Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục STEM khơi dậy khả năng sáng tạo

Cập nhật: 12:12 ngày 10/12/2017
Trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đang trở thành xu hướng giáo dục ở nhiều nước trên thế giới. Trong bối cảnh nước ta đang đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì việc vận dụng, học hỏi mô hình tích hợp các môn học nêu trên (STEM) được xem là chìa khóa khơi dậy khả năng vận dụng và sáng tạo cho người học.
{keywords}
Ảnh minh họa Internet.

Có mặt tại ngày hội Robothon quốc gia năm 2017, chúng tôi thấy các em học sinh vô cùng hào hứng khi được tiếp cận với một phương thức giáo dục mới, giáo dục STEM. Học sinh có thể tự thiết kế, chế tạo các rô-bốt đa dạng, cánh tay máy cầm nâng các vật và hiểu được nguyên lý hoạt động của các sản phẩm. Ðây là phương pháp giáo dục mới đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng, qua đó trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học cho học sinh. Các kiến thức, kỹ năng được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành, tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày như: thiết kế đèn thông minh trong nhà, hệ thống tưới cây tự động… Qua tìm hiểu được biết, học sinh được cung cấp một bộ dụng cụ cơ bản, trong đó có một bảng mạch là "trái tim" hoạt động của các sản phẩm. Ðể chế tạo sản phẩm, học sinh buộc phải tìm hiểu về cơ chế hoạt động, lập trình chức năng của sản phẩm. Thông qua việc chủ động lập trình các sản phẩm, học sinh được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao kiến thức về lập trình và chế tạo, giúp các em phát triển năng lực tư duy, công nghệ, làm sản phẩm cá nhân và theo nhóm. Em Nguyễn Gia Linh, học sinh lớp 8A4, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, phương thức học mới này giúp em cảm thấy tự tin, tập trung hơn các bài giảng ở trên lớp. Học sinh có thể phát triển những khả năng của mình, nhất là theo đuổi ước mơ làm những công việc liên quan đến rô-bốt. Nhiều phụ huynh học sinh khi được hỏi cho biết, những học sinh tham gia khóa học STEM đều rất thích những thứ liên quan đến công nghệ, các con tăng khả năng sáng tạo để hoàn thành những công việc về lắp ráp.

Sau một thời gian triển khai giáo dục STEM tại Việt Nam theo hình thức hợp tác công - tư, lãnh đạo Công ty DTT Eduspec cho rằng, những học sinh theo học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn; khả năng sáng tạo, tư duy logic; hiệu suất học tập và làm việc tăng. Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học của STEM là lồng ghép được các bài học khoa học vào những hoạt động thực tiễn, cho nên, học sinh rất hào hứng. Với học sinh phổ thông, việc theo học các môn học STEM còn có ảnh hưởng tích cực tới khả năng lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, học sinh sẽ chủ động, thích thú với việc học tập thay vì thái độ e ngại hoặc tránh né một lĩnh vực nào đó, từ đó sẽ khuyến khích các em có định hướng tốt hơn khi chọn chuyên ngành cho các bậc học cao hơn và sự chắc chắn cho cả sự nghiệp về sau.

Phó Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Tạ Ngọc Trí cho rằng, giáo dục STEM là một trong những xu hướng mà các trường học cần quan tâm để có thể phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Các khóa học về STEM giúp các em có tư duy lập trình, có khả năng vận hành và lắp ráp rô-bốt, nhờ đó học sinh có những kiến thức khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Để thúc đẩy giáo dục STEM, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó, có những giải pháp và nhiệm vụ thực hiện giáo dục STEM. Nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục STEM là định hướng cần tiếp cận bởi thế mạnh trong việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học, tạo phong cách học tập sáng tạo. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh còn có hạn chế về trình độ và năng lực của đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất của các nhà trường; điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương… thì việc triển khai đồng bộ giáo dục STEM lại không hề đơn giản. Các môn học công nghệ liên quan đến rô-bốt cần đầu tư trang, thiết bị đắt tiền, nếu triển khai đại trà cũng không phải làm ngay được. Mặt khác, tại các trường học, chưa có giáo viên STEM mà chỉ có giáo viên về tin học hoặc những giáo viên về khoa học tự nhiên. Ðể có giáo viên tại trường hoặc hình thành các câu lạc bộ về giáo dục STEM cần có thời gian chuẩn bị kỹ càng.

Theo Nhân dân

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...