Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang nỗ lực xóa "vùng trắng" trên bản đồ du lịch quốc gia - Kỳ 2: Huy động nguồn lực, tạo bước đột phá

Cập nhật: 17:15 ngày 29/12/2020
Có cơ chế thu hút các nhà đầu tư giàu tiềm lực; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông; đa dạng hình thức quảng bá… là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch Bắc Giang phát triển. 

Cần tạo sức hấp dẫn, mới lạ cho du lịch Bắc Giang

Nhìn lại 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 44 của BTV Tỉnh ủy, bức tranh du lịch Bắc Giang có nhiều gam màu tươi mới. Du lịch Bắc Giang được ví như "nàng công chúa ngủ quên vừa được đánh thức". 

Đáng tự hào khi hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang ngày càng được nhiều bạn bè, du khách gần xa biết đến, đặc biệt là tỉnh trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

{keywords}

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố ký thỏa thuận liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc ngày 20/11/2020. Ảnh tư liệu.

Những thành quả đó là kết tinh của sự đoàn kết, công sức, trí tuệ, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng các cấp, tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự chung tay, góp sức lớn lao của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. 

Mặc dù vậy, thẳng thắn nhìn lại những kết quả phát triển du lịch của tỉnh những năm qua cho thấy còn những hạn chế, những điểm nghẽn. Quá trình triển khai Nghị quyết 44, một số sở, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức; chưa bám sát vào nội dung, nhiệm vụ đã xác định trong nghị quyết để chỉ đạo, tổ chức thực hiện dẫn tới chưa hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình  đề ra. 

Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện chủ trương phát triển du lịch thiếu thường xuyên, hiệu quả không cao. Quá trình triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chưa theo kịp yêu cầu phát triển KT-XH. Các dự án, loại hình dịch vụ, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh còn nghèo nàn.

Cơ sở vật chất tại các điểm du lịch còn đơn sơ, quy mô nhỏ; đã có sự thay đổi cảnh quan song chưa thực sự tạo nên nét khác biệt; còn thiếu sản phẩm du lịch  đặc thù, độc đáo. Việc ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư du lịch đã được tỉnh quan tâm nhưng chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực.

{keywords}

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là điểm nhấn về du lịch tâm linh của tỉnh Bắc Giang.

Du lịch còn mang tính mùa vụ, chủ yếu là loại hình du lịch văn hóa - tâm linh vào mùa lễ hội, số ngày lưu trú ngắn nên doanh thu từ dịch vụ du lịch thấp. Điều này thể hiện rõ nhất ở các điểm di tích, lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà, đền Xương Giang, Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử, suối Mỡ...

Mỗi năm, những nơi này đón hàng vạn du khách song hầu như có rất ít chỗ để khách tiêu tiền. Nghịch lý là phần lớn khách du lịch ngoài tỉnh đến Bắc Giang vãn cảnh, vui chơi song khi ăn, nghỉ lại về Bắc Ninh, Hà Nội hoặc sang những tỉnh lân cận khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý, ngành du lịch Bắc Giang tăng về số lượng khách song hiệu quả kinh tế từ du lịch đóng góp cho xã hội còn thấp. Đơn cử năm 2019, khách du lịch đến Bắc Giang đạt khoảng 2 triệu lượt nhưng doanh thu từ các hoạt động dịch vụ du lịch mới đạt khoảng 760 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hoàng Long cho biết, thời gian qua, các đơn vị nhận rất ít hợp đồng tour du lịch trong tỉnh mà chủ yếu đưa khách từ Bắc Giang ra các tỉnh, thành phố khác. “Nếu như chúng ta có những sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn, tăng cường kết nối sẽ có nhiều khách đến với Bắc Giang hơn, thời gian lưu trú sẽ lâu hơn, việc chi tiêu, mua sắm của khách sẽ tăng”, ông Mạnh nói.

