Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giảng viên đại học thiếu chuẩn trình độ

Cập nhật: 19:54 ngày 20/12/2017
Trong hơn 200 trường đại học vừa công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhiều trường đại học có từ 40% đến 60% giảng viên chưa đủ chuẩn trình độ.

{keywords}
Nhiều trường đại học giữ sinh viên giỏi ở lại trường làm giảng viên (Ảnh:Lê Văn)

Cử nhân đào tạo cử nhân

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) vừa công bố số liệu về đội ngũ giảng viên cơ hữu thiếu chuẩn của nhiều trường đại học. Số liệu này được công khai trong kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện bảo đảm chất lượng cuối tháng 11 vừa qua, do 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định sau đợt tuyển sinh 2017.

Theo quy định trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy đại học là thạc sĩ trở lên, trừ một số ngành đặc thù có quy định riêng. Tuy nhiên trong hơn 200 trường đại học được công bố, hầu hết các trường đều tồn tại giảng viên không đủ chuẩn trình độ.

Trái ngược với số giảng viên không đủ chuẩn trình độ, số lượng giáo sư, phó giáo sư là giảng viên cơ hữu trong nhiều trường đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều trường đại học không có “bóng dáng” của một giáo sư, phó giáo sư nào.

Lý giải về điều này, hiệu trưởng một đại học ở TP Hồ Chí Minh (HCM) cho rằng “Việc giảng viên không đủ chuẩn trong trường đại học diễn ra từ lâu, chỉ là nay Bộ GD-ĐT yêu cầu thống kê và công khai thì xã hội mới biết”.

Ông Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP HCM cho rằng công bố này không thể kết luận được trình độ giảng viên của các trường đại học.  

Ông Hà lý giải: Theo quy định giảng viên dạy đại học phải là thạc sĩ, nhưng hiện nay để tuyển được thạc sĩ là vô cùng khó. Nhiều trường có chính sách trải thảm đỏ nhưng không thu hút được đội ngũ này. Vì vậy nhiều trường có chính sách nhân sự tuyển sinh viên giỏi hoặc giữ sinh viên giỏi ở lại trường công tác. Sau đó trường cho đội ngũ này đi bồi dưỡng, đi nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc nước ngoài để nâng chuẩn. Họ là những người được ở lại trường nên thường có mức độ trung thành cao hơn. Do vậy, trường luôn tồn tại tỷ lệ một đội ngũ giảng viên có trình độ cử nhân là điều dễ hiểu.

Mặt khác, theo quy định, giảng viên có trình độ đại học không được dạy lý thuyết, nhưng các trường sẽ tuyển dụng họ để tham gia các công việc thực hành, trợ giảng, hướng dẫn thực tập, dự giờ, đi nghiên cứu… Bản thân những giảng viên từ thạc sĩ trở lên không mặn mà với hướng dẫn sinh viên, trong khi những giảng viên có trình độ cử nhân rất nhiệt tình nên trường rất cần.

Đối với các trường mới được nâng cấp từ cao đẳng lên chưa có thời gian nâng cấp đội ngũ thì cần thời gian để để bồi dưỡng dần.

Không thể chấp nhận “cơm chấm cơm”

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) bày tỏ: “Theo Luật Giáo dục đại học, người giảng dạy đại học phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Từ năm 1975 đến nay đất nước đã thay đổi và phát triển. Đã đặt ra luật vậy thì cứ theo luật mà áp dụng, không thể chấp nhận phạm luật tràn lan như vậy".

Ông Sen cho rằng: “Đội ngũ giảng viên cơ hữu của một trường đại học phải có ít nhất 70% đến 80% có trình độ thạc sĩ. Trong số này, phải có từ 20-40% là tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư;  20% giảng viên còn lại có thể chấp nhận có trình độ đại học vì đây là lớp trẻ cần để bồi dưỡng, kế cận cho đội ngũ nghỉ hưu”.

Ông Nguyễn Minh Hà cũng cho rằng “đồng ý là các trường sẽ tồn tại một lượng giảng viên có trình độ đại học. Nhưng tỷ lệ này nên nằm trong ngưỡng chấp nhận được từ 20-30%. Còn nhiều hơn thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo”.

Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, những trường theo định hướng nghiên cứu, giảng viên có trình độ đại học ảnh hưởng tới việc đào tạo, do vậy điều bắt buộc là phải nâng cấp trình độ giảng viên.

Nhưng với các trường theo hướng ứng dụng vẫn có thể vẫn duy trì một tỷ lệ nhỏ cán bộ kỹ thuật có trình độ kỹ sư, cử nhân. Đặc biệt nếu đội ngũ này từ doanh nghiệp hoặc trong khi liên kết doanh nghiệp đào tạo thì doanh nghiệp chấp nhận đội ngũ này.

Theo Vietnamnet

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...