Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo dục mầm non: Chuyển biến từ những chính sách mới

Cập nhật: 09:08 ngày 03/10/2017
(BGĐT) - Bám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai hợp đồng giáo viên mầm non, xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, khó khăn của bậc học này từng bước được tháo gỡ.
{keywords}

Trẻ vui chơi tại Trường Mầm non tư thục An Lạc, thị trấn Neo (Yên Dũng).

Gỡ nút thắt thiếu đội ngũ

Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 13-7-2017 quy định cơ chế, chính sách hợp đồng GVMN trong trường công lập được ví như "chìa khóa" để ngành giáo dục và các địa phương giải bài toán thiếu đội ngũ. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, TP tham mưu, đề xuất với địa phương bổ sung số giáo viên còn thiếu cho các trường. Trong số 782 chỉ tiêu UBND tỉnh giao, huyện Lạng Giang có nhiều nhất với 189 giáo viên, ít nhất là TP Bắc Giang 6 giáo viên. Trong tháng 8, các địa phương đã tập trung tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ, thủ tục thực hiện theo hướng dẫn của Sở Nội vụ; thông báo công khai trên trang thông tin điện tử và niêm yết tại phòng nội vụ, phòng GD&ĐT các huyện, TP.

Chị Nguyễn Thị Mai (SN 1992), thôn An Long, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) vừa được ký hợp đồng nói: "Năm 2013, tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm T.Ư rồi về dạy hợp đồng ở một trường mầm non gần nhà. Công việc như các giáo viên khác song  lương nhận được chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Được ký hợp lần này, tôi cố gắng làm tốt nhiệm vụ, yên tâm gắn bó với nghề vì các chế độ, phụ cấp hưởng tương đương như giáo viên trong biên chế".

Sau thực hiện Nghị quyết số 19, toàn tỉnh có 6.181 giáo viên, cơ bản đạt tỷ lệ 1,8 giáo viên/lớp mẫu giáo. Một khó khăn đặt ra với các địa phương là vấn đề giải quyết việc làm cho những trường hợp giáo viên học hệ tại chức trước đó đã giao kết hợp đồng lao động. Hiện nay, một số trường sắp xếp, điều động họ đến đảm nhiệm công việc cô nuôi. Đồng thời giới thiệu số giáo viên này đến làm việc tại các trường tư thục.

{keywords}

Cô và trò Trường Mầm non Sao Mai, xã Tam Dị (Lục Nam).

Nhiều giải pháp giảm quá tải

Tổng hợp của Sở Nội vụ, đến nay, 8 huyện, TP đã hợp đồng đủ chỉ tiêu được giao. Huyện Lạng Giang còn thiếu 20 chỉ tiêu, Hiệp Hòa thiếu 5 chỉ tiêu. Các địa phương có phương án sắp xếp giáo viên âm nhạc, mỹ thuật thừa ở bậc tiểu học, THCS sang dạy ở bậc mầm non. Lãnh đạo các phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng trường mầm non phân công người có kinh nghiệm cùng đứng lớp, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giúp giáo viên mới ký hợp đồng phát huy kỹ năng, nghiệp vụ, bắt nhịp ngay với công việc.

Không còn cảnh dạy và học trong không gian chật chội và xuống cấp như trước, năm học này, cô và trò Trường Mầm non Tiền Phong (Yên Dũng) vui mừng khi ngôi trường mới được đưa vào sử dụng. Nhận thấy xây trường là việc làm cấp bách, đáp ứng nhu cầu đưa trẻ đến trường của người dân địa phương và một phần công nhân lao động khu công nghiệp, tháng 4-2016, huyện Yên Dũng tham mưu với UBND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ gần 15 tỷ đồng xây 12 phòng học và các công trình phụ trợ tại khu đất mới thuộc thôn An Thịnh. Theo ông Trần Văn Học, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, đây là công trình có tiến độ xây dựng nhanh, bảo đảm chất lượng.

Được biết, từ năm 2015 đến nay, các địa phương xây mới 332 phòng học (trong đó 257 phòng được ngân sách tỉnh hỗ trợ 75 tỷ đồng theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND và 75 phòng học huy động kinh phí chương trình nông thôn mới, 135, ATK...). Cùng với giải pháp xây dựng trường lớp mầm non công lập, ngành GD&ĐT các địa phương khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường mầm non, nhóm trẻ tư thục để tiếp nhận trẻ dưới 36 tháng tuổi. Ông Võ Thành Công, Trưởng phòng GD&ĐT Lạng Giang cho biết: "Thời gian và thủ tục giảm một nửa so với trước. Sau khi phòng GD&ĐT thẩm định nếu cơ sở đủ điều kiện sẽ đề xuất chủ tịch UBND xã, thị trấn cấp phép cho các nhóm trẻ hoạt động. Hiện Lạng Giang có 14 nhóm trẻ được cấp phép, tăng 8 nhóm so với năm trước; trung bình từ 20-45 trẻ/nhóm". Tổng hợp từ Sở GD&ĐT, số nhóm trẻ tư thục tăng nhanh. Toàn tỉnh có 458 nhóm trẻ và 10 trường mầm non tư thục được cấp phép hoạt động. Ở những nơi như khu đô thị, cụm công nghiệp tập trung đông dân cư, nhóm trẻ tư thục tăng mạnh, cụ thể TP Bắc Giang có 104 nhóm; Việt Yên 90 nhóm...

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD&ĐT) cho biết, qua rà soát, để giảm quá tải, toàn tỉnh còn thiếu 218 phòng học (huyện Lạng Giang thiếu 59 phòng, Lục Nam 35 phòng, Tân Yên 27 phòng, Hiệp Hòa 19 phòng, TP Bắc Giang 15 phòng...). Mới đây, Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT tham mưu với Chính phủ tăng cường cơ sở vật chất bậc mầm non cho Bắc Giang theo Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học (giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình đến năm 2020). Số phòng học hỗ trợ theo kế hoạch là 118 phòng. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí tăng cường cơ sở vật chất theo tinh thần của Nghị quyết số 28. Hiện nay, các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Tân Yên đã quy hoạch, áp dụng chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế để khuyến khích thu hút nguồn xã hội hóa xây trường, lớp tư thục..., phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 không còn phòng học quá tải.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...