Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục >> Kỳ thi THPT quốc gia - Xét tuyển ĐH và CĐ 2018
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Chiến thuật" đạt điểm cao của Á khoa khối C

(BGĐT) - Là một trong những thí sinh Bắc Giang đạt điểm cao khối C với 26,5 điểm (trong đó môn Lịch sử, Địa lý cùng đạt 9,5 điểm) trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, cựu học sinh Trường THPT Lạng Giang số 2 Đào Duy Ninh, hiện là sinh viên năm thứ 3, Á khoa đầu vào Khoa Cảnh sát Điều tra, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ "chiến thuật" ôn thi, làm bài để đạt điểm cao.
{keywords}

Đào Duy Ninh, cựu học sinh Trường THPT Lạng Giang số 2

Với hai môn Lịch sử, Địa lý, tôi luôn có cuốn sổ tay nhỏ trong đó ghi chép thật ngắn gọn, dễ hiểu những kiến thức quan trọng thuộc chương trình sách giáo khoa hoặc sưu tầm được. Với môn Lịch sử, khi ghi chép, tôi thường hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy hình "cây", rồi đến “cành” và các nhánh nhỏ. Cách làm này giúp tôi nắm chắc bản chất sự kiện. 

Một phương pháp học khác theo tôi cũng hiệu quả, đó là trước mỗi sự kiện luôn đặt ra 5 câu hỏi rồi đi tìm lời giải: Sự kiện lịch sử gì, thời gian nào, diễn ra ở đâu, gắn với nhân vật lịch sử nào, nguyên nhân vì sao... Khi trả lời được những câu hỏi trên cũng có nghĩa hiểu bản chất vấn đề. 

Để học ôn hiệu quả, việc trao đổi kiến thức với thầy cô giáo, bạn bè cũng rất quan trọng. Ngoài ra, tôi thường xuyên sưu tầm các dạng đề thi trên mạng để củng cố kiến thức và luyện kỹ năng làm bài. Kinh nghiệm là dễ làm trước, khó làm sau, các bạn có thể tăng tốc trả lời nhanh với câu hỏi đơn giản. Đánh dấu những câu cần phải nghiên cứu thêm và tập trung suy nghĩ giải quyết những câu hỏi phân hóa, vận dụng kỹ năng phân tích nếu muốn đạt điểm cao. 

Vài năm gần đây, đề thi môn Lịch sử, Địa lý thường mang tính mở. Những câu hỏi khó đòi hỏi thí sinh ngoài nắm chắc, sâu kiến thức trong sách giáo khoa còn phải am hiểu về tình hình phát triển KT-XH của đất nước và thế giới. Do vậy, dù chăm chỉ đọc sách đến mấy các bạn cũng cần chú ý dành thời gian xem tin tức thời sự hằng ngày để bổ sung thêm kiến thức.

Đối với môn Địa lý, thí sinh phải nắm chắc điều kiện tự nhiên - xã hội ở Việt Nam; các ngành kinh tế trọng điểm thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và ngư nghiệp. Chịu khó nghe giảng, làm nhiều bài tập để rèn kỹ năng làm bài nhanh. Với bài thi trắc nghiệm, “mẹo vặt” là các bạn để ý từ khóa trong câu hỏi để tránh nhầm lẫn sự kiện. Trong trường hợp không “nhìn ra” được đáp án đúng ngay thì sử dụng phương pháp loại trừ để có câu trả lời chính xác.

Hải Vân (ghi)


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...