Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghị lực của thương binh Nguyễn Văn Hưởng

Cập nhật: 09:20 ngày 24/10/2017
(BGĐT) - Vượt qua nỗi đau do di chứng chiến tranh để lại, thương binh Nguyễn Văn Hưởng (SN 1964) ở thôn Đồng Hà, xã Thanh Luận, huyện Sơn Động (Bắc Giang) không ngừng phấn đấu, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó.
{keywords}

Thương binh Nguyễn Văn Hưởng (phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong.

Năm 1983, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Văn Hưởng lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hai năm sau, anh bị thương khi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên tuyến biên giới rồi xuất ngũ với tỷ lệ thương tật 81%.

Trở  về địa phương với cơ thể không lành lặn, hoàn cảnh lúc bấy giờ của thương binh Nguyễn Văn Hưởng khá khó khăn. Với tâm niệm “tàn nhưng không phế”, anh đã không quản ngại gian khó, làm đủ nghề để kiếm sống. Từ lên rừng lấy củi về bán, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi gà, lợn. Song do không có kinh nghiệm lại thiếu vốn sản xuất nên hướng đi của anh không hiệu quả. Năm 2012, anh mạnh dạn vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội mua keo giống, chuyển toàn bộ diện tích đất trồng cây ăn quả sang trồng rừng kinh tế. Cùng thời điểm, anh lặn lội đến nhiều vùng trong huyện như: Tuấn Đạo, An Lạc... học tập kinh nghiệm nuôi ong lấy mật. Từ một đàn ong bắt trong rừng về thuần hóa nhân đàn, đến nay gia đình anh có gần 100 đàn ong. Không chỉ nuôi ong lấy mật, anh còn nhân đàn bán cho các hộ khác trong thôn, xã. Mỗi năm, từ nuôi ong, gia đình thu lãi hơn 70 triệu đồng.

Nhìn về cánh rừng keo chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, anh nhẩm tính cũng có lãi hơn 300 triệu đồng. Theo dự định, anh sẽ dành một phần để tái trồng rừng và mua sắm một số vật dụng trong gia đình, phần còn lại sẽ gửi tiết kiệm để lo cho con trai duy nhất chuẩn bị bước vào giảng đường đại học. “Với người lành lặn làm kinh tế đã khó, còn người đã mất một chân, sức khỏe yếu như tôi thì khó khăn bội phần. Song không phải vì thế mà phó mặc cho số phận, tôi luôn tự nhủ phải làm việc gấp hai, ba lần người thường”, anh Hưởng chia sẻ.

Nhờ chịu thương chịu khó, gia đình thương binh Nguyễn Văn Hưởng nay đã thoát nghèo, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư, sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với người có hoàn cảnh kém may mắn, nhất là hội viên cựu chiến binh. Nhiều hộ được anh hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong, nhân đàn đem lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong xây dựng nông thôn mới, gia đình còn gương mẫu hiến hàng chục m2 đất để địa phương mở rộng đường giao thông.

Ông Phạm Hồng Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Luận cho biết: Mặc dù mang thương tật trên người nhưng hội viên Nguyễn Văn Hưởng vẫn hăng say lao động. Nghị lực vượt khó vươn lên của anh rất đáng trân trọng, tô thắm phẩm chất truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ", là tấm gương sáng trong vượt khó vươn lên để nhiều người học tập và làm theo.

Xuân Thỏa

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...