Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Giáo dục
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh chỉ đạo: Chủ động rà soát cơ sở vật chất, ổn định đội ngũ đón năm học mới

Cập nhật: 22:30 ngày 15/08/2017
(BGĐT) - Ngày 15-8, đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới 2017-2018 tại các trường: THPT Hiệp Hòa số 1, THCS Danh Thắng (Hiệp Hòa), THPT Việt Yên số 2, THCS Tự Lạn, Mầm non Âu Cơ cơ sở 2 (Việt Yên). Cùng đi có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên.
{keywords}

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường THCS Tự Lạn (Việt Yên).

Tăng cường cơ sở vật chất

So với các địa phương khác, Hiệp Hòa và Việt Yên có quy mô học sinh đông, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy ở một số trường xuống cấp, chưa đồng bộ. Chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Sở GD&ĐT, UBND các huyện chỉ đạo trường học trên địa bàn chủ động rà soát, đáp ứng điều kiện dạy và học. Báo cáo đoàn công tác, thầy giáo Nguyễn Hồng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa số 1 cho biết, bằng nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa gần 750 triệu đồng, trường vừa mua bổ sung 66 bộ bàn ghế, 22 máy tính phục vụ công tác quản lý, giảng dạy; làm thêm 500m2 nhà để xe học sinh. Hiện trường đã tuyển đủ 480 học sinh lớp 10 và tổ chức nhập học cho các em theo kế hoạch. 

Đến Trường THCS Tự Lạn (Việt Yên), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác vui mừng khi thấy khuôn viên khang trang, sạch đẹp. Từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, trường được đầu tư xây mới 4 phòng học, 4 phòng chức năng, trị giá 5 tỷ đồng. Số phòng mới hoàn thiện sẽ khắc phục tình trạng thiếu lớp học của những năm trước. Được biết, năm học vừa qua, 100% học sinh lớp 9 của trường thi đỗ vào lớp 10 THPT công lập; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi có nhiều chuyển biến, đứng thứ 12/19 trường THCS toàn huyện, tăng 4 bậc. Cơ sở vật chất được tăng cường, thầy và trò nhà trường hy vọng năm học tới chất lượng giáo dục sẽ đạt thành tích cao hơn.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, tháng 4-2016, Trường Mầm non Âu Cơ cơ sở 2, thôn Ninh Khánh, thị trấn Nếnh được khởi công, quy mô 1 ha, tổng kinh phí 40 tỷ đồng. Trong đó, địa phương hỗ trợ mặt bằng, ngân sách tỉnh và huyện hỗ trợ 3,5 tỷ đồng, còn lại do tư nhân đầu tư. Đến nay, trường có 12 giáo viên hợp đồng; năm học này đưa vào sử dụng 10 phòng học, mỗi phòng rộng 135 m2 theo tiêu chuẩn hiện đại. Từ ngày 12 đến 15-8, trường đã đón gần 100 trẻ, chủ yếu là con em công nhân khu công nghiệp từ 1 - 5 tuổi. 

Tiếp tục khắc phục khó khăn, bảo đảm chất lượng giáo dục

Qua kiểm tra thực tế tại hai huyện cho thấy, bên cạnh những thuận lợi và công tác chuẩn bị chu đáo, ở một số nhà trường vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Đơn cử như ở Trường THCS Danh Thắng năm học 2017 -2018 có 14 lớp, 524 học sinh nhưng mới có 31 cán bộ, giáo viên. Còn thiếu ba giáo viên các môn mới đủ theo quy định. Toàn bộ phòng học là nhà cấp 4, xây dựng từ nhiều năm nên xuống cấp nghiêm trọng. Những ngày qua tại địa phương xảy ra mưa lớn, nhiều phòng học bị dột, ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Mỗi lớp trung bình từ 40-44 học sinh trong khi diện tích phòng học chỉ hơn 30 m2. 

{keywords}

Học sinh Trường THCS Danh Thắng (Hiệp Hòa) vệ sinh khuôn viên sân trường chuẩn bị đón năm học mới. 

Ở Trường THPT Hiệp Hòa số 1, do thành lập từ năm 1961, không có quy hoạch tổng thể nên đến nay, vị trí không còn phù hợp về cảnh quan sư phạm. Dãy nhà lớp học ba tầng gồm 15 phòng xây từ năm 1994 xuống cấp; nhà hiệu bộ chật chội; nền sân thấp hơn mặt quốc lộ 37 nên mỗi khi mưa xuống bị ngập úng; tường rào, cổng trường nằm trong hành lang mở rộng đường tới đây phải giải tỏa.

Tại những nơi đến kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Linh biểu dương các nhà trường có nhiều cố gắng huy động kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đồng chí khẳng định, UBND tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng trường mầm non tư thục, góp phần khắc phục tình trạng quá tải học sinh và thiếu giáo viên ở cơ sở công lập, đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp. 

Trước những khó khăn của một số nhà trường, đồng chí yêu cầu địa phương rà soát, xác định lại tổng thể diện tích mặt bằng, đề xuất phương án cải tạo, xây mới phù hợp. Sở GD&ĐT, các huyện, nhà trường tiếp tục quan tâm chuẩn bị các điều kiện, sớm ổn định đội ngũ giáo viên sau tuyển dụng, có phương án hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn để các em được đến trường; quản lý chặt chẽ chương trình giáo dục, chất lượng chăm sóc trẻ trong các cơ sở mầm non tư thục trên địa bàn. 

                                                                               Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...