Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 34 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao - kết quả bước đầu

Cập nhật: 10:23 ngày 29/12/2017
(BGĐT) - Ngày 7-5-2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 782  phê duyệt Đề án “Phát triển trường THCS trọng điểm chất lượng cao, giai đoạn 2015-2025” (gọi tắt là QĐ 782). Từ chủ trương này, gần ba năm qua, chính quyền các huyện và TP đã quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, thu hút giáo viên giỏi, từng bước nâng chất lượng giáo dục.
{keywords}
Giờ thực hành môn Hóa học ở Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên).

Bảo đảm điều kiện thiết yếu 

Điểm nhấn nổi bật của Đề án là sự kiện tháng 9-2017, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) đi vào hoạt động. Là trung tâm của tỉnh, chính quyền TP đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng từ ngân sách xây dựng ngôi trường này. Thầy giáo Nguyễn Trọng Thủy, Hiệu trưởng nhà trường tự hào nói: “Cơ sở vật chất khang trang, giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm chiếm 80%, học sinh được tuyển chọn chặt chẽ, đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, triển khai các phương pháp mới trong dạy và học". 

Ở các huyện khác, cơ sở vật chất những ngôi trường trọng điểm được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Đơn cử như tại Tân Yên, Trường THCS thị trấn Cao Thượng xây mới 8 phòng học, kinh phí gần 4 tỷ đồng từ ngân sách. Huyện Yên Dũng phê duyệt dự án chuyển Trường THCS thị trấn Neo từ tiểu khu III đến tiểu khu IV với diện tích gần 13 nghìn m2, tăng 5 nghìn m2 so với cơ sở cũ, kinh phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng. Tại huyện Việt Yên, địa phương đang đầu tư mở rộng khuôn viên Trường THCS Thân Nhân Trung, xây mới phòng học, nhà ở cho học sinh bán trú... Qua đó, tạo thuận lợi để trường tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi cho toàn huyện cũng như đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân thị trấn Bích Động. 

Cơ chế ưu đãi phù hợp  

Để trường trọng điểm tập hợp được đội ngũ giáo viên giỏi, thời gian qua, một số huyện, TP đã có những cơ chế ưu đãi như: Giảm giờ dạy chính khóa, tăng gấp đôi thù lao tiết dạy đội tuyển so với giờ dạy thêm thông thường; ưu tiên bổ nhiệm làm cán bộ quản lý... 

{keywords}

Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang).

Trao đổi về kinh nghiệm của đơn vị, ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tân Yên cho biết: Trước đây, huyện xây dựng Đề án 85/ĐA về “Nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi” (giai đoạn 2012-2015). Nhận thấy Đề án có nhiều ưu điểm, nhất là chính sách bổ nhiệm giáo viên giỏi làm cán bộ quản lý nên Phòng đề xuất huyện tiếp tục gia hạn. Hiện 4 giáo viên giỏi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiếp tục phát huy thành tích trong quản lý, bồi dưỡng đội tuyển. 

Phòng GD&ĐT Việt Yên ba năm nay thường xuyên tổ chức gặp mặt, khen thưởng giáo viên dạy giỏi vào dịp đầu năm học, trước Tết Nguyên đán và sau các kỳ thi. Cô giáo Lê Thị Khánh Vân, Trường THCS Thân Nhân Trung tâm sự: "Công tác bồi dưỡng đòi hỏi giáo viên phải cập nhật thông tin thường xuyên, đầu tư sâu cho bài giảng nên khá vất vả. Sự quan tâm, động viên từ cấp trên giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra". Được biết, những năm qua, các trường THCS: Thân Nhân Trung, thị trấn Neo, thị trấn Cao Thượng, thị trấn Vôi... thường xuyên có học sinh giành huy chương vàng, bạc và giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia.  

Được tạo điều kiện thuận lợi, mỗi thầy, cô giáo đều tự học hỏi, trau dồi chuyên môn. Những thầy, cô như: Nguyễn Văn Đức, Trường THCS Trần Hưng Đạo (Lục Ngạn); Nguyễn Thị Nhâm, Trường THCS thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam); Nguyễn Đức Hà, Trường THCS thị trấn Cao Thượng... có nhiều sáng kiến góp phần nâng chất lượng dạy học, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Em Nguyễn Thị Phương, học sinh đội tuyển Hóa lớp 9, Trường THCS thị trấn Cao Thượng do thầy Hà phụ trách kể: "Trước giờ lên lớp, thầy giáo thường giao việc cho học sinh tự nghiên cứu, làm bài tập ở nhà. Khi đến lớp, phần nào chúng em chưa hiểu thì thầy trò cùng trao đổi, thời gian còn lại học kiến thức nâng cao. Cách học đó giúp em nắm chắc kiến thức và không bị quá tải". Được biết, năm trước, đội tuyển học sinh giỏi lớp 8 do thầy Hà bồi dưỡng có 7/7 em đoạt giải cấp huyện. Bên cạnh đó, thầy còn là tác giả của sáng kiến "Giải pháp nâng cao chất lượng học sinh giỏi môn Hóa học lớp 8, 9" được nhân rộng toàn huyện. 

Từ kết quả bước đầu của Đề án cho thấy, ở những nơi chính quyền địa phương quan tâm, chất lượng giáo dục đã và đang được củng cố, ở vị trí tốp đầu. Ông Trần Tuấn Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, thời gian tới Sở tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Phối hợp với các địa phương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế ưu đãi, chính sách phù hợp để khuyến khích giáo viên, học sinh giỏi. Cùng đó, phối hợp với Hội Cựu Giáo chức, Hội Khuyến học các cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền và toàn xã hộ đối với việc đầu tư, phát triển giáo dục. Quan tâm bố trí cán bộ, giáo viên có trình độ, bổ sung điều kiện thiết yếu, tạo động lực thúc đẩy chất lượng dạy và học ở những trường trọng điểm ngày càng nâng cao.

Hải Vân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...