Đáng chú ý, trong 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, việc xây dựng sản phẩm du lịch "sinh thái - nghỉ dưỡng" còn chưa hiệu quả, nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư loại hình này. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, vốn và nguồn nhân lực hạn chế nên chưa chủ động khai thác được tiềm năng, lợi thế của các khu, điểm du lịch của địa phương.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế song có thể điểm qua một vài căn nguyên. Bắc Giang là tỉnh có xuất phát điểm về du lịch thấp nên để phát triển cần sự bứt phá và cách tiếp cận mới. Kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, hầu hết các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch đều nằm ở vùng khó khăn về giao thông, như: Đồng Cao, Khe Rỗ (Sơn Động), Khuôn Thần (Lục Ngạn), Thổ Hà (Việt Yên)... 

Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của du lịch trong phát triển KT-XH. Vì vậy, nhiều nơi có tiềm năng về du lịch nhưng địa phương chưa thực sự quan tâm, mạnh dạn tìm kiếm giải pháp để khai thác; chưa ban hành được chính sách thu hút đầu tư; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng ở các khâu từ quản lý nhà nước đến hoạt động kinh doanh lữ hành, khách sạn.

"Vạn sự khởi đầu nan" song làm thế nào để khắc phục những khó khăn, hạn chế đó, đưa du lịch Bắc Giang bứt phá dựa trên những tiềm năng, lợi thế sẵn có đòi hỏi sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn, tâm huyết hơn, trách nhiệm hơn của cả hệ thống chính trị, chứ không phải là nhiệm vụ riêng của sở, ngành, địa phương nào.

Tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy du lịch

Đề cập đến những định hướng, giải pháp trọng tâm của tỉnh về phát triển du lịch trong giai đoạn tới, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết: Tới đây, trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực hiện Nghị quyết 44 của BTV Tỉnh ủy, BCĐ Phát triển du lịch tỉnh sẽ xem xét, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho giai đoạn tới.

{keywords}

Đại diện doanh nghiệp lữ hành và du khách tham quan Khu lưu niệm  6 điều Bác Hồ  dạy Công an nhân dân 

(thị trấn Nhã Nam - Tân Yên).

Trong đó sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện nội dung chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 44 của BTV Tỉnh ủy và các nhiệm vụ phát triển du lịch khác do T.Ư chỉ đạo triển khai. Tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tham gia đầu tư phát triển du lịch. 

Phát huy hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều hành của BCĐ phát triển du lịch ở các địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, đổi mới công tác quản lý để tạo môi trường kinh doanh lữ hành - du lịch lành mạnh, chủ động xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm kết nối có hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh. 

Để du lịch Bắc Giang thực sự phát triển, tương xứng với tiềm năng, một trong những giải pháp đóng vai trò then chốt đó là cần phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch. Có những cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư phát triển du lịch và giải phóng mặt bằng các dự án, tạo được sức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư vào những khu, điểm du lịch có tiềm năng.

Tiếp tục quan tâm, xây dựng hạ tầng giao thông, kết nối các khu, điểm du lịch thuận lợi, hiệu quả. Đặc biệt là xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có chất lượng ở mỗi địa phương, tạo ra sự khác biệt, hút khách; để du khách đến Bắc Giang chi tiêu cho các hoạt động giải trí, mua sắm, ẩm thực nhiều hơn. 

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, để tăng giá trị từ du lịch, Bắc Giang cần phải tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù. Do đó, việc phục dựng các điểm di tích bên sườn Tây Yên Tử sẽ tạo ra sự khác biệt rất riêng, độc đáo giúp hình thành các tour, tuyến. Tuy nhiên, phải có sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tư vấn kỹ lưỡng của các chuyên gia trong công tác quy hoạch, trùng tu, phục dựng các di tích gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.

Các di tích quốc gia đặc biệt liên quan đến Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế cũng có thể khai thác phát triển theo hướng du lịch về nguồn, kết hợp với du lịch cộng đồng bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) bởi đây là những di tích lịch sử vô cùng có giá trị gắn với tên tuổi anh hùng Hoàng Hoa Thám trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế mà không phải nơi nào cũng có được. 

{keywords}

Phim trường Đa Mai (TP Bắc Giang) - một điểm du lịch thu hút giới trẻ trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị Thủy, nguyên Phó trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội góp ý, ở tỉnh Bắc Giang, hệ thống thiền phái Trúc Lâm phân bố dọc triền Tây Yên Tử, tập trung ở hai huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động, trong đó chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là điểm nhấn đặc biệt trong chuyến hành trình hành hương về chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm trên ngàn xanh Yên Tử.

