Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quan tâm giáo dục tâm lý, ngăn chặn bạo lực học đường

Cập nhật: 14:55 ngày 17/04/2019
(BGĐT) - Ngày 17-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn trường học và phòng, chống bạo lực học đường. 
{keywords}

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Giang.

Tại điểm cầu Bắc Giang có lãnh đạo Sở GD&ĐT; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy, UBND, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; đại diện UBND TP Bắc Giang và một số sở, ngành liên quan. 

Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường song nhiều vụ việc vẫn xảy ra. Tại một số địa phương gần đây có tình trạng học sinh bị thương tích do cơ sở vật chất trường lớp không bảo đảm; học sinh đánh nhau; nhà giáo có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh; phụ huynh vào trường gây thương tích, xúc phạm danh dự nhà giáo... Những việc làm đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần, danh dự của nhà giáo và học sinh, tác động xấu đến môi trường giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có nhiều nguyên nhân song một phần là do công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh chưa được nhà trường quan tâm. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội, các cơ quan, ban ngành chức năng chưa thường xuyên, kịp thời. 

Bộ trưởng khẳng định ngành GD-ĐT xác định trách nhiệm tiên phong đồng thời mong muốn đại biểu các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo trường học tập trung nghiên cứu, trao đổi, đưa ra giải pháp thiết thực, đồng bộ trên tinh thần lấy phòng ngừa là chính, đẩy lùi nguy cơ mất an toàn trong nhà trường. 

Thảo luận tại đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, số liệu của Plan International và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về phụ nữ (ICRW) khảo sát trên 5 quốc gia là Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Pakistan và Nepal cho thấy cứ 10 học sinh thì có 7 em từng bị bạo lực học đường (về thể xác hoặc tinh thần). Quốc gia có số học sinh hứng chịu nạn bạo lực cao nhất là Indonesia, tiếp đó là Việt Nam.

{keywords}

Các đại biểu tập trung lắng nghe ý kiến thảo luận.

Một số đại biểu cũng dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm đồng thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường. Trong đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng bạo lực học đường là vấn đề tâm lý lứa tuổi nên cần có giải pháp về mặt tâm lý cho giáo viên, học sinh cũng như cha mẹ các em. Tiến sĩ dẫn chứng tại đơn vị mình quản lý nhiều năm qua đã đưa các tiết học ngoại khóa tìm hiểu về giá trị sống, thực hành kỹ năng sống. Khi học sinh biết trân quý cuộc sống, biết quản lý cảm xúc, chuyển hóa những suy nghĩ tiêu cực thành hành động tích cực thì khi đó các em mới có sức “đề kháng” trước các tác động xấu từ môi trường xung quanh.

Đại diện lãnh đạo Trường Đại học sư phạm Hà Nội nêu, trong quá trình đào tạo nội dung giáo dục tâm lý học, dự báo các tình huống sư phạm có thể xảy ra trong học đường cần được quan tâm nhiều hơn giúp sinh viên ngành sư phạm trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết thực khi bước vào môi trường giảng dạy thực tế. Về phía nhà trường phổ thông, cần thiết lập các tổ tư vấn tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội phải thường xuyên gần gũi, sẽ chia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho học sinh. Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên cho rằng phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó môi trường gia đình có vai trò quan trọng, gia đình phải là môi trường giáo dục tốt, phụ huynh là thầy cô mẫu mực, là điểm tựa cho các em; cha mẹ giáo dục con em biết yêu thương, sẻ chia và phòng tránh mặt trái của xã hội.

Tại Bắc Giang, những năm gần đây, Sở GD&ĐT đã triển khai mô hình trường học “An toàn về an ninh trật tự”; chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ các em về phòng, chống bạo lực học đường. 

Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất từ các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo UBND các tỉnh, TP, các sở GD&ĐT nghiên cứu, triển khai giải pháp phù hợp thực tiễn, khẩn trương ngăn chặn bạo lực, xây dựng môi trường học đường bảo đảm an ninh, an toàn.

Hải Vân 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...