Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thầy thuốc trẻ đam mê nghiên cứu khoa học

Cập nhật: 07:00 ngày 23/09/2017
(BGĐT) - “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học” là một trong ba cuộc vận động lớn của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Giang, thu hút đông đảo bác sĩ tham gia. Từ đây góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, bồi đắp y đức, tích cực hỗ trợ quá trình điều trị bệnh. 
{keywords}

Bác sĩ Đặng Văn Hòa khám, tư vấn cho bệnh nhân sau mổ.

Từ năm 2010, cuộc vận động "Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học" được nhiều cá nhân hưởng ứng, tạo động lực thi đua trong lực lượng y, bác sĩ trẻ. Sôi nổi tham gia phong trào là các cán bộ, y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trong số đó có Bác sĩ, Thạc sĩ nhãn khoa Đặng Văn Hòa, hiện là Trưởng Phòng Quản lý chất lượng. Năm 2016, anh Hòa thực hiện thành công đề tài “Nhận xét kết quả bước đầu sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, được Hội đồng khoa học Bệnh viện đánh giá cao về tính ứng dụng và sáng tạo. 

Theo bác sĩ Hòa, trước đây kháng sinh chỉ sử dụng cho bệnh nhân khi tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, sau mổ một số trường hợp bị nhiễm trùng vết mổ, phải dùng kháng sinh với lượng lớn. Quá trình đó làm cho vi khuẩn kháng kháng sinh, hiệu quả điều trị thấp. Đề tài của anh Hòa khẳng định hiệu quả việc sử dụng kháng sinh dự phòng (trước phẫu thuật) tiết kiệm chi phí bảo quản, vận chuyển, vật tư tiêu hao. 

Hiện Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh có 15 CLB tại các bệnh viện với hơn 1 nghìn hội viên là cán bộ, y, bác sĩ. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có gần 100 lượt bác sĩ trẻ tham gia cuộc vận động và có nhiều đề tài được đánh giá cao từ cấp cơ sở đến T.Ư.

Đặc biệt, với người bệnh là giảm số lần chịu đau cũng như nguy cơ tai biến do quá trình tiêm truyền gây ra. Trong ca mổ ruột thừa cách đây vài tháng, bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn ở huyện Lục Nam được các bác sĩ tư vấn sử dụng kháng sinh dự phòng. Nhờ đó, anh ra viện sớm hơn 2 ngày, chi phí điều trị bệnh giảm 1,5 triệu đồng so với trường hợp không áp dụng kháng sinh dự phòng (khoảng 4 triệu đồng).  

Không ít cán bộ, y, bác sĩ trẻ có đề tài xuất phát từ thực tế công việc, qua đó, cải thiện chất lượng, nâng cao tay nghề, đưa khoa học kỹ thuật mới vào điều trị. Trong tình huống bệnh nhân gãy hở hai xương cẳng chân sẽ phải mổ hai lần. Lần thứ nhất là mổ xử lý vết thương, sau đó mổ lại để đóng đinh hoặc nẹp vít khi vết thương ổn định. Quá trình này gây tốn kém, lãng phí, đau đớn cho bệnh nhân, thời gian hồi phục chậm. 

Sau khi được các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Việt Đức chuyển giao khoa học kỹ thuật đóng đinh SIGN ở thời điểm đầu, cũng như qua khẳng định bằng đề tài nghiên cứu của bác sĩ Nguyễn Văn Chuẩn, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đến nay, phương pháp điều trị này trở thành lựa chọn của hầu hết các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương. Đề tài "Kết quả tán sỏi nội soi niệu quản 1/3 dưới bằng Holmium Laser" của bác sĩ Đoàn Tiến Dương, Trưởng Khoa Thận tiết niệu - Lọc máu; "Nghiên cứu thực trạng bệnh đái tháo đường điều trị ngoại trú" của bác sĩ Chu Thị Hường, Khoa Nội tổng hợp... cũng được đánh giá cao. 

Cuộc vận động bác sĩ trẻ nghiên cứu khoa học đã lan tỏa tới Bệnh viện Sản - Nhi, Ung bướu tỉnh. Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Nguyễn Văn Chuẩn cho biết: Hoạt động này rất có ý nghĩa nhằm đánh giá hiệu quả công việc; giúp cho các cán bộ, y, bác sĩ rèn luyện thói quen làm việc có căn cứ, cơ sở khoa học, tránh tùy hứng. 

Mặc dù vậy, số cán bộ, y, bác sĩ trẻ tham gia nghiên cứu còn khiêm tốn, hiện chỉ tập trung tại một số bệnh viện tuyến tỉnh. Tại các cơ sở y tế tuyến huyện, bác sĩ trẻ vẫn thiếu phương pháp hoặc lúng túng trong quá trình triển khai. Hầu hết những người tham gia đều đang hoặc đã theo học trình độ thạc sĩ. Để hỗ trợ bác sĩ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, tháng 2-2017, Ban Chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh đã tổ chức hội nghị trao đổi phương pháp, kinh nghiệm thực hiện. Tại đây, Tiến sĩ Trịnh Thành Trung, Phó Viện trưởng Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trao đổi một số vấn đề, cách thức, phương pháp nghiên cứu trong y học. Bên cạnh đó, Hội chỉ đạo các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm giúp đỡ trực tiếp các bác sĩ, điều dưỡng có nguyện vọng làm đề tài. Quan tâm tới công tác đào tạo tại chỗ cho các cán bộ, y, bác sĩ trẻ giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành tay nghề. 

Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh còn thực hiện nhiều hoạt động khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn. Tới đây, Hội tổ chức những khóa học ngắn hạn với các y, bác sĩ ở bệnh viện tuyến T.Ư, giúp các bác sĩ trẻ có thể áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại vào việc thăm khám, điều trị cho bệnh nhân.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...