Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình thầy trò ở vùng hồ Cấm Sơn

Cập nhật: 08:43 ngày 05/09/2017
(BGĐT) - Việc dạy và học ở các xã đặc biệt khó khăn vùng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầy gian nan do cách trở về địa lý, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của thầy và trò nên chất lượng giáo dục nơi đây từng bước nâng lên.
{keywords}

Cô và trò Trường Tiểu học Hộ Đáp (Lục Ngạn).

Vượt khó bám trường

Chuẩn bị năm học mới 2017-2018, chúng tôi có dịp trở lại Trường Tiểu học Sơn Hải. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 nên buổi sáng hôm ấy trời mưa như trút nước. Cô Nguyễn Thị Thạo, Hiệu trưởng đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện. Năm học này, Trường có 328 học sinh, chủ yếu là dân tộc Nùng. Nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm nên đến nay hệ thống lớp học, phòng chức năng, nhà công vụ được xây dựng kiên cố. Thông qua các nguồn hỗ trợ, Trường đã chuẩn bị hơn 300 bộ sách giáo khoa và hàng nghìn cuốn vở viết cho học sinh. Ở mỗi thôn đều có điểm lẻ nên số học sinh hằng ngày phải đi thuyền qua hồ đến trường không còn nhiều như trước. Hiện nay, nhà trường có 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên, chủ yếu đều ở miền xuôi hoặc các xã gần trung tâm thị trấn Chũ lên công tác. Giáo viên dạy ở khu xa nhất là Đồng Mậm phải đi - về theo tuần, còn những thầy cô khác hằng ngày vẫn vượt đèo, ngồi thuyền để đến lớp.

Từ trụ sở UBND xã Sơn Hải đến thôn Đấp không xa nhưng phải đi thuyền máy mất chừng 20 phút. Điểm lẻ ở đây có 4 lớp với 80 học sinh. Các lớp được trang bị đủ bàn ghế, quạt, đèn chiếu sáng, góc thư viện thân thiện với nhiều loại sách, báo, truyện cổ tích. Kế bên dãy lớp học có hai phòng công vụ với vật dụng sinh hoạt đơn sơ là nơi thầy cô tranh thủ nghỉ tạm sau mỗi buổi dạy. Ở xã Sơn Hải có hơn 54% hộ nghèo do người dân thiếu đất canh tác, một số gia đình phải bám mặt hồ làm nghề đánh bắt thủy sản, thu nhập bấp bênh. Cô giáo Hoàng Thị Quy, nhà ở xã Kiên Thành lên đây dạy học cho biết: "Dù cuộc sống còn thiếu thốn nhưng nhận thức của người dân đã khác trước. Giáo viên không phải đến từng hộ vận động học sinh ra lớp bởi cha mẹ các em đều coi trọng việc học của con em. Học sinh vùng cao coi thầy cô giáo như người thân”.

{keywords}

Cô và trò ở điểm lẻ thôn Đấp, Trường Tiểu học Sơn Hải trên đường đến trường.

Từng bước nâng chất lượng giáo dục

{keywords}

Các xã Cấm Sơn, Hộ Đáp, Tân Sơn, Sơn Hải hiện có 430 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 13 trường mầm non, tiểu học, THCS với 16 điểm lẻ. Hiện nay 8/13 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, đa số các em sau tốt nghiệp THCS tiếp tục học THPT và học nghề".


Bà Trần Thị Minh Sử, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Ngạn

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Hải được UBND tỉnh thành lập năm 2014 trên cơ sở phát triển từ Trường THCS Sơn Hải. Có cơ sở mới, học sinh không phải gồng mình chèo thuyền trên lòng hồ mênh mông sóng nước, thay vào đó các em được ăn nghỉ tại trường. Năm học này, Trường có 312 học sinh thì 178 em đăng ký ở bán trú. Em Lâm Văn Cảnh, lớp 9C nói: “Ở đây sinh hoạt thuận tiện vì khu bán trú nằm trong khuôn viên của trường; phòng ở xây dựng khép kín, sạch sẽ. Vì vậy, em và các bạn yên tâm học tập”. Sau thời gian nghỉ hè, nhà trường đã sớm tập trung giáo viên và học sinh để ổn định tổ chức. Thầy và trò nơi đây đang nỗ lực thi đua giữ vững chất lượng. Được biết, năm học trước, Trường giành 58 giải trong các cuộc thi học sinh giỏi; thi văn nghệ, thể dục, thể thao, xếp thứ hai trong cụm thi đua 12 trường trên đèo.

Việc dạy và học ở vùng hồ Cấm Sơn gian khó nhưng luôn thắm tình thầy trò. Thầy cô không chỉ dạy kiến thức trong sách vở mà còn dành cho các em tình yêu thương, kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn. Lúc ở Trường Tiểu học Sơn Hải, chúng tôi được nghe cô Thạo kể về trường hợp em Vi Tuấn Khanh, lớp 4A ở điểm lẻ Cầu Sắt. Mẹ của Khanh bị liệt, nhà rất nghèo. Hai năm qua các thầy cô giáo Trường Tiểu học Sơn Hải đã tiết kiệm một phần chi tiêu nhận đỡ đầu với số tiền 200 nghìn đồng/tháng; ngoài ra còn tặng nhiều sách vở, quần áo, giày dép... động viên Khanh học tập. Cũng xuất phát từ tình cảm quý mến với những con người chân chất, mộc mạc, hiền lành ở vùng hồ Cấm Sơn mà nhiều giáo viên miền xuôi lên dạy học đã coi đây là quê hương thứ hai để xây dựng tổ ấm như vợ chồng thầy Đoàn Văn Sơn - cô Đinh Thị The (Trường Tiểu học Hộ Đáp); thầy Nguyễn Văn Viết - cô Nguyễn Thị Quyên (Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Sơn Hải)...

Khi đến Trường Tiểu học Hộ Đáp, ngay vị trí trung tâm có khẩu hiệu: "Thầy cô là bầu trời, các em là ngôi sao nhỏ", "Hãy lắng nghe và nói lời yêu thương với học sinh". Cô Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hộ Đáp cho hay: "Đa số học sinh dân tộc, có em nhận thức hạn chế, việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Do vậy, cùng với thực hiện các phong trào thi đua của toàn ngành, khẩu hiệu trên là sự nhắc nhở thầy cô giáo gần gũi, yêu thương, bao dung, che chở, lắng nghe và chia sẻ với học sinh nhiều hơn, từ đó thấu hiểu những khó khăn cũng như nguyện vọng để trang bị kiến thức, kỹ năng giúp các em học tập tốt”.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...