Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Di tích thờ đức thánh Dương Tự Minh vùng thượng nguồn sông Cầu

Cập nhật: 07:00 ngày 23/11/2019
(BGĐT)- Đình Hoàng Lại xưa thuộc xã Hoằng Lại, tổng Hoàng Vân, nay là xã Hoàng Thanh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang nằm trong hệ thống di tích vùng thượng nguồn sông Cầu ở miền Đông Bắc thờ vị tướng dưới thời Lý có công đánh đuổi quân xâm lược Tống bảo vệ đất nước, đó là Dương Tự Minh. Ông được các triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong là Cao Sơn Quý Minh đại vương thượng đẳng Thần. 

Theo sách Đại Nam nhất thống chí và các tài liệu cho thấy Dương Tự Minh là thủ lĩnh người dân tộc Tày, quê ở Quan Triều, phủ Phú Lương, nay là phường Quan Triều thuộc thành phố Thái Nguyên. 

Ông là người thông minh chăm chỉ và hiếu nghĩa. Ông sinh ra và lớn lên sau sự kiện quân và dân Đại Việt chủ động tấn công tiêu diệt nhiều căn cứ quân xâm lược năm 1075 và đánh thắng mấy vạn quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1076.

{keywords}

Lễ tuyên sắc tại đình làng Hoàng Lại ngày sự lệ 9-10 Âm lịch năm 2019.

Dưới triều Lý, ông được triều đình cho làm thủ lĩnh phủ Phú Lương cai quản một vùng đất rộng lớn, nơi sinh sống của nhiều dân tộc, có một vị trí chiến lược quan trọng trong công cuộc bảo vệ biên cương đất nước. Phủ Phú Lương dưới thời Lý là vùng đất rộng lớn gồm tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, một phần Hà Nội và Bắc Giang ngày nay. Do có tài năng và nhiều công lao, năm 1127 nhà Lý gả công chúa Diên Bình cho Dương Tự Minh.

Năm Đại Định thứ 4 (1143), Dương Tự Minh được triều đình giao cai quản các vùng đất dọc biên giới về đường bộ. Trong cương vị Thủ lĩnh phủ Phú Lương, Dương Tự Minh có công tiêu diệt bọn tham quan bảo vệ ngai vàng cho triều đình nhà Lý. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và một số tài liệu ghi lại: “Để ghi công, năm 1144, nhà Lý lại gả công chúa thứ hai là Thiều Dung cho Dương Tự Minh và phong ông là Phò Mã Đô úy”.

Tháng 8 năm đó, bọn giặc Tống do Đàm Hữu Lượng cầm đầu kéo sang đánh chiếm châu Quảng Uyên, phủ Phú Lương. Triều đình cử Dương Tự Minh, các quan văn Nguyễn Nhữ Mai, Lý Nghĩa Vinh mang quân đánh dẹp. Quân của Dương Tự Minh chiếm lại ải Lũng Đồ, châu Thông Nông, bắt sống cả chỉ huy và binh lính giặc. Đàm Hữu Lượng và tàn quân chạy về đất Tống.

Gần 30 năm làm quan dưới 3 đời vua Lý, Dương Tự Minh đã có nhiều công lao trong việc giữ yên vùng biên cương phía Bắc Đại Việt. Với bản tính ngay thẳng, trung thực và nghĩa hiệp, Dương Tự Minh là người đứng trong hàng ngũ các thân Vương, tướng lĩnh nội điện do Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái đứng đầu để tiêu diệt quyền thần Thái úy phụ chính Đỗ Anh Vũ năm 1150.

Việc không thành, Đỗ Anh Vũ sau được phục chức nên tìm cách tiêu diệt những ai chống lại mình. Dương Tự Minh bị lưu đày ở vùng Điểm Sơn (núi Đuổm nay thuộc Phú Lương, Thái Nguyên) và mất ở đó.

Là nhân vật lịch sử có nhiều công lao với dân với nước, sau khi mất ông được nhiều triều đại phong kiến Việt Nam ban sắc phong là Thượng đẳng thần. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng vùng thượng nguồn sông Cầu trong đó có vùng đất Hiệp Hòa (Bắc Giang) mãi mãi khắc ghi hình ảnh vị thủ lĩnh hết lòng vì nước nên đã xây dựng đình đền thờ phụng. 

Đình Hoàng Lại, xã Hoàng Thanh, huyện hiệp Hòa là một trong những di tích thuộc vùng thượng nguồn sông Cầu thờ Dương Tự Minh. Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm tòa tiền đình nối tòa hậu cung. Trong đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ gắn liền với nhân vật lịch sử Dương Tự Minh đó là ngai thờ, bài vị khắc tên nhân vật được thờ tại đình, bát hương, kiếm gỗ, 2 đạo sắc phong dưới thời Nguyễn. 

Hằng năm nhân dân địa phương mở hội vào ngày 6 tháng Giêng và ngày 9 tháng 10 Âm lịch tại đình Hoàng Lại để tưởng nhớ vị thủ lĩnh tài ba Dương Tự Minh.

Lên núi Gốm thăm đền Cao Sơn
(BGĐT) - Một trong những di tích được tài liệu xưa nhắc tới và giới chuyên môn quan tâm là ngôi đền thờ thần Cao Sơn trên đỉnh núi Gốm thuộc huyện Lục Nam. Núi Gốm xưa còn gọi núi Cô, được viết trong Sách Lục Nam địa chí như sau: “Núi Cô nằm ở phía đông nam xã Cương Sơn. Có đỉnh bằng phẳng đứng trơ trọi một mình. Một mặt như hình voi phục. Trên núi có đền thờ thần Cao Sơn, khi trời cao mây tạnh lên đây cầu đảo rất ứng nghiệm”. 
Tấp nập chợ Tết vùng cao Sơn Động
(BGĐT)- Đối với người dân An Châu, huyện Sơn Động (Bắc Giang), ngày 26 (âm lịch) tháng Chạp là phiên chợ Tết cuối cùng của năm. Không khí xuân tràn ngập, bà con khắp nơi đổ về khiến cho phiên chợ cuối năm ở vùng cao Sơn Động trở nên tấp nập hơn bao giờ hết.
Tục thờ Thần Nông
(BGĐT) - Bắc Giang, vùng đất trung du miền núi nhưng có nền sản xuất nông nghiệp từ lâu đời. Trong đời sống văn hóa tinh thần, cư dân nông nghiệp còn lưu giữ nhiều hình thái tín ngưỡng thờ Thần Nông cổ sơ.

Đồng Ngọc Dưỡng 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...