Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Không còn "cửa" cho học thuộc lòng sách giáo khoa, dạy y xì theo sách giáo khoa

Cập nhật: 07:25 ngày 30/06/2018
Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều giáo viên, giảng viên cho rằng phương thức ra đề mới đã không “có cửa”, không chấp nhận cho những học sinh học thuộc lòng sách giáo khoa (SGK), giáo viên dạy y xì theo SGK.

{keywords}

Tiết học Địa lý tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh, cơ sở Tân Triều. Ảnh: Huyên Nguyễn.

Môn Lịch sử: Học phải hiểu

Theo các giáo viên Tổ Khoa học Xã hội của Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đối với môn Lịch sử đã “không chấp nhận” những học sinh học thuộc theo SGK và những giáo viên dạy y nguyên SGK. Đề thi không còn các câu hỏi chỉ yêu cầu học sinh nhớ các mốc sự kiện như trước đây. Việc này khiến thay đổi cách nhìn của dư luận, của xã hội vốn rất nặng nề, định kiến với môn Lịch sử là môn “học thuộc lòng”, chỉ nhớ sự kiện.

Đề thi xuất hiện các thuật ngữ lịch sử khi đề cập đến các chiến dịch, các sự kiện, do đó học sinh và giáo viên cần đọc thêm các tư liệu lịch sử, từ điển thuật ngữ lịch sử. Giáo viên cần giải thích cho học sinh các thuật ngữ đó ngoài không được đề cập đến trong SGK trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là đối với học sinh mong muốn thi vào các khoa khoa học xã hội của các trường đại học tốp cao.

Ngoài ra, đề thi đang chuyển dần sang xu hướng học để hiểu, học sự kiện này cần phải liên hệ với giai đoạn trước đó (yếu tố thời gian), đặt các sự kiện trong các bối cảnh chung của tình hình thế giới (yếu tố không gian) theo quan điểm Việt Nam là bộ phận của thế giới. Như vậy, điều này rất cần thiết với các em – những công dân của thời đại mới, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa.

Học sinh cần học chắc kiến thức về các sự kiện, nắm các điểm chính (từ khóa nổi bật, đại diện) của mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện bởi dù không kiểm tra trực tiếp việc ghi nhớ các mốc sự kiện nhưng để làm được, học sinh phải có kiến thức căn bản về sự kiện, đặc biệt là các sự kiện dấu mốc như Cách mạng Tháng 8; Đại hội Đảng lần thứ VI; Chiến tranh thế giới…

Các giáo viên đặc biệt lưu ý khi dạy các bài tổng kết chương, tổng kết học kỳ bởi các bài tổng kết là dịp để hệ thống lại kiến thức xuyên suốt giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về cả một giai đoạn dài thay vì chỉ nắm được các kiến thức ở các giai đoạn nhỏ lẻ…

Môn Địa lý: Không phải là môn học lý thuyết

Đề thi Địa lý 2018 đã nhấn mạnh vào yếu tố thực hành, giảm hẳn ghi nhớ máy móc SGK. Trước đây, Địa lý cũng như những môn xã hội khác thường bị coi là môn học chỉ cần thuộc lòng là có thể đạt điểm cao. Tuy nhiên, với số lượng câu hỏi thực hành đang ngày càng tăng lên trong đề thi Địa lý cho thấy, học sinh còn cần có kỹ năng thực hành Địa lý đặc biệt là kĩ năng sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. Thậm chí, nếu biết cách khai thác tốt, học sinh còn sử dụng được Atlat để trả lời cả những câu hỏi lí thuyết.

Đề thi không khô khan mà đã khai thác được những vấn đề xã hội: Địa lý là môn học được ứng dụng nhiều trong thực tiễn, tuy nhiên, cách học và cách thi trước đây đã làm cho môn học nặng về lí thuyết.

Đề thi 2018 đã khéo léo lồng ghép nhiều vấn đề mang tính thời sự như vấn đề du lịch biển đảo, vấn đề Biển Đông, vấn đề việc làm… làm cho đề thi sát với thực tế, gần gũi với học sinh hơn. Đây đều là những vấn đề thiết thực, không chỉ kiểm tra kiến thức của học sinh mà còn giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với bản thân và đất nước, những hiểu biết về các vấn đề xã hội, những thông tin rất cần cho các sinh viên sau này.

Đề thi góp phần làm thay đổi quan niệm của học sinh và giáo viên về bộ môn này. Đề thi cho thấy, học sinh không chỉ học hoàn toàn trong sách giáo khoa, mà còn cần có kiến thức xã hội, không chỉ học thuộc lòng mà phải học để hiểu vấn đề, không học dàn trải mà nên tập trung vào các từ khóa. Từ đề thi, giáo viên cũng cần thay đổi cách dạy, không chỉ tập trung kiến thức sách giáo khoa mà cần liên hệ, mở rộng kiến thức xã hội và thực tế, không chỉ trang bị kiến thức mà còn phải rèn luyện cho học sinh những kỹ năng cần thiết, thậm chí là những mẹo để ghi nhớ kiến thức tốt hơn và dành tỉ trọng cao hơn cho rèn luyện bài tập.

Theo Lao động

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...