Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bài ca trên non

Cập nhật: 11:00 ngày 17/11/2018
(BGĐT)- Mặc dù được Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều mặt nhưng đường đến trường của thầy và trò các xã vùng cao Sơn Động (Bắc Giang) còn không ít gian nan. Vượt qua biết bao khó khăn, trở ngại, các thầy giáo, cô giáo nơi đây kiên trì bám lớp với tâm nguyện mang đến tương lai tốt đẹp hơn cho những em nhỏ. 

Gian nan đường đến trường

Chúng tôi đến thăm Trường Mầm non Thạch Sơn - xã đặc biệt khó khăn của huyện vào một buổi sáng đầu đông. Ngôi trường nhỏ bé nằm bên sườn núi, xung quanh là những cánh rừng xanh. Xã ở xa quốc lộ, đường đi lối lại giữa các thôn chủ yếu là đèo dốc, cách khá xa mới thấy một mái nhà. 

{keywords}

Trường Tiểu học Vân Sơn đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. 

Người dân địa phương hầu hết làm nông nghiệp, trồng rừng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hiện trường có ba điểm lẻ nằm ở các thôn: Đồng Cao, Đồng Băm và Non Tá. Năm 2017 do cơ sở vật chất khu Đồng Cao xuống cấp nên nhà trường đã vận động phụ huynh đưa các cháu về điểm trường Đồng Băm để thuận lợi hơn cho việc học tập. Khoảng cách giữa các điểm trường từ 7-8 km, nhiều đoạn đường đất xói lở nham nhở, đoạn thì dốc cao dựng ngược khiến thầy trò rất vất vả và nguy hiểm mỗi lần đến lớp. Thầy cô ở đây cho biết, để kịp đến đúng giờ học, cả thầy cô và học sinh đều phải dậy rất sớm, hơn 5 giờ sáng là rời khỏi nhà. 

Khó khăn là vậy nhưng qua thông tin của thầy giáo Nguyễn Trọng Việt, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường được biết, tỷ lệ trẻ ra lớp ở độ tuổi mẫu giáo hằng năm đều đạt 100%. Hiện nhà trường có 4 nhóm lớp với gần 40 học sinh. Nói chuyện với tôi khi vừa đưa con vào lớp, chị La Thị Chiêm, thôn Đồng Cao chia sẻ: "Do đường xa, đi lại vất vả, bố mẹ nào cũng bận nên chúng tôi thay phiên nhau đưa đón để con em được đến trường mỗi ngày".

Hằng ngày, trò dậy sớm thì các cô giáo còn phải dậy sớm hơn. Một số cô phải đi 20 đến 35 km đường đèo dốc, nắng thì bụi, mưa thì trơn trượt. Có những ngày mưa lớn, nước dâng cao, chảy xiết qua các ngầm khiến giao thông bị chia cắt, thầy cô đành ở lại trường vài ngày để chờ nước rút mới về được nhà. Nơi đây, sóng điện thoại, Internet chập chờn nên thông tin liên lạc nhiều khi bị gián đoạn. Do đặc thù đất rộng người thưa nên việc thực hiện công tác phổ cập giáo dục không đơn giản, các cô giáo phải đến từng gia đình và chỉ đi vào tầm giữa trưa hoặc chiều tối mới gặp được người dân. Để chăm sóc trẻ tốt hơn, từ năm học 2018-2019, trường vận động phụ huynh tổ chức cho trẻ ăn bán trú. Biết là thêm phần vất vả song các cô vẫn vui vẻ thay nhau đi chợ, nấu cơm. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, thường các cô và phụ huynh góp thêm mớ rau, quả bí tự trồng cho trẻ được ăn bữa cơm ngon miệng.

Công tác ở nơi điều kiện khó khăn như vậy nhưng với sự nỗ lực trau dồi chuyên môn của đội ngũ cán bộ giáo viên, chất lượng giáo dục nơi đây có nhiều chuyển biến. Hiện trường có một giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; 4 giáo viên giỏi cấp huyện; 5 cán bộ, giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến; chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ năm sau cao hơn năm trước. “Trường còn quan tâm vận động phụ huynh và cán bộ, chiến sĩ đơn vị quân đội tại địa bàn hỗ trợ làm sân chơi, tạo môi trường vui chơi, học tập an toàn, thân thiện cho trẻ”, thầy Việt cho biết thêm.

