Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Tư liệu Bắc Giang
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ba anh em họ Dương ở đất Vân Cầu

Cập nhật: 14:36 ngày 14/12/2018
(BGĐT)- Dưới thời nhà Mạc, dòng họ Dương ở vùng đất Vân Cầu, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được phong 18 vị Quận công. Gia phả họ Dương ở Tân Yên còn ghi: “Dương phả chân truyền sơn Cốc mộ/Nhất gia thập bát vị Quận công”. Thượng tổ là Quận công Dương Quốc Nghĩa, con trai là Quận công Dương Quốc Minh, Dương Hùng Lượng và Dương Hồng Lương đã có nhiều công lao với dân với nước. 

Do có nhiều công lao dẹp giặc giúp vương triều Mạc, sau khi mất nhà Vua đã ban sắc phong cho Dương Hùng Lượng là Nhất phẩm Quận công. Để ghi nhớ vị thượng tổ và những chiến công của ông, nhân dân ở làng Dinh, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ xưa đã lập đền tôn thờ ông. Ngôi đền được khởi dựng từ thời nhà Mạc, ngay sau khi Quận công Dương Hùng Lượng mất. Hiện nay đền thờ Dương Hùng Lượng tọa lạc ở thôn Dinh, xã Cao Xá.

{keywords}

Đình Lợ - nơi thờ 18 vị Quận công họ Dương ở Song Vân (Tân Yên).

Vùng đất Vân Cầu còn lưu chuyện kể dân gian về ba anh em họ Dương với nhiều tình tiết hấp dẫn: Ba anh em họ Dương vốn nhà nghèo, bố mẹ mất sớm phải đi ở, mỗi người một nơi. Lớn lên ba anh em đều có sức khỏe phi thường, ham tập võ nghệ, giỏi đường cung kiếm. Người anh cả là Dương Quốc Minh ở Vân Cầu (Song Vân) người em thứ hai là Dương Hùng Lượng ở làng Dinh, xã Ngô Xá, tổng Yên Lễ (Cao Xá), người em thứ ba là Dương Hồng Lương ở làng Châu (Lam Cốt). Một hôm, lý trưởng làng Vân Cầu đến bảo người anh cả là Dương Quốc Minh đi gánh tiền về miền hạ Kinh Bắc đổ thuế cho triều Mạc, gánh đến nơi đổ thuế xong bỗng nghe tiếng loa của quan trường gần đấy gọi các nhân tài vào thi võ, thi cung kiếm. Dương Quốc Minh bèn vào trường xin thi môn bắn cung. Quan trường giao cung tên, giao ngựa cho Dương Quốc Minh. Cầm cương nhảy phắt lên ngựa, đeo cung lên, giật cương cho ngựa phi ba vòng sân bãi. Vừa cưỡi ngựa dương cung bắn liền ba phát đều trúng mục tiêu, ba mũi tên bắn đứt dây, ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu rơi ngay xuống đất, tiếng hò reo cổ vũ khắp xạ trường nổi lên như sấm, quan trường chấm cho Dương Quốc Minh được đậu.

Dương Quốc Minh bảo với quan trường rằng: “Tôi có em thứ hai còn bắn giỏi hơn tôi”. Quan trường mừng rỡ sai lính lên ngựa phi ngay về làng Dinh- Yên Lễ đón Dương Hùng Lượng vào trường thi. Hùng Lượng cầm cương, lên ngựa, phi ba vòng sân bãi, đến nơi, giật cương cho ngựa chồm lên, giương cung bắn liền ba phát, cả ba chiếc áo cẩm bào từ trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hùng Lượng được đậu. Dương Quốc Minh lại bảo với quan trường: “Tôi có người em còn bắn giỏi hơn nữa”. Quan trường lại cho lính phi ngựa về tận làng Châu (Lam Cốt) đón Dương Hồng Lương về trường thi ngay. Hồng Lương cầm cung tên, không cưỡi ngựa chạy như bay qua vòng sân bãi, đến chỗ bắn còn nhảy lộn một vòng, vừa đặt chân xuống đất, Dương Hồng Lương bắn liền ba phát ba chiếc áo cẩm bào treo trên cành dương liễu lại rơi ngay xuống đất. Quan trường lại chấm cho Dương Hồng Lương được đậu.

Cả ba anh em họ Dương đều lấy vợ ở làng Nội Duệ - Cầu Lim- Bắc Ninh. Vua Mạc ra sắc chỉ phong cho ba anh em họ Dương chức Quận công. Người anh cả Dương Quốc Minh kéo quân về đình Vồng, Vân Cầu- Song Vân xây thành đắp lũy phòng chống giặc. Người em Dương Hùng Lượng mang quân về làng Dinh, Ngô Xá lập doanh trại, luyện quân. Người em thứ ba Dương Hồng Lương mang quân lên vùng Đu Đuổm-Thái Nguyên xây dựng phòng tuyến ngăn quân giặc không cho chúng tràn về Thăng Long.

Vào một ngày quân giặc kéo đến khắp vùng. Cả ba anh em họ Dương mang quân ra đánh trận, hạ được nhiều giặc. Vào một ngày khác, quân giặc kéo đến đông gấp bội, cả ba anh em họ Dương chống đánh quyết liệt, nhưng bị thua. Thế giặc càng to, quân ta thì ít. Ba anh em họ Dương chạy về đình Vồng, Vân Cầu (Song Vân) đều nhảy xuống giếng tự vẫn để bảo toàn danh tiết. Ba bà vợ nghe tin chồng đã tự vẫn, thương tiếc quá, cả ba bà đều nhảy xuống giếng trước cửa đình Vồng tự vẫn theo, giữ tròn bốn chữ: Trung, trinh, tiết, nghĩa.

Từ đó, làng Vân Cầu, xã Song Vân và làng Dinh xã Cao Xá (Tân Yên) đều lập đền thờ các vị Quận công cùng phu nhân. Câu ca: “Trai Cầu Vồng Yên Thế-gái Nội Duệ cầu Lim” đi vào huyền thoại lịch sử cũng từ tích chuyện trên.

Vân Cầu - nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất
(BGĐT) - Đã qua 18 kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, đến nay, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn không quên địa điểm tổ chức Đại hội lần thứ nhất diễn ra tại làng Vân Cầu, xã Hồng Kiều, huyện Yên Thế (nay là xã Song Vân, huyện Tân Yên).
 
Tân Yên khai hội đình Vồng
(BGĐT) - Ngày 22-2 (15 tháng Giêng), tại Khu di tích đình, chùa Vồng, xã Song Vân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) diễn ra Lễ khai hội và đón nhận Bằng công nhận Lễ hội đình Vồng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. 
 

Quốc Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...