Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Du lịch >> Điểm đến
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Bắc Giang, thử phác một tầm nhìn

Cập nhật: 07:00 ngày 29/01/2020
(BGĐT) - Vì những lý do xem ra chẳng mấy đáng kể mà mãi độ cuối thu này tôi mới được tận hưởng một sớm mai trong trẻo đến nao lòng ở TP Bắc Giang - thành phố xinh xắn miền trung du quê hương.  

Có những việc tưởng rất đơn giản, muốn là có thể thực hiện được ngay, vậy mà phải rất lâu ta mới làm được. Tỉ như chuyện tôi muốn một đêm nào đó ngủ lại Bắc Giang - thành phố miền trung du êm ả, xinh xắn này. Thì đúng là chẳng có gì khó. Bạn bè, đồng nghiệp ở Bắc Giang thì nhiều, đều là chỗ quý mến. Mình lại là người có gốc gác Bắc Giang. Thị trấn Kép quê mình, nơi có nhà thờ tổ, có mộ ông bà, cha mẹ chỉ cách Phủ Lạng Thương chưa đến nửa giờ xe chạy, một năm dăm bận đi về hương khói, giỗ chạp. Vậy mà vẫn khó, khó bởi cuộc sống cứ cuốn mình đi trong cái đà hối hả.

{keywords}

Du khách tham quan, tìm hiểu tại Khu di tích địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang). Ảnh: Việt Hưng

Vì những lý do xem ra chẳng mấy đáng kể ấy mà mãi cuối thu này tôi mới được tận hưởng một sớm mai trong trẻo nơi thành phố xinh xắn miền trung du quê hương. Cùng với những người dân thành phố dậy sớm, tôi đi trong giai điệu của ca khúc được dùng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh từ quảng trường trung tâm ngược ra cây cầu vượt bắc ngang cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Thật khó diễn tả cảm giác khoáng đạt khi đứng trên cây cầu vượt vào thời điểm ấy. 

Tầm mắt thỏa thuê mà xuôi con đường cao tốc về phía Hà Nội với những chiếc xe chạy còn mờ trong sương, lại hướng lên phía Bắc, nơi đã hình thành một chặng cao tốc mới nối Bắc Giang với thành phố biên ải Lạng Sơn. Và tầm nhìn tôi hút về phía Đông, nơi bắt đầu con đường Tây Yên Tử mà người Bắc Giang quen gọi là con đường Tâm linh. Để rồi cuối cùng ánh mắt hướng về thành phố vừa thức dậy trong sớm mùa thu với cả một vùng xanh mát cây cối, hồ nước Công viên Hoàng Hoa Thám.

Không câu thúc bởi thời gian, công việc, tôi thả bước giữa lòng thành phố. Cũng trong cái buổi sáng, tôi có một phát hiện khá thú vị. Ấy là hai bên hè phố đường Hùng Vương, những chỗ dành cho khách bộ hành qua đường đều có lối dành cho người khuyết tật được làm rất cẩn thận, chỉn chu. Một chi tiết nhỏ nhưng đầy tính nhân văn mà không phải ở đâu, kể cả những đô thị lớn, các nhà quản lý có thể nghĩ tới. 

Sự phát hiện thú vị ấy làm tôi không kìm được một động thái rất hồn nhiên là thử nhắm mắt, trải nghiệm một chút trên vệt đi lát bằng loại gạch đặc biệt màu vàng nơi hè phố. Cũng chính khoảnh khắc cho phép mình tự do bay bổng ấy, một ý tưởng lãng mạn chợt nảy sinh là thử phác một tầm nhìn mới về một khía cạnh của đời sống tại thành phố miền trung du này.

