Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Tự hào người Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu: Vẹn nguyên phẩm chất người lính

Cập nhật: 11:23 ngày 30/11/2016
(BGĐT) - Cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu (SN 1932) ở thôn Cánh, xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có hơn 40 năm binh nghiệp. Ông tham gia cách mạng từ năm 13 tuổi, nay vẫn minh mẫn và nhanh nhẹn. Ông thích xem thời sự và đọc sách báo. Nhớ lại những năm tháng binh nghiệp, ông sôi nổi hẳn lên.
{keywords}

Đại tá Bùi Minh Hiếu lưu giữ nhiều bức ảnh kỷ niệm với đồng đội.

"Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Từ nhỏ đã được học võ, phụ trách đội thiếu niên, nhi đồng tuyên truyền, cổ động cho cách mạng. Năm 13 tuổi, tôi được anh trai dìu dắt và trở thành chiến sĩ liên lạc tại Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Bắc Bắc (Bắc Ninh-Bắc Giang)". Giọng ông trầm ấm, mạch lạc. Nhắc lại quá khứ, người lính già nhớ như in từng mốc thời gian. Khi Bác Hồ ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946, ông đang làm nhiệm vụ ở chiến tuyến sông Như Nguyệt (Bắc Ninh). Những năm sau đó, ông được điều động về nhiều đơn vị, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ; tháp tùng cán bộ cấp cao dự hội nghị hiệp đồng với Pháp để tiếp quản Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Năm 1955, chiến sĩ Bùi Minh Hiếu vinh dự được kết nạp Đảng. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp tục tham dự lớp huấn luyện quân sự, đào tạo sĩ quan chuẩn bị cho kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chiến đấu giúp cách mạng Lào. Năm 1968, ông trở thành người lính đặc công, sau đó đảm nhận chức vụ Đoàn trưởng Đoàn 198 Đặc công. Đầu năm 1975, đơn vị của ông Hiếu nhận nhiệm vụ tiến công giải phóng Tây Nguyên, tạo tiền đề giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Nhận trọng trách lớn, ông tính toán, nghiên cứu kỹ địa hình, thời cơ để đơn vị dẫn đường cho trinh sát thâm nhập sở chỉ huy của địch ở thị xã Buôn Mê Thuột, sân bay quân sự và tổng kho Mai Hắc Đế. Khu vực này rộng lớn, đâu đâu cũng có quân ngụy chốt chặn, lăm lăm súng trên tay. Xung quanh là hệ thống hàng rào kẽm gai có mìn nổ cài cắm dày đặc, nhiều đèn pha, pháo sáng bắn rực trên không, ánh sáng soi rọi rõ từng bụi cỏ. Trước thách thức khó khăn, Đoàn trưởng nhắc nhở chiến sĩ tiếp cận bí mật, nếu gặp biệt kích cần tránh nổ súng. Vì các trận địa giặc chốt gác có ý nghĩa quan trọng về chính trị, quân sự nên toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đoàn 198 quyết tâm trụ vững, chốt kiên cường, hạn chế hư hỏng về cơ sở vật chất. 

Theo đúng kế hoạch, Đoàn trưởng Bùi Minh Hiếu chỉ huy đội quân chân trần, ngụy trang bằng bùn đất nổ bộc phá để mở đường tiến công. Khi khói lửa sáng một vùng trời cũng là lúc quân địch vứt súng tháo chạy thoát thân. Mỗi lần nhắc lại chiến công của đơn vị, ông đều hào hứng. Ông kể: "Đội quân đặc công làm chủ sân bay, tiêu diệt và bắt sống nhiều tướng, lính ngụy, thu giữ hàng trăm vũ khí, trang thiết bị, tạo điều kiện để lực lượng giải phóng thị xã Buôn Mê Thuột và các tỉnh Tây Nguyên. Thế và lực của ta ngày càng lớn mạnh, sẵn sàng bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử". 

{keywords}

Cựu chiến binh Bùi Minh Hiếu và vợ.

Năm 1987, ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, trước đó, ông là Trưởng phòng Đặc công, Bộ Tham mưu, Quân khu 1. Ngoài những ký ức không bao giờ phai trong suốt chặng đường chiến đấu, ông còn nâng niu những tập thơ viết trên đường hành quân. Cẩn thận cho tôi xem nhiều bài thơ đã được đánh máy lại rõ ràng, ông giãi bày: "Chiến tranh chống đế quốc Mỹ gian khổ, thời gian, bút mực để ghi nhật ký vô cùng thiếu thốn. Tôi chọn cách ghi lại những tâm sự, mong muốn của mình bằng thể loại thơ tự do. Tôi đã tặng một số cuốn cho Bảo tàng Binh chủng Đặc công". Nét mặt vui tươi, ông đọc đoạn thơ trong bài "Tự hào" mà ông tâm đắc: "Đã là con cháu dõi Lạc Long/ Mang trong huyết quản một sắc hồng/ Ta đi vững bước theo cờ Đảng/ Sắt son một dạ với non sông". 

Giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", về đời thường, hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông Hiếu được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh huyện Lạng Giang. Chia tay ông, tôi vẫn ấn tượng về hình ảnh người lính 61 năm tuổi Đảng, luôn ghi nhớ Đảng là cuộc sống, là sao sáng dẫn đường.

Mạc Yến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...