Cô giáo như mẹ hiền

Cách Thạch Sơn hơn 30 cây số, Trường Tiểu học Vân Sơn có cơ ngơi khá khang trang do vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Châu đưa khách đi tham quan cơ sở vật chất và cho biết, trường có 252 học sinh, trong đó 94,8% là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí; 54,3% hộ nghèo.

{keywords}

Cô giáo Ngọc Thị Thu, Trường Tiểu học Vân Sơn thường xuyên giúp đỡ em Hằng.

Nhìn giáo viên đang hướng dẫn học sinh tập thể dục giữa giờ nhịp nhàng theo tiếng nhạc, thầy Châu mở lòng: “Nhiều thầy cô hoàn cảnh rất khó khăn. Cô thì con nhỏ, thường xuyên đau ốm; có thầy cô nhà cách trường mấy chục cây số nhưng vì gia đình neo người nên phải đi về trong ngày. Vất vả là thế song ai cũng yêu trường, yêu nghề, hết lòng vì học trò".

{keywords}

Sơn Động có 61 trường mầm non, tiểu học và THCS; do địa bàn rộng, dân cư sinh sống phân tán, thưa thớt nên bậc mầm non, tiểu học ở hầu hết các xã đều có từ 3-4 khu lẻ. Để duy trì phong trào học tập nơi đây, chúng tôi chỉ đạo các trường phân công giáo viên am hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc phụ trách điểm lẻ, tích cực thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.



Ông Nguyễn Đức Dụng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Một trong những "người mẹ hiền" của học trò là cô Ngọc Thị Thu. Cuộc sống gia đình nhiều khó khăn bởi ba con trai đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Vậy nhưng khi biết hoàn cảnh éo le của cô học trò người dân tộc Dao Đặng Thị Hằng (SN 2012) - học sinh lớp 1A, trái tim giàu lòng yêu thương đã thôi thúc cô cần quan tâm nhiều hơn đến em. Lúc gặp chúng tôi, trên tay cô xách chiếc túi ni lông màu đỏ bên trong đựng một miếng thịt, một con cá đông lạnh gói kỹ và một chai thuốc trị chấy đưa cho Hằng. Cô kể: Mẹ bỏ đi, bố không khôn ngoan, khỏe mạnh như người khác nên những ngày đầu năm học, khi các bạn đến lớp thì Hằng phải ở nhà trông em hoặc theo bố vào rừng kiếm củi thuê. Nhiều hôm, cô bé đến lớp với khuôn mặt xanh xao, lem luốc và đói lả, cô Thu mua bánh mì, cháo cho em ăn đỡ bữa và nhắc học trò trong lớp cùng chia sẻ giúp đỡ bạn. Cùng đó, cô đăng thông tin trên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, cộng đồng quan tâm đến hoàn cảnh của Hằng. "Mới đây, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ hỗ trợ gạo, quần áo, đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho gia đình Hằng. Một số cán bộ hưu trí ở TP Bắc Giang vận động được gần 20 triệu đồng; UBND huyện Sơn Động cũng chỉ đạo xã Vân Sơn huy động cộng đồng xây nhà nhân ái tặng mấy bố con em" - Cô Thu phấn khởi khoe.

Cách điểm trường chính ở khu trung tâm thôn Phe chừng 7 cây số là khu lẻ thôn Gà. Tại đây có 98 học sinh gồm 3 lớp tiểu học và 3 lớp mầm non ở các thôn: Gà, Nà Hin, Khe Ang ra học. Gần 11 giờ, các lớp kết thúc buổi học sáng. Khác với trẻ mầm non được ăn bán trú, nhiều học sinh tiểu học do nhà xa, cách trường 4-5 cây số đường rừng nên phải mang cơm để ăn trưa tại trường.

{keywords}

Giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Thạch Sơn.

