Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Gương sáng trên bảng vàng giáo dục

Cập nhật: 08:33 ngày 01/02/2018
(BGĐT) - Giáo dục Bắc Giang nhiều năm liền giữ vững ở vị trí tốp đầu trong cả nước nhờ tâm huyết và đóng góp không nhỏ của những nhà giáo yêu nghề và các thế hệ học sinh xuất sắc ghi danh tại những kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
{keywords}

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn cùng các học sinh đoạt giải quốc gia.

Hết lòng vì học trò

48 tuổi đời, 24 năm trong nghề, nhà giáo Nguyễn Anh Tuấn gắn bó với Trường THPT Chuyên Bắc Giang (trước đây là Trường THPT Năng khiếu tỉnh Hà Bắc) sau khi tốt nghiệp khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội I. Ban đầu là giáo viên bộ môn, Tổ phó tổ Toán - Tin của trường; Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ tổ Toán - Tin rồi Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Bắc Giang, trong vai trò nào, thầy Nguyễn Anh Tuấn đều sống với phương châm giản dị, hòa đồng, làm việc hết mình, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Vì vậy, thầy đã ghi nhiều dấu ấn trong sự nghiệp và để lại trong lòng bao thế hệ học trò tình cảm yêu mến, kính trọng và tự hào.

Quá trình giảng dạy và nghiên cứu, thầy Tuấn có 22 sáng kiến, đề tài khoa học; tham gia biên soạn và là tác giả của 9 giáo trình, sách chuyên khảo; ba bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước. Đặc biệt, nhiều sáng kiến, đề tài khoa học đã được in trong các cuốn kỷ yếu, in sách để giáo viên và học sinh trường THPT chuyên trên toàn quốc áp dụng. Nhờ phương pháp giảng dạy hợp lý, hiệu quả nên nhiều học sinh của thầy Tuấn đã đoạt giải cao tại những kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Nổi bật trong số đó có em Lê Ngọc Sơn đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán học quốc tế năm 2007; Trần Tùng Lâm, Nguyễn Quang Chức, Thân Việt Cường, Vương Đình Ân... đoạt giải cao môn Toán trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Giành nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng như phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, thầy Nguyễn Anh Tuấn luôn là tấm gương về đạo đức và nỗ lực tự học cho đồng nghiệp và các thế hệ học sinh noi theo. Thầy đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường xây dựng Trường THPT Chuyên Bắc Giang luôn là lá cờ đầu trong ngành giáo dục của tỉnh. Ghi nhận những đóng góp đó, dịp kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (1982-2017) vừa qua, thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương là "Nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu".

“Làm nghề dạy học, tôi đã, đang và sẽ mãi yêu thương, hết lòng vì học sinh; giúp các em trưởng thành, là người có ích cho xã hội. Tôi tin rằng học trò của tôi cũng luôn yêu quý và nhớ về người thầy hết lòng yêu thương các em”, thầy Tuấn chia sẻ.

{keywords}

Lê Ngọc Sơn cùng bố mẹ trong ngày tốt nghiệp Trường Đại học Georgetoun University.

Gắng học tập để xây dựng quê hương

May mắn gặp lại Lê Ngọc Sơn trong ngôi nhà ấm cúng tại đường Xương Giang, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) trong dịp anh về thăm quê, chúng tôi cảm nhận vẫn đôi mắt sáng, nụ cười luôn thường trực trên môi, nhưng cách nói chuyện thì chín chắn hơn nhiều.

Trong câu chuyện, bố mẹ Sơn tự hào khi kể về những thành tích học tập của con mình. Những năm học ở cấp THCS, Lê Ngọc Sơn nổi tiếng cả trường khi học đều và đoạt nhiều giải cao các môn Ngữ văn, Vật lý và Toán tại các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Năm học 2007 - 2008, khi ấy là học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang, Sơn xuất sắc giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đoạt Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế. "Dù đã qua 10 năm nhưng cảm giác lâng lâng hạnh phúc khi nhận giải vẫn luôn trong tâm trí. Tôi tự hứa với bản thân luôn nỗ lực học tập, rèn luyện để đóng góp cho quê hương, đất nước", Sơn nói.

