Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng cơ chế để trường THCS trọng điểm chất lượng cao hoạt động hiệu quả

Cập nhật: 18:58 ngày 24/10/2018
(BGĐT) - Ngày 24-10, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án Phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2025. Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. 

Tính đến tháng 10 năm nay, toàn tỉnh có 10 trường THCS trọng điểm chất lượng cao, trong đó 9 trường được phát triển, nâng cấp trên cơ sở các trường THCS điểm của huyện, riêng TP Bắc Giang xây dựng mới cơ sở vật chất và thành lập Trường THCS Lê Quý Đôn. 3 năm qua, các địa phương đã quan tâm dành kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy học cho các trường. Đội ngũ giáo viên dạy lớp chất lượng cao giỏi chuyên môn, làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhiều huyện như: Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng có chính sách ưu đãi  giáo viên dạy giỏi như bổ nhiệm cán bộ quản lý không qua thi tuyển, tuyên dương, khen thưởng kịp thời. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các mục tiêu của Đề án ở một số địa phương còn chậm; các trường như: THCS thị trấn Vôi (Lạng Giang), THCS thị trấn Neo, thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) chất lượng giáo dục thiếu ổn định.

{keywords}

Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ những khó khăn, bất cập và đề xuất với UBND tỉnh quan tâm tháo gỡ. Đại diện một số trường, địa phương phản ánh, cơ sở vật chất thiếu, không đồng bộ do phòng học xây nhiều năm, không có sân chơi thể thao, nhà đa năng, khu bán trú nên khó thu hút học sinh giỏi ở xa về học. Giáo viên về dạy tại trường THCS trọng điểm ở khu vực trung tâm huyện, TP nhưng không có chế độ ưu tiên hơn so với với dạy tại các trường khác. Từ đó, một số đại biểu kiến nghị tỉnh có chính sách ưu đãi đặc thù như tăng phụ cấp, giảm định mức lao động với giáo viên; hỗ trợ ở bán trú, nội trú, cấp học bổng với học sinh giỏi, cộng điểm ưu tiên nếu đạt thành tích cao khi tuyển sinh vào lớp 10. Cùng đó, tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học cho các trường.

{keywords}

Đại diện Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên) phát biểu tại hội nghị.

Kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận các ngành, địa phương và nhà trường có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án. Đồng chí khẳng định trường THCS trọng điểm chất lượng cao là mô hình điểm để thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện về GD&ĐT, đi đầu trong nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cho địa phương. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu Đề án đề ra đến năm 2025, đề nghị các huyện tiếp tục đầu tư bảo đảm các trường THCS trọng điểm chất lượng cao có cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia.

UBND huyện, TP ưu tiên lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ để đảm nhiệm công tác quản lý tại trường THCS trọng điểm chất lượng cao. Quan tâm xây nhà bán trú cho học sinh ở xa. Đồng chí Lê Ánh Dương giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các ngành chức năng tham mưu với UBND tỉnh có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút, khuyến khích cán bộ quản lý, giáo viên phát huy năng lực, kinh nghiệm. Nghiên cứu xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để các trường, địa phương tháo gỡ vướng mắc, thuận lợi khi thực hiện nhiệm vụ.

Mai Toan


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...