Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Lớp học của tình yêu thương

Cập nhật: 13:00 ngày 20/11/2018
(BGĐT) - Dạy học sinh bình thường vốn đã vất vả, khó khăn thì việc dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ tự kỷ, khuyết tật, nhiễm HIV) càng khó khăn gấp bội. Nhưng với kỹ năng sư phạm cùng sự kiên trì và hơn hết là lòng yêu thương, các cô giáo đã giúp trẻ nâng cao nhận thức, cải thiện năng lực, hành vi.

10 năm nay, cô giáo Phan Thị Bình (Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Bắc Giang) gắn bó với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Vốn học chuyên ngành giáo dục trẻ đặc biệt và từng làm việc tại một số trường mầm non nhưng khi về đây, cô Bình mới thấy áp lực công việc lớn hơn rất nhiều. Chỉ một con chữ hay một phép tính, cô Bình cũng phải giảng đi giảng lại nhiều lần, không chỉ dùng lời nói mà vận dụng cả động tác, nét mặt hay ký hiệu mới giúp trẻ hiểu được một phần. Cô Bình chia sẻ: "Trẻ thuộc đối tượng này thường ương bướng, dễ nổi nóng. Có khi cả buổi cô giáo chỉ để ý tìm hiểu lý do học sinh không hợp tác để từ đó có cách gần gũi, thuyết phục trẻ thay đổi".

{keywords}

Một lớp học ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương.

Nhờ sự kiên trì, tấm lòng yêu thương của cô giáo, nhiều trẻ khuyết tật sau khi học tại đây đã biết chữ, làm phép tính và nâng cao nhận thức. Cô Bình nhớ mãi trường hợp học sinh Dương Văn T ở Hương Lạc (Lạng Giang) vào Trung tâm khi mới 10 tuổi. T tuy khiếm thính nhưng thông minh, lanh lợi. Nhưng thời điểm mới đến trung tâm, em lầm lì không chịu học bài cũng như tham gia hoạt động của lớp. Sau một thời gian tìm hiểu, cô Bình được biết em tự ái, giận dỗi vì các bạn trêu chọc khuôn mặt xấu xí. Cô Bình đã dành thời gian giải thích với học sinh trong lớp rằng T tuy khuôn mặt không đẹp nhưng là người tốt, thông minh và nhắc nhở không nên trêu chọc bạn... Dần dần T gần gũi, cởi mở hơn, chịu khó học và tiến bộ nhanh. Sau 5 năm, T trở về hòa nhập tại gia đình, hiện em đã 18 tuổi, có thu nhập ổn định từ nghề may và thỉnh thoảng vẫn đến thăm mái nhà chung năm xưa.

Những năm qua, các cấp học trong tỉnh đã tích cực triển khai giáo dục trẻ khuyết tật theo phương pháp giáo dục hòa nhập. Qua đó có hơn 140 trẻ khuyết tật đi học mẫu giáo, gần 1,2 nghìn trẻ khuyết tật học tiểu học, gần 1 nghìn học sinh khuyết tật học THCS và THPT.

Hơn hai năm công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương (TP Bắc Giang), cô giáo Nguyễn Thị Hồng, 24 tuổi nhận ra rằng để làm tốt công việc cần có sự kiên trì và thấu hiểu trẻ. Nhờ vậy, cô Hồng đã thành công trong việc giáo dục nhiều trẻ tự kỷ. Một trong số đó là cháu Nguyễn Tường L (6 tuổi ở TP Bắc Giang) khó khăn về nhận thức, mất tập trung, thường nói một mình những câu vô nghĩa. Sau khi áp dụng nhiều phương pháp mà không hiệu quả, có lúc cô Hồng bật khóc vì cảm thấy bất lực. Nhưng lòng yêu thương trẻ không cho phép cô nản lòng. Ngẫm lại, cô giáo trẻ nhận thấy mình đã quá sốt ruột muốn thấy sự tiến bộ của trẻ nên vô tình gây áp lực khiến cháu càng lo sợ và bất hợp tác. Từ đó cô dành thời gian gần gũi, trò chuyện, có biện pháp khích lệ khi học sinh thực hiện được điều mong muốn. Dần dần L đã tương tác với mọi người, biết viết, tính toán và sau 8 tháng cháu được gia đình đưa về học hòa nhập.

Trong suy nghĩ của cô giáo dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ, học trò của mình đã phải chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh nên cần chia sẻ, giúp đỡ các cháu. Với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, chỉ cần thực hiện được một động tác đơn giản cũng mang lại niềm vui lớn lao cho gia đình và là thành công mà các cô trân trọng. Vất vả, áp lực nhưng các cô giáo luôn động viên nhau tiếp tục gắn bó với công việc. Nhiều cháu đã tiến bộ rõ rệt, không chỉ biết đọc, biết viết và làm toán mà còn biết nhiều kỹ năng cần thiết cho cuộc sống. Các cháu tự lập hơn và vững vàng, tự tin khi về hòa nhập tại gia đình, địa phương.

May mắn của học trò
Từ nhỏ, tôi chỉ tập trung học những môn mình thích. Khi đã thích, mọi vấn đề liên quan đến môn học đó như có một luồng sáng dẫn thẳng từ bài giảng trên lớp, sách vở chạy vào não rất nhanh. Và ngược lại, môn học nào không thích, luôn bị chắn bởi những cánh cửa vô hình khiến tôi chật vật, khó chịu.
 
Bài ca trên non
(BGĐT)- Mặc dù được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều mặt nhưng đường đến trường của thầy và trò các xã vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) còn không ít gian nan. Vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, các thầy giáo, cô giáo nơi đây kiên trì bám lớp với tâm nguyện mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho những em nhỏ. 
 
Ươm mầm ước mơ
(BGĐT)- Thời gian thấm thoắt thoi đưa… Nhanh thật, đã tháng 11 rồi, tháng “tôn sư trọng đạo”. Những kỷ niệm ấu thơ lại ùa về trong ký ức. Trong lòng mỗi chúng ta không khỏi xao xuyến nghĩ về quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời mỗi con người, ngày ngày được cắp sách tới trường cùng bạn bè, thầy cô…
 

Vi Lệ Thanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...