Nhờ cố gắng đó, Lê Ngọc Sơn nhận được học bổng toàn phần của Trường Đại học danh tiếng Georgetoun University, TP Washington (Mỹ). Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân với hai chuyên ngành Toán và Kinh tế loại xuất sắc, hiện nay Sơn tiếp tục theo học chương trình tiến sĩ. Do thành tích học tập tốt nên anh được nhiều giáo sư trong trường quan tâm, giúp đỡ. Vì thế, ngoài hoàn thành nội dung các môn theo chương trình, Sơn còn tham gia cùng các giáo sư nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học. Tiêu biểu là nghiên cứu về vấn đề: "Lao động - việc làm và thị trường chứng khoán". Theo Sơn, đây là những vấn đề mà các nước, trong đó có Việt Nam rất quan tâm. "Bảo vệ xong chuyên ngành tiến sĩ, tôi sẽ đem những kiến thức đã học được về xây dựng quê hương"- Sơn khẳng định khi nói về ý định sau này của mình.

Dù bận rộn với việc học tập, nghiên cứu song mỗi lần về nước, Lê Ngọc Sơn vẫn dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình với các thế hệ học trò tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang- cái nôi đã nuôi dưỡng, chắp cánh cho anh trưởng thành.

{keywords}

Hà Khương Duy trong một chuyến dã ngoại tại Mỹ.

Từ Huy chương Vàng Toán quốc tế đến Công ty danh tiếng Facebook

9 năm trước, tháng 7-2009 chàng trai dân tộc Nùng quê ở thị trấn Bố Hạ (Yên Thế) Hà Khương Duy xuất sắc giành Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, mang vinh quang về cho thầy cô, bạn bè khối chuyên Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và quê hương Bắc Giang. Với kết quả ấy, Duy được nhận học bổng 4 năm ở Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Ở ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, chủ nhân của chiếc Huy chương Vàng Olympic Toán học năm xưa luôn đặt mục tiêu phấn đấu, tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi.

Duy chia sẻ: Giáo dục ở Mỹ không coi trọng điểm số, bằng cấp mà kỹ năng giao tiếp, kiến thức áp dụng vào thực tế mới là yếu tố đánh giá chất lượng người học. Do vậy, ngoài học trên giảng đường, anh thường xuyên có mặt trong thư viện, khu nghiên cứu khoa học của trường để tìm hiểu kiến thức, thực hành.

Mùa thu năm 2015, Hà Khương Duy tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts với điểm khá cao 4,5/5. Chỉ ít hôm sau đó, Duy nhận được lời mời đến làm việc tại công ty danh tiếng Facebook. Buổi gặp mặt đầu tiên vô cùng bất ngờ khi nhà quản lý cho biết đã tìm hiểu thành tích học tập, hoàn cảnh gia đình của Duy từ khi ở Việt Nam đến nay. Sự quan tâm đó khiến chàng thanh niên dân tộc Nùng vô cùng tự hào về màu cờ sắc áo quê hương. Được biết, công việc hiện tại của Duy là nghiên cứu, xây dựng các giải pháp bằng công nghệ nhằm ngăn chặn nội dung xấu xâm nhập trên mạng xã hội. Bên cạnh cố gắng làm tốt công việc được giao, trong "ngôi nhà lớn" Facebook, những buổi sinh hoạt cuối tuần là dịp để anh tranh thủ giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế. Duy xác định sẽ ở lại đây học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thêm một thời gian nữa rồi về Việt Nam làm việc.

Từ nước Mỹ, Khương Duy chia sẻ cuộc sống ở TP California khá thoải mái vì khí hậu mát mẻ, có nhiều người Việt Nam sinh sống. Dịp cuối năm, mọi người thường đi chợ sớm mua gạo nếp, đỗ xanh, măng, miến, thịt lợn để chế biến các món ăn truyền thống, mời bạn bè cùng đến chung vui. "Xa quê nhiều năm nhưng mỗi dịp Tết đến xuân về, trong tôi vẫn có cảm giác bâng khuâng. Tôi luôn chờ đúng thời khắc giao thừa gọi điện về chúc Tết người thân, bạn bè để vơi đi nỗi nhớ nhà", Duy nói.

Tùng Lâm - Thanh Hải - Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...