia đình, người thân. Hơn nữa, cơ sở vật chất giáo dục ở đây còn nhiều thiếu thốn. Hệ thống trường lớp xa xôi, địa bàn rộng, điểm lẻ nhiều nên công tác quản lý rất vất vả. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ về gia đình, quê hương và lấy đó làm động lực để cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thỉnh thoảng tôi lại về thăm gia đình trong những ngày nghỉ phép ngắn ngủi”.

{keywords}

Các đơn vị trường học tham gia Giải Điền kinh và bơi lội học sinh THPT tỉnh Sóc Trăng năm 2017.

Khó khăn bộn bề nhưng ở cương vị công tác và nhiệm vụ nào, ông Hoành cũng luôn nỗ lực, góp sức đưa ngành giáo dục vùng sâu, vùng xa đi lên. Sau 13 năm tâm huyết với ngành giáo dục, ông được tổ chức phân công làm Trưởng phòng Hành chính Quản trị - Trường Sư phạm dân tộc tỉnh Hậu Giang (cũ). Đến Năm 1990, ông Hoành nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Đến nay, ông Hoành đã 18 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở kiêm tổ trưởng Tổ hưu trí khóm 1 và khóm 2, Phường 7, TP Sóc Trăng. “Còn sức khỏe thì tôi còn làm việc. Được làm việc, tôi thấy mình khỏe mạnh, minh mẫn hơn”- ông Hoành bộc bạch. Trong cuộc sống đời thường, ông là một người cha, người ông gương mẫu, người chồng có trách nhiệm với gia đình. Tuy sống xa quê mấy chục năm nhưng những phong tục tập quán, lối sống ở quê hương vẫn được ông duy trì và lấy đó để dạy dỗ, giáo dục các con nhớ về cội nguồn. Ông luôn tạo điều kiện để các con hoàn thành tốt công việc xã hội. Chính vì vậy, các con đều noi gương cha, sống hiếu thảo, thành đạt và có cuộc sống gia đình riêng hạnh phúc. Riêng người con trai út là anh Nguyễn Mạnh Hà đang làm quản lý tại Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, còn con dâu- chị Trần Thị Kim Trúc hiện công tác tại Bệnh viện Quân dân y Sóc Trăng.

{keywords}

Khi làm được việc gì có ích cho quê hương, tôi lại cảm nhận được sự bình yên và hơi thở ấm áp của mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. Những việc làm đó tuy chưa phải lớn lao nhưng đó là tấm lòng của mỗi người con xa xứ thể hiện sự biết ơn đối với nơi mình đã sinh ra và lớn lên”.


Ông Nguyễn Hữu Hoành.

Hơn 40 năm xa quê, dù công việc bận rộn, sức khỏe không còn như xưa nhưng ông Nguyễn Hữu Hoành vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về thăm quê vào những dịp lễ, Tết. Những năm mới giải phóng, trong số 100 cán bộ giáo dục được tỉnh Hà Bắc (cũ) tăng cường vào miền Nam thì riêng huyện Tân Yên có 11 người. Sau này, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, một số người có điều kiện đã trở lại quê nhà, có người vì lý do nào đó phải sống xa quê. Trong số đó, có người không may mắn đã mãi mãi ra đi không trở về. Khi trò chuyện đến đây, tôi thấy đôi mắt ông rưng rưng, cảm xúc dồn nén, nỗi nhớ của người con xa quê cứ trào dâng. Những cán bộ được tăng cường vào miền Nam năm xưa đã thành lập hội “Một thời để nhớ” tại quê nhà và họp vào ngày 12-10 (dương lịch) hằng năm. Tuy ở xa quê nhưng hằng năm ông Hoành đều dành thời gian về thăm quê, tham gia họp hội hoặc tham dự ngày hội làng.

Dù kinh tế gia đình chưa thể gọi là giàu có nhưng khi có điều kiện, ông và các con cháu luôn hướng về quê hương với tình cảm chân thành, tham gia đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như tinh thần để góp sức xây dựng quê hương. Ông Nguyễn Hữu Hoành trải lòng: Khi làm được việc gì có ích cho quê hương, tôi lại cảm nhận được sự bình yên và hơi thở ấm áp của mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”. Những việc làm đó tuy chưa phải lớn lao nhưng đó là tấm lòng của mỗi người con xa xứ thể hiện sự biết ơn đối với nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

Kim Thoa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...