Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng trường chuẩn quốc gia: Nhiều trường chậm về đích

Cập nhật: 09:12 ngày 21/03/2018
(BGĐT) - Cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu giáo viên, nhân viên vi phạm chính sách dân số... là những nguyên nhân khiến một số địa phương không hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2017. Hiện nay, các huyện đang tập trung hoàn thiện những tiêu chí còn thiếu, quyết tâm đạt chuẩn trong năm 2018.   
{keywords}

Trường Mầm non Canh Nậu (Yên Thế) đang tập trung hoàn thiện cơ sở vật chất, phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm 2018.

Thiếu cơ sở vật chất

Theo kế hoạch, tháng 12-2017, Trường Mầm non Canh Nậu, Trường THCS Đồng Kỳ (Yên Thế) phải hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cả hai trường đã đạt 4/5 tiêu chí, tuy nhiên phòng học chưa đáp ứng nhu cầu. Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Yên Thế tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, tranh thủ nguồn lực đầu tư. Theo đó, Trường Mầm non Canh Nậu được hỗ trợ xây 6 phòng học, kinh phí gần 3,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Trường THCS Đồng Kỳ xây 6 phòng học, phòng chức năng, kinh phí gần 1,9 tỷ đồng từ ngân sách huyện.

Ngày 13-3, chúng tôi đến Trường Mầm non Canh Nậu khi công trình 6 phòng học vẫn còn ngổn ngang. Cô Phạm Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng nói: “Trường có 330 học sinh, 13 nhóm, lớp nhưng chỉ có 6 phòng học kiên cố, hơn 100 em đang học nhờ phòng chức năng của trường, nhà văn hóa các thôn Đống Cao, Đình, Ao Tuần trong điều kiện chật chội, thiếu thốn”. Khi được phê duyệt dự án, Ban Giám hiệu vui song cũng băn khoăn vì vốn trái phiếu từ Chính phủ cấp chậm, đến tháng 10 - 2017 công trình mới khởi công. Nỗi lo lỡ hẹn xây trường chuẩn quốc gia không tránh khỏi.

Theo ông Giáp Văn Thành, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Thế, năm 2017, huyện lồng ghép các nguồn vốn xây mới 25 phòng học, 19 phòng chức năng, mua sắm 721 bộ thiết bị hỗ trợ dạy học. Tổng kinh phí hơn 18,7 tỷ đồng. Cùng thời gian, huyện có 12 trường được công nhận lại trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hai trường nằm trong kế hoạch đạt chuẩn lần đầu không hoàn thành. Nguyên nhân do các công trình đều phải khảo sát, đánh giá, điều chỉnh thiết kế so với ban đầu. Cùng đó, thời tiết cuối năm trước mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.

Theo quy định, sau 5 năm kể từ ngày Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận trường chuẩn quốc gia, các cơ sở giáo dục tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận lại. Đây là thách thức không nhỏ với các trường bởi quy mô học sinh thay đổi, chất lượng không đồng đều, trong khi cơ sở vật chất sau thời gian khai thác, sử dụng ít nhiều bị hao mòn, xuống cấp. Báo cáo của Sở GD&ĐT, năm 2017, toàn tỉnh có 17 trường không đủ điều kiện để xét công nhận lại.

{keywords}

Trường Tiểu học Quế Nham (Tân Yên) thiếu giáo viên môn thể dục, hiện chưa đạt chuẩn.

Bám sát kế hoạch, nâng chất lượng giáo dục

Tính đến tháng 12-2017, toàn tỉnh có 671 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 82,3%, trong đó có 214 trường mầm non (tỷ lệ 77%), 238 trường tiểu học (96,4%), 188 trường THCS (78%) và 31 trường THPT (67,7%). Sở GD&ĐT yêu cầu các địa phương bám sát kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Bộ tiêu chí trường chuẩn quốc gia gồm các điều kiện như: Tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ quản lý và giáo viên; công tác chăm sóc, giáo dục; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; mối quan hệ giữa nhà trường, xã hội và phụ huynh học sinh. Ở những cơ sở giáo dục đạt chuẩn, chất lượng, uy tín tăng lên đi đôi với niềm tin trong nhân dân được củng cố, phụ huynh yên tâm đưa con đến trường học tập. Tiêu chí khó khăn nhất cũng là áp lực đối với các trường, chính quyền địa phương là việc xây dựng cơ sở vật chất. Ở nhiều địa phương, khi quy mô học sinh ra lớp tăng nhưng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất chưa tương xứng gây nên tình trạng quá tải lớp học. Khảo sát ở các trường như: Mầm non Mai Đình, Châu Minh (Hiệp Hòa); Mầm non Xuân Hương (Lạng Giang)... sân trường, lớp học chật chội và ẩm thấp; vẫn còn nhiều học sinh phải học nhờ, học tạm trong nhà văn hóa các thôn, hộ dân.

Đáng lo ngại, ngoài điều kiện về cơ sở vật chất, vẫn có đơn vị không đạt chuẩn do có cán bộ sinh con thứ ba như Trường THCS Lam Cốt (Tân Yên), Trường Tiểu học Quế Sơn (Sơn Động). Ông Thân Văn Đạc, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Động cho biết: “Năm trước, Phòng đã xử lý kỷ luật 11 trường hợp cán bộ, giáo viên sinh con thứ ba. Qua nắm bắt nhận thấy một bộ phận cán bộ quản lý trực tiếp vẫn chưa nghiêm túc quán triệt nhân viên cấp dưới chấp hành quy định. Từ năm nay, Phòng tham mưu với UBND huyện điều chuyển công tác nếu cán bộ, giáo viên vi phạm chính sách dân số, trừ điểm thi đua với người đứng đầu cơ sở giáo dục”.

Xây dựng trường chuẩn quốc gia là quá trình lâu dài, ngoài trách nhiệm của ngành giáo dục còn có vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của toàn xã hội. Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị còn “nợ” tiêu chí năm 2017 khẩn trương hoàn thiện. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, thời gian này, huyện đang đôn đốc chủ đầu tư, đơn vị thi công sớm hoàn thành hai dự án tồn đọng của năm trước. Cùng đó sẽ xây mới 21 phòng học mầm non, tổng kinh phí khoảng 19,6 tỷ đồng từ nguồn vốn của T.Ư, tỉnh và địa phương đối ứng. Với cấp THCS, huyện đang tập trung đầu tư cải tạo khuôn viên, xây phòng chức năng cho Trường THCS Tân Hiệp để bảo đảm các điều kiện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia cuối năm nay.

Để tiếp tục tìm lời giải cho bài toán xây trường chuẩn quốc gia, ban giám hiệu các trường cần bám sát kế hoạch, tăng cường tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Tranh thủ sự ủng hộ của cha mẹ học sinh, các tổ chức, doanh nghiệp để mua sắm thêm thiết bị đồ chơi, đồ dùng học tập, trang trí cảnh quan khuôn viên xanh - sạch - đẹp. Đẩy mạnh phát động các phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, giáo viên đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...