Lại có một câu chuyện cần nhắc đến. Đó là tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn lâu nay hiu hắt. Ngay như tôi quê ở thị trấn Kép, một trọng điểm đánh phá của Không lực Hoa Kỳ thời chống Mỹ vì có nhà ga trung chuyển hàng hóa, có sân bay quân sự, tuổi thơ không biết bao lần sung sướng được ra ga Hàng Cỏ, đi tàu về quê qua cả một miền ký ức, giờ cũng đã lâu chẳng đi tàu. Cũng bởi thế mà trong một lần về quê, thăm lại chốn cũ, tôi cảm thấy như mình có lỗi trước cảnh ga Kép vắng vẻ, thậm chí như còn đìu hiu hơn cả một ga xép trong văn chương Tự lực văn đoàn.

Cũng trong cái tâm thức lãng đãng ấy, nghe như vẳng đâu một tiếng còi tàu, vọng đến từ đầu đường Hùng Vương nối sang con đường Tâm linh, vang mãi về một vùng ăm ắp những trầm tích văn hóa từ ngàn đời với những ngôi chùa cổ. Ừ nhỉ, với những tiềm năng văn hóa sẵn có, sao Bắc Giang, mà cụ thể là TP Bắc Giang không chọn hướng đi trở thành một điểm đến về văn hóa - du lịch. 

Trí tưởng tượng của tôi hình dung ra một đoàn tàu, không quá nhiều toa, dành riêng cho du khách kéo còi rời ga Long Biên, xưa gọi là ga Đầu Cầu của Hà Nội mà qua sông Hồng ngược lên miền Kinh Bắc. Hãy cứ tưởng tượng trong khoảng thời gian trên dưới một giờ đồng hồ ấy, khách làm quen với văn hóa Kinh Bắc trong tiếng bánh xe nghiến đều trên ray sắt của cây cầu hơn trăm tuổi anh em với tháp Eiffel, rập rình qua sông Đuống, sông Cầu rồi tới sông Thương - những dòng sông làm nên cả một miền văn hóa phong phú.

Ai từng tới thăm Berlin hẳn còn nhớ những chuyến tàu từ trung tâm thành phố đến Posdam, một di tích lịch sử, văn hóa của nước Đức, nơi có lâu đài Sanssouci mà bất cứ ai cũng mong ước một lần đến. Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng có thể nào bỏ phí một nguồn tài nguyên văn hóa như vùng Kinh Bắc và Bắc Giang nói riêng mà ý nghĩa của nó trong văn hóa nhân loại chẳng thua kém Posdam?

Vậy là xem ra tôi đã không quá lãng mạn khi thử phác một tầm nhìn như thế nơi thành phố quê hương. Nghĩ vậy để vững tâm và đinh ninh một cái hẹn trong lòng: Mùa xuân này, tôi sẽ về Bắc Giang quê tôi, ít nhất là để tự mình thực hiện những ý tưởng vừa phác thảo, để mà tự hào, để mà mong ước…

Để xây dựng tuyến du lịch, cứ tạm đặt cho cái tên là Về miền Kinh Bắc ấy, Bắc Giang có thể phối hợp với ngành đường sắt cũng như TP Hà Nội. Mà đấy, chẳng có một dạo du khách đến Hà Nội sốt sình sịch với cà phê đường tàu. Vậy hà cớ gì không cho họ ngồi lên hẳn đoàn tàu mà trải nghiệm, mà khám phá về một vùng đất đầy hấp dẫn như Bắc Giang nay, Phủ Lạng Thương xưa?

Sau những trải nghiệm đầu tiên, từ ga Bắc Giang, khách rời tàu, tiếp tục hành trình bằng ô tô theo con đường Tâm linh qua chùa Vĩnh Nghiêm nơi lưu giữ, trưng bày những mộc bản được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đến với khu Tây Yên Tử mà tiếp cận đỉnh non thiêng có chùa Đồng danh tiếng từ sườn phía Tây với những khám phá mới mẻ.

