Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Công bố kết quả khảo sát dịch vụ khách sạn tại Việt Nam năm 2018

Cập nhật: 16:38 ngày 10/07/2018
Ngày 10-7, tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam tổ chức họp báo công bố kết quả cuộc khảo sát ngành dịch vụ khách sạn năm 2018. Đây là lần thứ 15 liên tiếp Grant Thornton thực hiện thành công công trình nghiên cứu toàn diện duy nhất về các khách sạn và khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Việt Nam. 
{keywords}

Việc khảo sát cho thấy doanh thu trên số phòng sẵn có (RevPar) của các khách sạn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ khác nhau cho từng hạng khách sạn. Ảnh minh họa Internet.

Bản khảo sát năm nay tiếp tục tập trung vào các khách sạn 4 sao và 5 sao, trong đó đưa ra số liệu về các vấn đề liên quan như: Giá phòng bình quân, doanh thu trên số phòng sẵn có theo xếp hạng sao, công suất phòng bình quân, chi phí và lợi nhuận trên doanh thu, tỷ trọng khách sạn tích hợp công nghệ vào dịch vụ…

Năm 2017, ngành du lịch Việt Nam có sự tăng trưởng số lượng khách du lịch. Cụ thể, tổng lượng khách du lịch đạt 86 triệu lượt, tăng 19% so với năm 2016. Vì vậy, lĩnh vực dịch vụ khách sạn tại Việt Nam thu hút một lượng đầu tư lớn. 

Phân tích về giá phòng bình quân xét trên 2 khía cạnh xếp hạng sao và theo khu vực cho thấy, giá phòng bình quân cho khách sạn 4 sao năm 2017 tiếp tục tăng nhẹ lên 75,2 USD, tương đương với mức tăng trưởng 1%. Khách sạn 5 sao có giá phòng phục hồi sau sự sụt giảm năm 2016, đạt 107,6 USD, tương ứng tăng khoảng 4,2%. 

Bên cạnh đó, doanh thu trên số phòng sẵn có (RevPar) của các khách sạn tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ khác nhau cho từng hạng khách sạn. Cụ thể, khách sạn 4 sao có tốc độ thấp hơn năm 2016 với tỷ lệ 7,6%, trong khi đó khách sạn 5 sao tăng nhanh hơn năm 2016 với tỷ lệ 10,2%. 

Trong bản khảo sát cũng đề cập mục đích lưu trú của khách du lịch, khách nghỉ dưỡng và khách đoàn chiếm tỷ trọng cao nhất trong số khách ở tại các khách sạn cao cấp, với tỷ trọng tổng cộng 60%. Khách doanh nghiệp tăng nhẹ với mức 0,5% trong năm 2017.

Cùng đó, cấu trúc các kênh đặt phòng năm 2017 không đổi so với năm 2016. Kênh các công ty lữ hành và nhà điều hành tour là kênh đặt phòng lớn nhất đối với các khách sạn 4 và 5 sao, với tỷ trọng khoảng 33% mỗi kênh. Trong khi hình thức đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến (OTA) chỉ tăng 1%.

Đánh giá tiềm năng phát triển ngành du lịch nói chung và dịch vụ khách sạn tại Việt Nam nói riêng, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam nhận định, chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng và triển khai các chính sách phát triển ngành du lịch nhằm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng phát triển du lịch. Ông Kenneth Atkinson tin tưởng ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. 

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2017, Việt Nam có hơn 25.600 cơ sở lưu trú với tổng số 508.000 phòng, tăng hơn 7% so với năm 2016; trong đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch 3-5 sao là hơn 880 cơ sở (giai đoạn năm 2013-2017) với tổng số phòng là 104.000.

Hiện ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu trong số các nước Đông Nam Á. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh thứ 6 thế giới và nhanh nhất châu Á trong vai trò là một điểm đến du lịch.

 Theo TTXVN

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...