Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục >> Kỳ thi THPT quốc gia - Xét tuyển ĐH và CĐ 2018
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kinh nghiệm để đạt điểm cao của thí sinh thi khối B

(BGĐT) - Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Vũ Văn Định, cựu học sinh Trường THPT Yên Dũng số 1 giành 28,05 đ, đứng thứ 27/100 thí sinh có điểm khối B cao nhất toàn quốc. Cậu sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số kinh nghiệm để đạt điểm cao như sau. 
{keywords}

Vũ Văn Định, cựu học sinh Trường THPT Yên Dũng số 1. 

Trong 3 môn của khối B, Sinh học là môn khoa học lý thuyết chính xác. Do vậy, muốn giải bài tập môn học này điều quan trọng là thí sinh phải nắm chắc lý thuyết cơ bản, làm nhiều bài tập để rèn kỹ năng. Đề bao gồm 50 câu hỏi, phân hóa rõ ràng từ dễ đến khó. Có câu hỏi thí sinh có thể chọn được đáp án ngay nhưng cũng có câu phải vận dụng kiến thức lý thuyết giải bài tập mới tìm ra được kết quả. 

Trên cơ sở kiến thức sách giáo khoa, học sinh làm nhiều bài tập để dần hình thành phản xạ, kỹ năng làm bài; một số dạng có thể áp dụng kiến thức toán vào giải (như bài toán tính số loại giao tử). Các bạn chú ý những dạng bài tập thường gặp là: Tính tỷ lệ kiểu hình trong hoán vị gen, tính số kiểu gen tối đa, đếm số phép lai, di truyền. 

Kinh nghiệm từ bản thân cho thấy, quá trình ôn luyện, mỗi học sinh nên có sổ ghi chép riêng tổng kết kiến thức cơ bản của mỗi bài, các dạng câu hỏi thường gặp (từ dễ đến khó), các lỗi thường gặp... Việc này làm thường xuyên, hằng ngày giúp các bạn nhớ lâu hơn. Nên dậy sớm để ôn bài vì khi đó không gian yên tĩnh. Ngoài thời gian tự học, chú ý tham khảo các dạng đề thi trực tuyến trên Internet; có thể chọn từ khóa để nhớ kiến thức lý thuyết các môn; gạch chân các từ, cụm từ, mệnh đề cần nhớ trong đề thi để bám sát.

Môn Hóa học có kiến thức khá rộng, trong mỗi câu hỏi kết hợp nhiều tính chất, phương trình phản ứng. Với môn này, các bạn nên tập trung học từ lớp 10, vì các lớp sau liên quan rất nhiều kiến thức cũ. Giống như Sinh học, đề thi Hóa học thường có số câu hỏi lý thuyết nhiều hơn bài tập. Cách học hiệu quả là cố gắng nhớ tính chất hóa học chung của nhóm chất đó, phản ứng đặc trưng và cơ chế phản ứng. Để nắm chắc lý thuyết, không gì hơn là làm nhiều bài tập. Trước mỗi đề bài quan tâm rèn kỹ năng tóm tắt, chỉ ra những chất nào tham gia phản ứng, chất tạo thành, kết quả là gì. Nên hỏi thầy cô và bạn bè, tìm thêm trên mạng Internet để biết một số “mẹo” giải bài nhanh mà vẫn cho đáp án đúng. 

Cuối cùng là môn Toán. Theo quy chế thi năm nay của Bộ GD-ĐT, mặc dù kiến thức bao gồm cả lớp 11 và 12 nhưng trọng tâm vẫn là 12 nên các bạn cần xác định trọng tâm kiến thức để ôn luyện. Đề thi trắc nghiệm có nhiều câu hỏi. Bên cạnh những câu thông dụng, dễ  hiểu, thí sinh có thể trả lời ngay còn có câu hỏi lắt léo để thử thách với thí sinh muốn đạt điểm cao. Để hoàn thành tốt môn thi này, ngay từ khi ôn tập, các thí sinh cần luyện cách giải theo hình thức tự luận, phân tích để hiểu bản chất vấn đề. Với các câu lý thuyết bạn hãy nắm chắc định nghĩa, định lý, các điểm lưu ý trong sách giáo khoa (việc ghi chép trong vở rất quan trọng vì trình bày tự luận một lần nữa cũng giúp bạn ghi nhớ kiến thức). Ngoài ra bạn nên rèn luyện thêm các kỹ năng sử dụng thành thạo máy tính, biết thêm một số thủ thuật bấm máy nhanh. Quá trình làm bài cần cân đối thời gian để tập trung cao cho bài khó.
Trong phòng thi, các bạn hãy bám sát các bài toán cơ bản trong sách giáo khoa để đạt được 6 điểm. Thời gian còn lại mới tập trung cho câu hỏi khó. Chú ý dành 2-5 phút cuối rà soát lại toàn bộ phần đáp án đã chọn; sử dụng bút chì 2 B để tô rõ nét và kín ô, tránh mất điểm do lỗi kỹ thuật không đáng có mà trước đây có bạn từng mắc phải.  

Mai Toan ghi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...