Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kinh nghiệm đỗ Bách khoa Hà Nội nhờ thi đánh giá tư duy

Cập nhật: 14:53 ngày 01/05/2022
Trúng tuyển ngành Khoa học máy tính, Đại học Bách khoa Hà Nội với điểm thi đánh giá tư duy 9,1/10, Lê Duy Anh chia sẻ kinh nghiệm với sĩ tử năm nay.
{keywords}

Lê Duy Anh, quê Hưng Yên, trúng tuyển ngành Khoa học máy tính IT1 với 9,1 điểm thi đánh giá tư duy, 9,8 điểm Toán và 9,5 điểm Vật lý. Ảnh: Nhân vật cung cấp

2020 là năm đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thi đánh giá tư duy, phục vụ tuyển sinh đại học. Khi đó, thí sinh làm bài thi riêng của trường với hai phần Toán và Đọc hiểu. Điểm bài thi này cộng với điểm Toán, Lý hoặc Toán, Hóa của kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo thành tổ hợp A19 và A20 để xét tuyển.

Năm 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, kỳ thi đánh giá tư duy bị hủy. Năm nay, kỳ thi được tổ chức ở năm điểm thi với quy mô lớn hơn. Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ lấy kết quả này để xét tuyển mà không phụ thuộc một phần vào điểm thi tốt nghiệp như năm 2020. Gần 20 trường khác cũng sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội để tuyển sinh.

Trường tổ chức bài thi gồm hai phần bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc là Toán và Đọc hiểu tương tự năm 2020, diễn ra trong 120 phút. Phần tự chọn 90 phút với Khoa học tự nhiên và 60 phút với Tiếng Anh. Tất cả câu hỏi được đưa ra dưới dạng trắc nghiệm, riêng Toán có thêm phần tự luận để đánh giá cách tư duy và trình bày của sĩ tử.

Theo cấu trúc đề thi năm 2022 do Đại học Bách khoa Hà Nội công bố, phần bắt buộc vẫn gồm Toán và Đọc hiểu như năm 2020, trong đó môn Toán chiếm 75% số điểm, gồm 25 câu trắc nghiệm và tối đa ba bài tự luận, phần Đọc hiểu 25% số điểm với 35-40 câu, tương ứng 3-4 bài đọc.

Dựa vào đề thi năm 2020 và đề cương ôn tập cho từng môn năm 2021 của trường, mình đánh giá bài thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội hay: không quá hóc búa nhưng có nhiều câu hỏi mới lạ, khác với thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, đề có phần tự luận để đánh giá khả năng trình bày của học sinh. Đây là kỹ năng quan trọng trong môi trường đại học và làm việc sau này.

Để làm tốt bài, trước hết cần xem các phần nội dung kiến thức được liệt kê trong đề cương ôn tập, nắm thật chắc nội dung đó trong sách giáo khoa.

Với phần trắc nghiệm, các câu hỏi được đưa ra tương tự đề thi tốt nghiệp THPT nhưng khó hơn, hầu như không có câu nhận biết, chỉ từ thông hiểu trở lên. Thí sinh cần chăm chỉ luyện tập nhiều đề, dạng bài, tìm tòi thêm các phần kiến thức nâng cao để giải quyết các câu mang tính vận dụng cao.

Mình thường tham gia các nhóm toán trên mạng để học hỏi nhiều kiến thức và phương pháp mới cũng như được hỗ trợ giải đáp thắc mắc. Các bạn nên làm đề thi thử toán của các trường để tăng tốc độ lẫn kinh nghiệm làm bài.

Với phần tự luận, nên trau chuốt trong khâu trình bày. Phần trình bày sẽ đánh giá tư duy, đường hướng suy luận của bạn. Nên nhớ ở phần này, không phải tìm ra đáp án mới được điểm, mỗi bước suy luận của bạn cũng có thể được cho điểm. Vì vậy, suy nghĩ được gì hãy viết ra dù biết có thể không kịp thời gian để đi đến đáp án cuối cùng.

Về phần Đọc hiểu, năm 2020 có bốn bài về các lĩnh vực Vật lý, Tin học, Hóa học và Sinh học. Các bài đều rất hàn lâm và khó hiểu. Mình đã tốn rất nhiều thời gian để đọc các bài rất dài này, trong khi điểm phần Đọc hiểu chỉ chiếm 25%.

Thay vì đọc kỹ từng câu từng từ ngay từ đầu để rồi hoang mang trước một loạt từ ngữ, kiến thức mới, bạn nên đọc lướt một lần để nắm nội dung chính, sau đó chuyển sang đọc câu hỏi, rồi tìm ngược lại lên bài đọc. Việc xác định được ý chính và từ khóa sẽ giúp bạn giải quyết dễ dàng hơn. Dù có một số câu yêu cầu suy luận, bạn chỉ cần bình tĩnh là vượt qua.

Với phần tự chọn, năm 2020 chưa có phần này. Tuy nhiên, xem đề cương năm 2021 mà trường công bố, thí sinh có thể dễ dàng biết cần ôn tập phần kiến thức nào, đồng thời các câu hỏi ví dụ cũng giúp bạn dễ dàng nắm bắt. Do phần này 100% trắc nghiệm, các bạn chỉ cần ôn tập như khi thi tốt nghiệp THPT, trong đó chú trọng các câu từ mức thông hiểu tới vận dụng cao.

Ngoài kiến thức, các bạn cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe trước khi đi thi. Trước ngày thi, hãy ngủ sớm thay vì cố ôn thêm một chút; chuẩn bị các vật dụng mang vào phòng thi đầy đủ từ tối hôm trước. Hãy ăn nhẹ vào sáng ngày thi để có sức làm bài, mang theo một chai nước vào phòng thi để uống lúc khát hay căng thẳng nhưng cũng không nên uống quá nhiều.

Trong phòng thi, hãy bình tĩnh, đọc kỹ các câu hỏi trong đề, đừng để mất điểm ở những câu dễ. Một lưu ý quan trọng khác là hãy phân bố thời gian hợp lý để đạt kết quả tốt.

Đại học Bách khoa Hà Nội chưa công bố lịch thi đánh giá tư duy, nhưng dự kiến diễn ra sau kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tài xế gây tai nạn trên đèo Bảo Lộc bị tạm giữ
Tài xế Đào Sơn Hải, 41 tuổi, được cho là không làm chủ tốc độ, tông ba xe máy khiến hai phụ nữ tử vong, gây tai nạn liên hoàn trên đèo Bảo Lộc.
Trung Quốc thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid-19
Một nghiên cứu mới đang được thực hiện tại bộ phận y tế chuyên về Covid-19 của Đại học Hong Kong (Trung Quốc) với JT001 (VV116), một loại thuốc uống điều trị sớm Covid-19 cho những bệnh nhân bị mắc thể nhẹ hoặc trung bình.
Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội có sai phạm
Thanh tra Chính phủ phát hiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Học viện Khoa học xã hội có nhiều vi phạm như học viên được cấp bằng khác với ngành đăng ký.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...