Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 23 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Phong tục tập quán
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghệ nhân gìn giữ điệu hát sình ca

Cập nhật: 09:14 ngày 19/10/2018
(BGĐT)- Bản Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào dân tộc Cao Lan. Nơi đây có những nghệ nhân gần trọn cuộc đời gìn giữ điệu hát sình ca của dân tộc mình, tiêu biểu là Nghệ nhân ưu tú Bàng Thị Hội.

Sinh ra tại Đèo Gia, tuổi thơ của bà Hội đã gắn bó với những điệu hát sình ca đằm thắm trữ tình. Những vần thơ trong lối hát ca ngợi cảnh sắc quê hương, tình yêu đất nước, con người đã gieo vào tâm hồn bà lúc nào không hay. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng nghệ nhân còn thuộc nhiều bài hát với những thể loại khác nhau như: Sình ca Thsăn lèn (hát năm mới), sình ca Thsao bạo (hát đối đáp hay hát giao duyên), sình ca Ý, sình ca Kên lau (hát đám cưới), sình ca Tò tàn (hát đố)…

{keywords}

Nghệ nhân ưu tú Bàng Thị Hội (trái) tại lớp truyền dạy hát dân ca Cao Lan cho thanh, thiếu niên địa phương.

Bà Hội chia sẻ: “Đã là người Cao Lan thì phải biết hát dân ca của dân tộc mình chứ. Từ khi còn nhỏ tôi đã được nghe bà, mẹ hát những làn điệu dân ca nên say mê từ đó. Ngày xuân, ngày hội hay khi đi nương rẫy tôi đều theo bà, theo mẹ và lắng nghe để học hát. Đến năm 13 tuổi tôi tham gia vào đội văn nghệ của bản thường đi hát sình ca. Năm 17 tuổi đi hát giao duyên cùng các anh chị trong bản và đi hát trong các đám cưới của người Cao Lan”.

Xưa kia hát trong đám cưới của đồng bào Cao Lan là một phong tục được duy trì gần như bắt buộc. Trai gái lấy vợ, lấy chồng, ngày cưới thường có hát sình ca Kên láu để chúc mừng hạnh phúc. Những bài hát trong ngày cưới thường kể về công ơn cha mẹ, chúc mừng hạnh phúc, dặn dò cách đối nhân xử thế của cô dâu và chú rể đối với hai bên gia đình và hát giao duyên. Đám cưới mà không có sình ca thì không gọi là đám cưới. Từ khi đón dâu đến lúc đưa dâu về nhà chồng thường phải qua hai đêm hát. Khi đón dâu, nhà trai phải hát một số bài thì nhà gái mới cho vào nhà.

Là người thuộc nhiều điệu hát sình ca Cao Lan, trước những năm 1970, bà Hội luôn dẫn đầu nhóm bạn đi hát trong các đám cưới. Mỗi khi đi hát bà thường khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc Cao Lan. Cùng với việc hát giao lưu học hỏi, nghệ nhân còn không ngừng tìm tòi, sưu tầm và đặt lời cho những câu hát mới dựa trên lời cổ với nhiều hình thức hát khác nhau.

Vì yêu thích những làn điệu dân ca của dân tộc mình mà bà Hội luôn ghi chép cẩn thận những bài hát. Cuốn sách cũ bạc màu được bà ghi chép hàng chục bài hát dân ca Cao Lan. Không chỉ thuộc nhiều điệu hát sình ca, bà còn mong muốn để những câu hát sình ca không bị mất đi mà còn được lưu truyền cho con cháu mai sau.

Được sự tín nhiệm của địa phương, nhiều năm bà Hội tham gia thi hát dân ca trong Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang đều đạt thành tích cao như: Giải Nhì cuộc thi hát dân ca các dân tộc thiểu số huyện Lục Ngạn lần thứ nhất năm 1996. Giải Ba cuộc thi hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang năm 2000.

Trong những năm qua, nghệ nhân không tiếc công sức của mình để truyền lại cho các thế hệ trẻ trong bản những làn điệu sình ca. Năm 2005, bà truyền dạy cho các cháu 14,15 tuổi trong bản biết hát sình ca. Năm 2015, bà cùng nghệ nhân Đàm Quang Lộc truyền dạy cho lớp học hát dân ca Cao Lan mở tại Đèo Gia với hơn 20 học viên là con em trong xã. Nhiều học trò của bà đã gặt hái thành công trong các cuộc thi, liên hoan hát dân ca của huyện và tỉnh, tiêu biểu có em Đàm Thị Hiền, một giọng hát dân ca Cao Lan triển vọng trong bản. Đến nay mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu song với niềm đam mê, bà vẫn luôn cùng con cháu tập lại những câu hát sình ca mới sưu tầm được để bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc.

Với những đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc Cao Lan, năm 2015, bà Bàng Thị Hội vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Chung tay giữ gìn sình ca
(BGĐT) - Là một  hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian không thể thiếu được trong các ngày lễ hội, làn điệu sình ca được đồng bào dân tộc Cao Lan tại xã An Bá, huyện Sơn Động (Bắc Giang) gìn giữ, trở thành “báu vật” gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng.
 
Người Cao Lan giữ nghề làm giấy dó
(BGĐT) - Khe Nghè là một bản nhỏ nằm giữa những dãy núi điệp trùng bên sườn Tây Yên Tử, thuộc xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Dân cư nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Cao Lan. Vốn sống tự cung, tự cấp nên người dân giỏi nhiều nghề, trong đó có nghề làm giấy dó.
 
Truyền dạy hát dân ca Cao Lan
(BGĐT) - Bảo tàng tỉnh Bắc Giang vừa phối hợp với huyện Lục Ngạn mở lớp truyền dạy kỹ năng hát dân ca Cao Lan cho 22 học viên ở các thôn: Thung, Đèo Gia, Cống Luộc (xã Đèo Gia).
 

Quốc Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...