Sau những trải nghiệm trong hành trình văn hóa tâm linh ấy, tùy theo mùa, khách có thể đến thăm vườn vải thiều đang vào vụ chín hay ghé vườn cam đang mùa sai quả nơi Lục Ngạn. Nếm vị ngọt lành của cây trái nơi đây cũng là để khách hiểu thêm sự ưu đãi của thiên nhiên với Lục Ngạn…

Cũng từ TP Bắc Giang, du khách còn có thể ngược lên Tiên Lục, Lạng Giang thăm cây dã hương ngàn tuổi; về Quang Tiến, Tân Yên thăm ấp Đồi Cháy nơi sẽ được tôn tạo thành di tích lịch sử, văn hóa; thăm vùng đất của Khởi nghĩa Yên Thế với người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám huyền thoại hay xuôi về Tiên Sơn, Việt Yên thăm chùa Bổ Đà với những bức tường mang sắc gốm Thổ Hà một thuở… Tất cả chỉ trong vòng bán kính khoảng ba chục cây số, nếu lấy Quảng trường 3-2 nơi trung tâm TP Bắc Giang làm điểm xuất phát. 

Và ngay trong nội đô thành phố, Khu di tích địa điểm chiến thắng Xương Giang với những huyền tích cùng bài học lịch sử từ cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc của vua tôi Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi! Và sau một ngày trải nghiệm, còn gì thú vị hơn là giữ chân du khách với những làn điệu quan họ đằm thắm, với rượu Vân sóng sánh. Đây cũng là lúc gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ Lục Ngạn, cua da Yên Dũng… níu chân, để nhớ, để thương trong lòng du khách cùng câu ca lưu luyến “người ơi người ở đừng về…”…

Cứ hình dung ra thế, lại ngắm mấy tháp cần cẩu đang mờ trong sương. Chợt nghĩ, Bắc Giang hãy không cần vội phải có thêm những nhà cao tầng, điều mà bất cứ thành phố lớn nhỏ nào cũng làm được, cũng đua nhau làm, để rồi đôi khi lại ân hận bởi những hệ lụy của nó. Cứ để Bắc Giang êm ả, bình lặng thế này, phù hợp với vị thế đô thị trung tâm về hành chính, văn hóa, giáo dục, du lịch… của một vùng đất giàu tiềm năng.

Viết đến đây, lại nhớ tới một đoạn trong Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 269: Tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp, có trình độ phát triển trên mức trung bình của cả nước. Nền kinh tế đi lên từ công nghiệp và dịch vụ tiên tiến, phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp sạch, đô thị hiện đại và du lịch văn hóa.

Vậy là xem ra tôi đã không quá lãng mạn khi thử phác một tầm nhìn như thế nơi thành phố quê hương. Nghĩ vậy để vững tâm và đinh ninh một cái hẹn trong lòng: Mùa xuân này, tôi sẽ về Bắc Giang quê tôi, ít nhất là để tự mình thực hiện những ý tưởng vừa phác thảo, để mà tự hào, để mà mong ước…

UBND tỉnh họp báo về Tuần Văn hóa-Du lịch năm 2020 “Bắc Giang- Miền đất thiêng Tây Yên Tử”
(BGĐT)- Chiều 14-1, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh tổ chức họp báo về Tuần Văn hóa- Du lịch (VHDL) năm 2020 “Bắc Giang- Miền đất thiêng Tây Yên Tử”. Đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Tổ chức chủ trì hội nghị; đồng chủ trì có ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) - Phó Trưởng Ban Tổ chức; ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Khám phá Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
(BGĐT) - Không phải là quốc gia giàu có nhưng sự hạnh phúc mà người dân Bhutan có được không phải nơi nào cũng có.
Hộ chiếu Nhật Bản quyền lực nhất 2020
Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là ba quốc gia có hộ chiếu mạnh nhất thế giới năm 2020.
Bắc Giang phấn đấu đón 2,5 triệu lượt du khách năm 2020
(BGĐT)-Chiều 7-1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch  (VHTTDL) tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động du lịch năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của gần 30 công ty lữ hành du lịch, khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp trong và ngoài tỉnh...
Khởi sắc bức tranh du lịch
(BGĐT) - Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 56 của Huyện ủy, tiềm năng, thế mạnh về du lịch của huyện Yên Dũng (Bắc Giang) từng bước được đánh thức. Vùng đất Phượng Hoàng hứa hẹn trở thành vùng trọng điểm phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, giải trí của tỉnh.

Tạ Việt Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...