Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện về chiến sĩ cách mạng Trần Đức Thịnh

Cập nhật: 07:00 ngày 14/05/2017
(BGĐT) - Mới đây, từ tư liệu do bà Trần Đức Thành Long, hậu duệ của chiến sĩ cách mạng Trần Đức Thịnh ở làng Sặt, xã Liên Sơn (Tân Yên) cung cấp, chúng tôi đã được biết thêm về quá trình hoạt động cách mạng của một Xứ ủy viên Bắc Kỳ. 
{keywords}

Khách thăm Nhà tù Sơn La.  Ảnh: Cảnh Mạnh

Theo các tư liệu, Trần Đức Thịnh là con trai thứ hai của ông Trần Đức Thăng và bà Trần Thị Trang. Ông Trần Đức Thăng tham gia khởi nghĩa Yên Thế ngay từ ngày đầu cùng với Đề Nắm (Lương Văn Nắm) và Thống Sặt Đỗ Văn Hùng. Ông đã có mặt tại buổi lễ tế cờ và cùng nghĩa quân Yên Thế chống Pháp cho tới ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa. Sử sách và dân gian còn gọi Trần Đức Thăng là Trần Lâm (Đề Lâm) - vị thủ lĩnh trấn giữ đồn Đề Lâm đánh Pháp ở bờ sông Sỏi năm 1891 - 1892 oanh liệt. Năm 1913, cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã, Trần Đức Thăng lên vùng núi Bắc Sơn (Lạng Sơn) làm thuốc chữa bệnh cho dân rồi tham gia hoạt động cách mạng, được ghi danh trên Báo Việt Nam Cứu Quốc quân ở Bắc Sơn năm 1940. Sau năm 1940, ông trở về quê và mất năm 1944.

Con trai ông là Trần Đức Thịnh (SN 1897), lúc trẻ làm lý trưởng ở Sặt. Tháng 4-1924, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) vì tội cất giấu vũ khí. Năm 1929, ông cùng một số người vượt ngục trốn lên vùng núi Bắc Sơn rồi theo cách mạng hoạt động ở Bắc Sơn, Võ Nhai, Tràng Xá, Đại Từ… thuộc tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên… Ở Bắc Sơn, ông hoạt động rất tích cực. Tháng 10-1939, ông bị Pháp bắt ở hang Mỏ Rẹ, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn và bị đày lên Nhà tù Sơn La. 

Bà Trần Đức Thành Long cho biết: Ở Nhà tù Sơn La ngày ấy có tổ chức cách mạng, chi bộ Đảng do đồng chí Tô Hiệu làm bí thư đầu tiên đã tổ chức cho Trần Đức Thịnh và Nguyễn Văn Tường vượt ngục. Ra khỏi nhà tù, hai ông được Đàm Văn Lý là giao liên của cơ sở cách mạng tại Sơn La đón đi nhưng đến Chiềng Sôm, ba người bị Pháp vây bắt, bắn chết (năm 1941) rồi chặt đầu đem về bêu trong nhà tù. Đồng chí Tô Hiệu tìm cách lấy lại đầu của ông, bí mật chôn ở chân tường nhà tù (có ý kiến cho rằng sau đó đồng chí Tô Hiệu trồng cây đào ở đó làm dấu bởi Trần Đức Thịnh còn có một tên nữa là Trần Đức Đào, Lý Đào).

Theo đề nghị của bà Trần Đức Thành Long, Bảo tàng tỉnh Sơn La (hiện quản lý nhà tù này) đã gửi về gia đình bà và Huyện ủy Tân Yên, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hồ sơ của ông Trần Đức Thịnh lưu trữ tại bảo tàng về việc xác nhận tù nhân chính trị bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La giai đoạn 1930-1945 kèm theo danh sách tù nhân chính trị bị thực dân Pháp giam cầm tại đây. Văn bản ghi rõ: Ông Trần Đức Đào (tức Thịnh, Lý) sinh năm 1897, quê quán: Cương Lập, Yên Thế, Bắc Giang. Thời gian vào tù: 1939 - hy sinh năm 1941 tại Nhà tù Sơn La. Trong tập Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, phần danh sách các đồng chí trước đây bị giam cầm ở nhà tù đã từng giữ chức vụ cao của Đảng, Nhà nước gồm 106 đồng chí, cụ thể: “90. Trần Đức Thịnh: Xứ ủy viên Bắc Kỳ.”

Về việc này, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm cũng có ý kiến: “Tôi là Đinh Xuân Lâm, Giáo sư sử học (đã nghỉ hưu), hiện là Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, trước đây và hiện nay chuyên nghiên cứu lịch sử cách mạng Việt Nam, đã có công trình nghiên cứu các tỉnh Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn… nên có điều kiện khai thác các tư liệu lịch sử ở T.Ư và địa phương trên. Vì vậy, tôi đã nghiên cứu hoạt động của ông Trần Đức Thịnh (bí danh Trần Đức Đào và có tên là Lý vì có thời gian làm lý trưởng). Ông Thịnh (Đào, Lý) sinh năm 1897 quê ở làng Sặt, xã Cương Lập, huyện Yên Thế (cũ) nay là xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, năm 1924 bị bắt ở Yên Thế, rồi giam ở Hỏa Lò (Hà Nội), năm 1929 trốn tù Hỏa Lò (Hà Nội) lên hoạt động ở vùng Hữu Lũng, Thái Nguyên, Vũ Nhai, Bắc Sơn, đến năm 1939 bị bắt ở Vũ Lăng (Bắc Sơn) rồi đày lên Nhà tù Sơn La, đến tháng 8 -1941, bị bắn chết khi trốn tù".

Đối chiếu với thông tin do giấy xác nhận số 152 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La cấp - chúng tôi đặt vấn đề cần xác minh nhân vật lịch sử có đúng là ông Trần Đức Thịnh không vì có nhiều điểm cho phép khẳng định đây là một người. Ý kiến này, Giáo sư Đinh Xuân Lâm gửi về Vũ Lăng (Bắc Sơn). Ở đó có bà Mai Việt Thanh, La Thị Đuyền, Nguyễn Thị Hẹ là người của gia đình có công với nước (Mai Văn Nghìn, Mai Văn Nhạ) đã xác nhận ông Trần Đức Thịnh, người làng Sặt, Yên Thế (Bắc Giang) cùng hoạt động thời kỳ 1930, 1931, 1937, 1938, 1939 gồm có ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Chu Văn Tấn, Mai Văn Thịnh, La Văn Phòng, Nguyễn Mai Huyền. Gia đình còn được đưa cơm nuôi giấu vị này. Sau khi đến Bắc Sơn, Sơn La tìm hiểu và được chính quyền, nhân dân hai địa phương chỉ dẫn, cung cấp tư liệu về ông cha, gia đình bà Trần Đức Thành Long rất phấn khởi, tự hào về truyền thống gia đình, quê hương, đất nước. 

Trần Văn Lạng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...