Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Giáo dục
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sáp nhập một số trường đồng cấp, liên cấp: Phát huy hiệu quả, khắc phục bất cập

Cập nhật: 10:00 ngày 19/03/2018
(BGĐT) - Thực hiện chủ trương của tỉnh, tháng 8-2017, 28 trường tiểu học, THCS quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Tân Yên sáp nhập liên cấp, đồng cấp. Nhìn chung, bộ máy quản lý hành chính đã tinh gọn song một số nơi còn bộc lộ khó khăn, bất cập.
{keywords}

Khuôn viên Trường Tiểu học và THCS Chiên Sơn (Sơn Động) sau sáp nhập được tu sửa, chỉnh trang xanh - sạch - đẹp.

Gọn bộ máy, nâng chất lượng đào tạo

Trước thời điểm sáp nhập, toàn tỉnh có 260 trường tiểu học, 240 trường THCS. Ở nhiều nơi, dù cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng quy mô lớp nhỏ, sĩ số chỉ từ 17-25 em/lớp. Điều này dẫn đến lãng phí hạ tầng đã được đầu tư, trang thiết bị dạy học và nhân lực. Vì vậy, việc sáp nhập là cần thiết để tập trung nguồn lực đầu tư, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách trong khi chỉ tiêu biên chế không tăng, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản lý, phát huy hiệu quả công việc.

Năm học trước, Trường Tiểu học Chiên Sơn (Sơn Động) có 11 lớp, Trường THCS Chiên Sơn có 7 lớp. Hai trường cùng đứng chân ở thôn Chiên. Từ khi sáp nhập thành một đơn vị, việc tổ chức phong trào thi đua học tập, rèn luyện sôi nổi hơn. Sau khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Chiên Sơn, để quy tụ cán bộ, giáo viên, nhân viên, thầy giáo Nguyễn Văn Duy đã gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp. Thầy phân công một đồng chí phó hiệu trưởng phụ trách khối tiểu học; quan tâm kiện toàn các tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn hoạt động của trường theo mô hình mới đi vào nền nếp.

Cũng được cơ quan chuyên môn đánh giá là đơn vị có chuyển biến tích cực sau sáp nhập là Trường Tiểu học Vân Hà (Việt Yên). Nhớ lại một năm trước, cô giáo Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng kể: Tuy cùng địa bàn xã nhưng chất lượng giáo dục ở hai trường số 1 và số 2 chênh lệch do cơ cấu giáo viên bộ môn không đồng đều, cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp. Thực hiện chủ trương sắp xếp lại trường học, đến nay, hai cán bộ quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó), một nhân viên hành chính, hai giáo viên môn chuyên dôi dư đã được cấp trên sắp xếp vị trí công việc mới; nhân viên y tế học đường, giáo viên Tiếng Anh trước đây thiếu đã được bổ sung. Trường còn được địa phương đầu tư xây dựng thêm hai phòng học, 8 phòng chức năng. Học kỳ I năm học 2017-2018 vừa qua, toàn trường có 97% trở lên học sinh hoàn thành chương trình các môn học, tăng so với cùng kỳ năm học trước. Nhiều phụ huynh hài lòng khi ý thức đạo đức, năng lực, phẩm chất con em nâng lên.

Vẫn còn khó khăn

Tổng hợp của Phòng Công chức viên chức (Sở Nội vụ), các đơn vị đã giảm khoảng 70 vị trí việc làm. Đối với những cán bộ quản lý, nhân viên hành chính dôi dư cơ bản được địa phương sắp xếp, phân công đảm nhiệm công việc mới ở những nơi thiếu chức danh tương ứng.

Qua đánh giá, tại hầu hết những ngôi trường mới dễ dàng nhận thấy bộ máy hành chính đã bớt cồng kềnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tận dụng khai thác, phát huy hiệu quả. Tuy vậy, một số cơ sở giáo dục có khoảng cách không gần nhau thì việc thực hiện chủ trương sáp nhập nảy sinh không ít trở ngại. Ví như Trường Tiểu học và THCS Kim Sơn (Lục Ngạn). Trụ sở chính là trường THCS (cũ) chỉ có 5 lớp, trong khi bậc tiểu học có 15 lớp hiện đang nằm rải rác ở điểm lẻ thôn: Tân Lập, Đồng Rãng, Đồng Láy, cách khu trung tâm từ 1,6- 6,5 km, đi lại rất vất vả. Thời khóa biểu, thời lượng tổ chức tiết học hai cấp, hai khu khác nhau nên khi triệu tập cuộc họp chi bộ, công đoàn, đoàn thanh niên hoặc sinh hoạt chuyên môn khó thống nhất thời gian.

Với Trường Tiểu học An Dương (Tân Yên) lại có khó khăn khác. Hiện nay, 575 học sinh của trường đang học tại hai khu, khu A ở thôn Tân Lập, khu B là thôn Bùng, cách nhau gần 3 km. Do chỉ có một giáo viên Tổng phụ trách Đội, một giáo viên Mỹ thuật nên thầy cô phải thường xuyên đi lại giữa hai nơi. Nhà trường muốn đưa học sinh ra học tập trung ở một khu nhưng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được.

Trước những bất cập nêu trên đòi hỏi cần tính toán kỹ lưỡng hơn khi thực hiện chủ trương này. Hiện các địa phương và ngành giáo dục đang rà soát, tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh có giải pháp sắp xếp lại mạng lưới trường học phù hợp. Nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh sáp nhập trường liên cấp tiểu học - THCS khi hai trường có diện tích liền kề. Trường hợp sáp nhập trường đồng cấp trên cùng địa bàn, cần tính toán phương án giảm khu lẻ, đưa học sinh về nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn để nâng chất lượng giáo dục. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Ngành sẽ phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, thẩm định kỹ hơn để tham mưu với tỉnh phương án sáp nhập tối ưu, hạn chế khó khăn, bất cập. Khi mới chuyển đổi sang mô hình mới không tránh khỏi xáo trộn bước đầu, vì vậy ban giám hiệu, giáo viên cần nỗ lực vượt khó, tham khảo, học tập kinh nghiệm từ những đơn vị làm tốt".

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...