Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sáp nhập trường cao đẳng nghề: Gọn đầu mối, nâng chất lượng đào tạo

Cập nhật: 09:36 ngày 12/12/2017
(BGĐT) - Bắc Giang hiện có hai trường gồm Cao đẳng Nghề Bắc Giang và Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn do UBND tỉnh quản lý. Nếu sáp nhập lại không chỉ tận dụng được cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hiện có của các đơn vị mà còn nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
{keywords}

Tiết học thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn.

Xu hướng tất yếu

Thời gian qua, hai trường cao đẳng nghề hoạt động trên địa bàn đã tích cực tuyển sinh, đào tạo, cung ứng nhân lực cho thị trường lao động trong tỉnh và toàn quốc. Tuy vậy, sau thời gian hoạt động ở mỗi cơ sở đều bộc lộ bất cập. Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang có 103 cán bộ, giáo viên, nhân viên biên chế và hợp đồng. Bộ máy tổ chức cồng kềnh, số lượng, cơ cấu giáo viên giữa các nghề mất cân đối. Theo tổng hợp của nhà trường, những năm gần đây, tỷ lệ đào tạo trình độ cao đẳng chỉ chiếm 13,9%, chủ yếu là đào tạo trung cấp (chiếm 81,6%) thông qua liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện. Năm học 2017-2018, trường có 1.186 học sinh, sinh viên nhưng chỉ có 38 em học hệ cao đẳng. Do cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đầu tư đã nhiều năm nên đến nay đều lạc hậu.

Trong khi đó, cách chừng 1,5 km, cùng trên trục quốc lộ 31, tại xã Dĩnh Trì, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn hoạt động từ năm 2014 với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại do tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc tài trợ và vốn đối ứng của tỉnh. Là một trong 45 trường được Nhà nước đầu tư xây dựng thành trường chất lượng cao đến năm 2020, tại đây, tỷ lệ tuyển sinh luôn đạt, vượt so với chỉ tiêu tỉnh giao. Số sinh viên của trường tìm được việc sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, đạt 92%. Mặc dù vậy, trường mới thành lập, đội ngũ giáo viên trẻ thiếu kinh nghiệm trong dạy nghề, kỹ năng quản lý, điều hành công việc; không gian trường lớp, nhất là phòng thực hành còn thiếu so với nhu cầu.

Thực tế trên địa bàn tỉnh có hai trường nghề nên khi đầu tư kinh phí để mua sắm thiết bị dạy nghề phải san sẻ. Hoạt động tuyển sinh cạnh tranh. Trước thực tế này, một số ý kiến tham mưu, đề xuất với tỉnh sáp nhập Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang vào Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn.

Sắp xếp hợp lý, phát huy năng lực đội ngũ

Sau sáp nhập thành một trường, từ 23 khoa, phòng, trung tâm của hai đơn vị sẽ giảm xuống còn 11; số cán bộ, nhân viên, giáo viên giảm 15 người và 9 chỉ tiêu biên chế chưa thực hiện của Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang. Qua đó, góp phần giảm gánh nặng chi phí từ ngân sách.

Trao đổi với ông Trần Văn Đông, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ và Tổ chức phi chính phủ (Sở Nội vụ) được biết, việc sáp nhập trường nghề nói trên phù hợp với chủ trương của T.Ư và tỉnh theo tinh thần Nghị quyết 140-NQ/TU ngày 23-9-2016 của BTV Tỉnh ủy về sắp xếp, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp giai đoạn 2016-2020. Khi đưa về một đầu mối sẽ tạo thuận lợi để trường xây dựng phương án tự chủ hoàn toàn, tinh gọn bộ máy. Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, giảm đầu mối, nhất là các phòng, khoa chuyên môn. Theo tính toán, khi sáp nhập, từ 23 khoa, phòng, trung tâm giảm xuống còn 11; số cán bộ, nhân viên, giáo viên giảm 15 người và 9 chỉ tiêu biên chế chưa được thực hiện của Trường Cao đẳng Nghề Bắc Giang.

Được biết, mới đây đề án sáp nhập đã được UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, đang trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Theo kế hoạch việc sáp nhập dự kiến thực hiện vào tháng 1-2018.

Ông Nguyễn Công Thông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn cho biết, phía nhà trường có kế hoạch sử dụng giáo viên phù hợp yêu cầu chương trình nghề trọng điểm hoặc không trọng điểm; theo trình độ (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) và phù hợp năng lực, trình độ, sở trường của cán bộ. Với những đồng chí chưa đáp ứng, trường tạo điều kiện để cán bộ tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng hoặc luân chuyển nếu có nguyện vọng. Bên cạnh công tác nhân sự, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cũng cho biết, chương trình đào tạo sẽ có sự điều chỉnh để đáp ứng với yêu cầu đổi mới công tác đào tạo nghề và thị trường lao động...

Việc sáp nhập hai trường nghề thành một đầu mối trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, tập trung nguồn lực đầu tư cho các nghề trọng điểm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực phục vụ nền KT-XH của tỉnh, quốc gia và khu vực. Qua đây, giúp đơn vị thu hút học sinh, sinh viên, nâng cao khả năng cạnh tranh với các trường cùng lĩnh vực hoạt động trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng để làm tốt khâu chuẩn bị, thời gian này lãnh đạo hai đơn vị tiếp tục tuyên truyền, định hướng thông tin đầy đủ, rõ ràng tới cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên để họ yên tâm công tác, học tập. Các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên, Công đoàn... sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc sáp nhập diễn ra thuận lợi, đúng quy trình, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người học.

Nhóm PV

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...