Công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi giáo viên đều xác định là người chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ của trẻ, thường xuyên đi sớm, về muộn. Năm đầu tiên dạy ở điểm lẻ thôn Gà, cô giáo Hoàng Thị Thủy cho biết đã chuẩn bị tâm lý nhưng vẫn không thể tưởng tượng hết khó khăn của học trò. Bữa trưa của học sinh thường xuyên chỉ có cơm trắng, không rau xanh, không canh, rất hiếm khi có trứng, thịt. Nhiều em đến lớp mang theo cháo trắng đựng trong vỏ chai nước Lavie. Cái ăn thiếu thốn đã vậy, mấy hôm nay trời lạnh mà nhiều em đến trường chỉ mặc chiếc áo mỏng manh. Nghe cô Thủy tâm sự và nhìn cậu bé Triệu Văn An, dân tộc Dao, ở thôn Nà Hin, học lớp 2C xúc thìa cơm nguội ngắt đưa lên miệng ăn rệu rạo, chúng tôi không khỏi ái ngại.

Được biết, Vân Sơn là xã đầu tiên của huyện Sơn Động có cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia. Tháng 10 vừa qua, Trường Tiểu học Vân Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận lại đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, thi đua dạy tốt, học tốt; Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến năm học 2017-2018. Bên cạnh thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh dân tộc, hộ nghèo, nhà trường còn thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm quan tâm để học trò vơi bớt khó khăn.

Chúng tôi chia tay những lớp học bên sườn đồi khi sương chiều đã giăng mờ các hẻm núi. Hết giờ học đã lâu nhưng các cô vẫn phải ở lại trường chờ phụ huynh đến đón con. Nhìn những đôi mắt trong veo, nụ cười hồn nhiên ngây thơ của các em nhỏ, tận mắt chứng kiến sự vất vả, bền bỉ trên con đường mang kiến thức đến với học trò vùng cao, chúng tôi hiểu rằng chính lòng yêu nghề, yêu trẻ đã giúp các thầy cô vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao quý của những người đưa đò thầm lặng.

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung gần 27.000 biên chế giáo viên mầm non
Bộ Nội vụ đề nghị bổ sung biên chế cho bậc mầm non đối với 17 tỉnh có tăng dân số cơ học là 20.973 giáo viên và 15 tỉnh Tây Nguyên là 5.735 giáo viên.
 
5 năm tới, không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp, cao đẳng
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, hiện nay cả nước còn gần 160.000 giáo viên tiểu học cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn trong thời gian khoảng 5 năm. Theo đó, trong thời gian này, Bộ GD&ĐT đề xuất không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học (GVTH) có trình độ trung cấp sư phạm (TCSP) hoặc cao đẳng sư phạm (CĐSP).
 
Trang phục giáo viên
(BGĐT) - Một trường THPT của tỉnh H mới đây đưa ra văn bản quy định cấm giáo viên nữ mặc váy khi tham gia các hoạt động có học sinh. Quy định này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng từ chính những giáo viên trong trường và tạo ra luồng ý kiến tranh luận: Giáo viên có nên mặc váy đến trường và mặc như thế nào cho phù hợp?
 
Năm học mới, cả nước đang thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết, theo thống kê đến thời điểm tháng 8-2018, cả nước đang thiếu 75.988 giáo viên các cấp. Tuy nhiên, đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương bởi cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS.
 
Khuyến khích giáo viên đóng góp vào kho bài giảng dùng chung
Năm học 2017-2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tập trung hướng dẫn giáo viên, học sinh khai thác kho bài giảng e-learning tại địa chỉ http://elearning.moet.edu.vn nhằm đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học. 
 
Tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh
Nhằm giảm áp lực cho giáo viên, học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn tổ chức một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của ngành.
 
Học sinh vùng cao "chạy nước rút" cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018
(BGĐT) - Những ngày này, các trường THPT trên địa bàn huyện Sơn Động đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để kỳ thi THPT quốc gia diễn ra đúng quy chế và đạt kết quả cao nhất.
 
Học sinh xã vùng cao Tân Sơn chống chọi với rét
(BGĐT)- Mấy ngày nay, gió Bắc liên tục tăng cường, trên địa bàn tỉnh, nhiệt độ có nơi xuống dưới 10 độ C, thậm chí ở vùng cao chỉ còn 6-7 độ C. Trong điều kiện khó khăn đó, nhiều học sinh xã vùng cao Tân Sơn, huyện Lục Ngạn đang chống chọi với giá rét để đến trường. 
 

Ghi chép của  Quế Hương - Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...