Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Trong nước - Quốc tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Năm 2017, ngành du lịch hướng tới phát triển bền vững, hiệu quả

Cập nhật: 21:18 ngày 21/01/2017
Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đạt được những thành tích ấn tượng: Lần đầu tiên đạt mốc 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng tuyệt đối kỷ lục 2 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng... Nhưng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mục tiêu của chúng ta đến năm 2020 là phải đón 18-20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp cho GDP hơn 10%.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tuấn.

Muốn vậy, Việt Nam phải duy trì đà tăng trưởng với số lượng khách quốc tế hằng năm tăng trên dưới 2 triệu lượt... Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã chia sẻ về hướng đi của ngành trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Ông cho biết những thành quả chúng ta đạt được trong năm 2016 nói lên điều gì?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Chúng ta đã kết thúc năm 2016 với những con số đáng mừng. Tuy nhiên, điều này đặt ra cho chúng tôi những áp lực và thách thức trong việc duy trì đà tăng trưởng này cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Trước tiên, phải nhìn nhận rằng, con số tăng trưởng đó đạt được sau thời gian hai năm sụt giảm. Dù phải đối mặt với một số sự cố nhưng đổi lại, năm qua là năm thuận lợi với ngành du lịch vì nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... và sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đó là định hướng mang tính chất chiến lược, là nhân tố quyết định để bảo đảm cho du lịch phát triển đồng bộ. Điều đó cho thấy, từ nhận thức đã biến thành quyết tâm chính trị. Từ quyết tâm chính trị sẽ có chính sách. Từ chính sách cộng với hành động của các cấp, các ngành sẽ tạo ra sự cộng hưởng mang tính đột phá.

Thêm vào đó, con số 10 triệu khách du lịch quốc tế là thành tích tốt của Việt Nam nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a… thì rõ ràng thành tựu này còn thua kém. Chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa để duy trì và đạt tốc độ tăng trưởng như trong thời gian qua.

PV: Thưa ông, bên cạnh những thuận lợi, khó có thể tránh được những khó khăn. Vậy Tổng cục Du lịch xác định những khó khăn của ngành là gì?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Thời gian qua, ngành du lịch có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: Bất ổn trong khu vực; cạnh tranh giữa các nước; tác động của các yếu tố bất thường như thiên tai, dịch bệnh; nguồn nhân lực chưa được cải thiện đáng kể…

Riêng Tổng cục Du lịch thuận lợi vì nằm trong bộ đa ngành, được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo trực tiếp và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có cái khó là địa vị pháp lý và vị trí trong cấu trúc hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, quyền hạn còn hạn chế. Vì thế, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ, kể cả chi thường xuyên, chi quảng bá xúc tiến du lịch và thực hiện các mục tiêu trong chương trình hành động quốc gia còn hạn chế. So với các nước trong khu vực, số tiền ta bỏ ra làm du lịch chỉ bằng 2-5% nên nhiều việc chúng ta không thể làm được như họ. Chúng tôi phải tìm các cách để linh hoạt, đặc biệt là tận dụng sự phối hợp và hỗ trợ của các đối tác, của các cơ quan liên quan…

2016 là năm có khối lượng công việc khổng lồ như: Chuẩn bị hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch; Luật Du lịch sửa đổi; hồ sơ đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện hàng loạt quy hoạch, đề án... Phát huy vai trò chủ động và sự năng động, sáng tạo, ngành du lịch đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, chúng tôi đã đoàn kết, gắn bó, nỗ lực để duy trì nền nếp sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm khá cao. Những năm gần đây, bộ máy Tổng cục Du lịch đã trưởng thành, hoạt động chuyên nghiệp hơn và bước đầu phát huy tinh thần, trách nhiệm và sự năng động của mình.

PV: Vậy mục tiêu của ngành du lịch thời gian tới là gì? Chúng ta phải làm như thế nào để du lịch Việt Nam cất cánh, tiếp tục đạt được những thành tích ấn tượng, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tuấn: Thị trường trọng điểm của Việt Nam trong năm 2017 vẫn tiếp tục hướng tới Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á… Năm 2017, chúng tôi xây dựng kế hoạch 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu là 460.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng kết quả thực tế sẽ vượt qua kế hoạch đề ra. Đề ra khiêm tốn nhưng sẽ nỗ lực tối đa để đạt được sự tăng trưởng tốt nhất có thể. Cùng với sự tăng trưởng số lượng, chúng ta vẫn coi trọng công tác quản lý để mục tiêu cuối cùng của du lịch là thu được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Như thế chúng ta mới bảo đảm hiệu quả và sự bền vững của quá trình phát triển.

Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, những chính sách, quyết tâm chính trị sẽ chuyển hóa thành những kết quả cụ thể để tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Đột phá chính mà chúng ta cần có lúc này là đột phá về chính sách. Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét tăng kinh phí từ các nguồn dự phòng chi cho các hoạt động quảng bá xúc tiến. Chúng tôi cũng cố gắng tận dụng những nguồn lực, sự phối hợp hỗ trợ của các bên được hưởng lợi liên quan như cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương, hiệp hội du lịch…  Đó là các đối tác mà chúng tôi cho rằng cần phải tăng cường để triển khai phương châm xã hội hóa mà bước đầu đã có những hiệu quả rất tốt.

Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách là vấn đề then chốt. Chúng ta có khách nhưng phải bảo đảm để khi khách đến, họ thấy một Việt Nam ổn định, an toàn, thân thiện. Ở Việt Nam, đó đây vẫn xảy ra trộm cắp, chèo kéo, cướp giật. Thường khi hài lòng, du khách ít bộc lộ hay chỉ chia sẻ với số ít người. Nhưng khi có gì đó không vừa ý, dù chỉ là những sự vụ cá biệt thì phản ứng của khách sẽ tiêu cực và lập tức lan tỏa rất nhanh. Chúng ta cần phải thấy được tác động tệ hại của vấn đề này. Chúng ta có sản phẩm tốt, chúng ta quảng bá xúc tiến cho khách du lịch đến rồi nhưng họ đến rồi phải hài lòng, yên tâm… Đó là hoạt động xúc tiến tốt nhất, xúc tiến tại chỗ bằng sản phẩm, bằng ứng xử và chất lượng.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo QĐND

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...