Do đó, tỉnh cần quan tâm đầu tư, khai thác có hiệu quả đối với Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm vì đây là điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách trong loại hình du lịch tâm linh tại Bắc Giang. Muốn làm được điều đó, cần tiếp tục có những nghiên cứu, quy hoạch tổng thể để làm sao vừa bảo đảm, gìn giữ giá trị kiến trúc, văn hóa, cảnh quan, vừa tạo ra nét mới lạ, độc đáo đối với du khách. 

Một vấn đề cũng rất quan trọng đó là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên, lễ tân các khách sạn, nhà hàng, nhân viên phục vụ các khu, điểm du lịch để bảo đảm tính chuyên nghiệp. Tổ chức tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho dân cư tại các xã, thị trấn có làng nghề truyền thống, các vườn cây ăn quả và các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc sắc khác. 

Quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng, ứng dụng các phần mềm du lịch thông minh, đồng thời tuyên truyền, quảng bá sâu rộng tiềm năng, thế mạnh, các điểm đến hấp dẫn của tỉnh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư, khách du lịch.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp chính đó là: Hình thành một số khu du lịch, dịch vụ tổng hợp cấp tỉnh, hạ tầng dịch vụ, du lịch ở TP Bắc Giang và trung tâm các huyện. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP lĩnh vực dịch vụ đạt 6,8%/năm. Chỉ đạo đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng Khu du lịch tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, xây dựng một số sân golf mới.

Thu hút đầu tư xây dựng quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái thể thao và vui chơi, giải trí; xây dựng một số khu dịch vụ, khách sạn cao cấp tại TP Bắc Giang. Được biết, tới đây, Tỉnh ủy Bắc Giang sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết về phát triển dịch vụ - du lịch, giai đoạn 2021-2025, định hướng  đến năm 2030.

Ngày 20/11 vừa qua, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, trong khuôn khổ hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái đã tham gia ký kết Thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc. Thỏa thuận này mở ra cho Bắc Giang cơ hội tham gia và xây dựng mối liên kết phát triển du lịch chặt chẽ, bền vững trong hiện tại và tương lai với vùng Đông Bắc và cả nước; quảng bá, thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển hơn nữa.

{keywords}

Lễ phát động chương trình người Việt Nam đi du lịch Việt Nam với chủ đề "Bắc Giang mùa trái ngọt" được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Suối  Mỡ (Lục Nam) năm 2020.

Bắc Giang đang trên đà phát triển, hình ảnh Bắc Giang đã và đang được quảng bá sâu rộng, được nhiều quốc gia biết đến; vị thế của tỉnh ngày càng được nâng lên; là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Bắc Giang vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và phục hồi kinh tế, tốc độ tăng trưởng năm 2020 dẫn đầu cả nước, ước đạt 13,02%, môi trường đầu tư thuận lợi; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đây là nền tảng, là cơ hội tốt để tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế, huy động nguồn lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH ngày một phát triển.

                                                                                          Kim Hiếu - Công Doanh 
Nâng hiệu quả du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi
(BGĐT) - Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021, trong phiên thảo luận tại hội trường, tham luận của ông Giáp Xuân Thu, đại biểu huyện Lục Ngạn đã gây sự chú ý của đại biểu với nội dung “Du lịch trải nghiệm mùa cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn”.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành khảo sát các tour, tuyến du lịch tại Bắc Giang
(BGĐT) - Công ty Lữ hành quốc tế Việt Nam, Công ty Du lịch Việt Foot (Hà Nội) và Công ty Du lịch Triệu Hoàng (TP Bắc Giang) vừa tổ chức đoàn cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên đến thăm, khảo sát tour, tuyến du lịch tại TP Bắc Giang và huyện Lục Ngạn.
Chủ tịch xã đam mê làm du lịch
(BGĐT) - Đam mê làm du lịch, những năm qua, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) Giáp Hồng Đăng đã mạnh dạn trong chỉ đạo và từng bước đầu tư phát triển du lịch trên lòng hồ Cấm Sơn. Nhờ đó, Sơn Hải đã và đang hình thành một loại hình du lịch cộng đồng, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

                                                               

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...