Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bà tướng Việt Minh

Cập nhật: 07:00 ngày 30/04/2017
(BGĐT) - Với cái tên "Bà tướng Việt Minh", bà Hà Thị Quế năm 24 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng Bắc Giang, làm quân lính, tổng lý thời Pháp thán phục, kính nể. Bà không sinh ra ở Bắc Giang nhưng là một trong những chiến sĩ hoạt động cách mạng và trưởng thành từ đây.
{keywords}
Bà Hà Thị Quế tại buổi gặp mặt kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.

Bà Hà Thị Quế (1921 - 2012) tên thật là Lương Thị Hồng, sinh ra tại xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Theo gia phả, bà Hà Thị Quế là hậu duệ của Trạng nguyên và nhà toán học Lương Thế Vinh. Bà hoạt động cách mạng từ năm 16-17 tuổi, làm liên lạc viên (giao thư) cho cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ. Hoạt động ở quê nhà một thời gian, vì bại lộ nên bà được phân công về hoạt động tại Thái Bình, Bắc Ninh và sau đó lên vùng rừng núi Bắc Giang. Những năm 1943- 1944, bà Hà Thị Quế về làng Bừng bắt liên lạc với các chiến sĩ cách mạng và dân chúng trong làng. Để tránh tai mắt của địch, bà thường cải trang lúc thành thôn nữ đi cấy, lúc đi bán rau hoặc trồng bắp… 

Từ năm 1941, cơ sở in Báo Phục Quốc của T.Ư Đảng và Xứ ủy chuyển từ ấp Tam Sơn (Bắc Ninh) lên làng Bừng. Bà Hà Thị Quế là người trực tiếp in Báo Phục Quốc ở nhà ông Chánh Đông, sau đó mang ra nghè Vườn Hơm phơi và bí mật phân phát đi các nơi. Từ căn cứ địa làng Bừng, bà đã đi hoạt động cách mạng ở vùng rừng núi Yên Thế và Việt Yên. Trong cuốn hồi ký, bà Quế ghi: “Tôi là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Sau khi Nhật đảo chính Pháp vào ngày 15-4-1945, chúng tôi đã phối hợp vũ trang tiến đánh phủ Yên Thế lần thứ nhất...”.

Dân chúng ở vùng Yên Thế thời đó thường truyền miệng về bà Quế: “Đây là người đàn bà nhà Giời nên rất giỏi, nhảy qua nóc nhà, phi ngựa như bay, hai tay hai súng bắn trăm phát trăm trúng”. Thật vậy, bà Quế lúc ẩn lúc hiện nên ít người biết được hành tung.

Khí thế cách mạng trên cả nước lên rất cao, đầu tháng 7-1945, đội tự vệ do bà Quế chỉ huy bắt gọn một toán lính hàng ngày đi đốc dân phá lúa trồng đay, thu thuế. Đội tự vệ thu được bảy khẩu súng và thuyết phục bảy tên lính rời bỏ hàng ngũ địch. Sau đó bà Hà Thị Quế thành lập một đội trinh sát gồm 12-13 người ở Yên Thế do Châu Thi làm đội trưởng. Đêm 12-7-1945, bà Quế chỉ huy đội trinh sát phục kích bắt được toán lính do tri phủ Tưởng Văn Trang cầm đầu chuyên đốc dân phá bắp. Sau khi bắt được toán lính và xử tử tri phủ Trang, địch rất hoang mang. Lợi dụng tình hình ấy, bà Quế tung tin Việt Minh sắp đánh phủ Yên Thế. Thanh niên, học sinh viết nhiều truyền đơn ca ngợi Việt Minh và thanh thế của cách mạng, nêu rõ sự sụp đổ của Pháp, sự tàn ác của Nhật. Các truyền đơn được viết tay, cuộn tròn như tổ sâu, buộc dây có hòn sỏi ném vào đồn địch.

Không ngại nguy hiểm, bà Quế nhiều lần bí mật hẹn gặp và thuyết phục đội Cương hàng phục quân cách mạng. Bà bày mưu cho đội Cương tổ chức một toán lính đi tuần từ phủ Yên Thế ra cầu Trắng cách đó 2 km và hậu thuẫn cho Việt Minh cướp súng của binh lính. Đêm 18-7-1945, khi đội Cương kêu gọi binh lính đầu hàng Việt Minh, binh lính trong phủ hạ khí giới răm rắp. 

Đúng một tháng sau (18-8-1945), bà Hà Thị Quế cùng ban lãnh đạo cách mạng tỉnh Bắc Giang tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền ở phủ Lạng Thương. Để ghi nhớ chiến công dũng cảm và mưu lược của người nữ tướng Việt Minh, sau này ở chùa Nam Thiên, thị trấn Nhã Nam (Tân Yên) dựng bia có khắc hai câu: “Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế/ Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.

Bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa III và IV, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội. Ở cương vị nào, bà cũng sắc sảo, quyết đoán, sâu sát phong trào, gần gũi nhân dân, quan tâm đến đời sống cán bộ, thẳng thắn cương trực. Chồng bà là ông Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang năm 1945 sau giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản những năm 1960 - 1974. Bà sinh được 6 người con, công việc bận rộn nhưng bà vẫn chăm lo gia đình chu toàn.

Thanh Tâm

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...