Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch >> Điểm đến
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cây lim “hiến thân” và cây ổi “biết cười” ở Lam Kinh

Cập nhật: 07:00 ngày 07/04/2018
(BGĐT) - Mới đây, cùng với đoàn các nhà báo dự hội thảo báo đảng miền Trung Tây Nguyên tại Thanh Hóa, chúng tôi được tham quan Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Thật hết sức bất ngờ khi được nghe kể, trải nghiệm về chuyện cây lim tự nguyện hiến thân và cây ổi biết cười.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) cách TP Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Năm 2013, khu di tích này được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Thành điện Lam Kinh phía Bắc dựa vào núi Dầu mặt Nam nhìn ra sông Chu - có núi Chúa làm tiền án, bên tả là rừng Phú Lâm, bên hữu là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía Tây. Khu Hoàng thành, cung điện và Thái miếu ở Lam Kinh được bố trí xây dựng theo trục Nam - Bắc trên một khoảng đồi gò có hình dáng chữ vương. 

Đây là quê hương và cũng là nơi an nghỉ của Anh hùng Lê Lợi cùng các vị hoàng đế, vương hậu thời Lê Sơ. Trong khuôn viên rộng lớn của Khu di tích có rất nhiều loài cây to đẹp, quý hiếm. Điều thú vị nhất với du khách là câu chuyện huyền bí về cây lim "hiến thân" và cây ổi "biết cười". 

Cây lim “hiến thân”

Năm 2001, ngay sau khi Dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt thì cây lim cao nhất nhì rừng Lam Kinh, hơn  600 năm tuổi đang xanh tươi bỗng dưng trút hết lá. Các “bác sĩ” lâm nghiệp đã tìm mọi cách cứu chữa cho cây lim nhưng không có dấu hiệu phục hồi. Khoảng 6 tháng sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công phỏng dựng Chính điện vừa hoàn thành.  

{keywords}

Vị trí gốc cây lim "hiến thân".

Theo lời người hướng dẫn viên, khi tiến hành lễ phạt mộc cây lim thì phát hiện nhiều điểm trùng khớp ngẫu nhiên và hết sức kỳ lạ. Thường thì các cổ thụ lim rỗng ruột nhưng riêng cây lim này thì không. Lúc hạ cây lim xuống, từ thân cây tuôn ra dòng nhựa màu đỏ đậm. Khi róc bỏ hết rác thì lõi còn lại có đường kính thân gốc hơn 1m, trùng khít với chân đế đá cột cái Chính điện. Ngọn cây vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương (nóc).

Với nhiều điểm trùng khớp đáng ngạc nhiên nên những người chủ trì việc tôn tạo Thành điện Lam Kinh tin rằng cây lim sinh ra để hiến thân cho việc phỏng dựng Chính điện cho hậu thế. 

Cây ổi “biết cười” 

Lăng vua Lê Thái Tổ được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng cách điện Lam Kinh 50 m. Nằm phía bên phải khuôn viên lăng mộ, cây ổi dáng huyền, mang thế rồng chầu đã gần trăm năm tuổi.

Năm 2001, cây ổi được phát hiện "biết cười" lần đầu tiên. Thử làm theo cách của hướng dẫn viên, du khách ồ lên thích thú khi trực tiếp trải nghiệm làm cho cây ổi cười và được truyền năng lượng từ cây ổi.

{keywords}

Hướng dẫn viên mời du khách trải nghiệm"cù li" cho cây ổi "cười"

Khi “cù li” rất nhẹ vào gốc ổi, tất cả những đầu lá đều rung lên bần bật như một phản xạ gây bất ngờ cho những người chứng kiến. Nếu nắm tay vào thân cây, nhắm mắt lại, ai nấy đều có cảm giác lâng lâng và rung lắc như bị cành cây giật đi. Khi mục sở thị, nhiều người tỏ ra thích thú và cho rằng đó là do dòng từ trường nằm ngay dưới gốc cây nhưng không ít người sợ sệt, chắp tay khấn vái.

Người dân địa phương gọi đây là “Mộc tinh” bởi có lẽ do sống lâu năm nên cây cũng giống người, có linh hồn và cảm giác. Những người gắn bó lâu năm ở đây nói rằng vùng đất đặt lăng mộ vua Lê Thái Tổ là nơi hội tụ linh khí của đất trời. Đây cũng được coi là huyệt điểm quan trọng trong Khu di tích Lam Kinh nên mới có hiện tượng như vậy bởi cây ổi này chỉ ở trong lăng mới có hiện tượng "cười", còn khi chiết trồng nơi khác thì không hề có hiện tượng ấy.

Trần Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...