Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Du lịch
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sự tích chùa Trẻ và tục đuổi chim cuốc ở làng Yên Khê

Cập nhật: 10:55 ngày 20/07/2018
(BGĐT) - Làng Yên Khê, xã Song Khê, TP Bắc Giang (Bắc Giang) có một ngôi chùa nằm ở giữa đồng, cạnh ngòi Tào Khê mang cái tên rất độc đáo: Chùa Trẻ (còn có tên chữ là Mục Ngưu tự). Ngôi chùa do nhà chùa và nhân dân thôn Yên Khê góp công, góp sức xây dựng.
{keywords}

Lễ hội truyền thống làng Yên Khê.

Theo di ngôn được các cụ trong thôn truyền lại: Chùa Trẻ có lịch sử khởi dựng từ lâu đời. Nền chùa xưa là một gò đất cao có cây duối cổ thụ (nay vẫn còn), cạnh cây duối có một cái ao lớn - nơi trẻ mục đồng làng Yên Khê hay tụ tập nô đùa, tổ chức đi quyên tiền, gạo, quà bánh rồi đem lên cúng và ăn uống ở đó, lâu dần thành “linh”.

Một hôm, lũ trẻ hò nhau cạy đất sét nặn tượng. Có trẻ khéo tay, bắt chước mẫu tượng Phật Bà Quan Âm, Đức Ông, Đức Thánh Hiền ở chùa trong làng, chúng đắp to, đẹp rồi đặt tượng ở gốc duối trên gò rồi cúng. Cúng xong, lũ trẻ “hạ lễ” ăn uống cả buổi chiều. Gần tối, lũ trẻ lẳng tượng Phật xuống ao và dắt trâu bò về.

Sáng hôm sau, lũ trẻ lại tới đó chăn trâu thì ngạc nhiên thấy ba pho tượng không chìm mà nổi trên mặt nước, còn có đàn chim cuốc đang đậu lên tượng mổ, rỉa. Đám trẻ thấy thế rất kinh ngạc bởi “tượng đất sét lại nổi, tượng đất mà chim cuốc rỉa thịt” liền xúm vào xua đuổi đàn cuốc rồi vớt tượng lên. Cho là tượng Phật được nặn vào giờ “linh” nên thiêng, đám trẻ về làng quyên góp vật liệu, tiền bạc làm gian chùa tranh cạnh gốc duối bây giờ để thờ.

Khi có tiền công đức, được sự giúp đỡ của nhân dân và chức sắc trong làng, ngôi chùa được xây dựng khang trang hơn với ba gian xây gạch, khung cột gỗ, mái lợp ngói mũi đặt trên gò cạnh cây duối cổ thụ. Ngày nay, trong chùa đặt ba pho tượng, ở giữa là tượng Phật Bà Quan Thế Âm, hai bên thờ tượng Đức Ông và Đức Thánh Hiền, về sau thờ thêm các cô hồn không nơi nương tựa.

Cũng qua sự tích này, làng Yên Khê xưa có lễ hội đuổi cuốc diễn ra vào ngày mồng 4 tháng Giêng hằng năm. Lâu dần thành lệ, cứ đến ngày lễ hội, dân làng lại mang mâm, nồi, thúng, mẹt… ra gõ. Hội đuổi cuốc diễn ra từ sáng sớm, cả làng từ nam, phụ, lão, ấu người người đem que, gậy đập chọc tìm cuốc ở bờ tre, bụi cây, ngoài cánh đồng. Trong buổi lễ, người nào bắt được chim cuốc đem ra làm lễ trình làng và lĩnh giải. Giải thưởng nhiều khi chỉ là phẩm oản, vuông lụa nhưng người lĩnh vẫn cảm nhận sự may mắn, vinh hạnh.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1949-1954), khu vực chùa Trẻ có rất nhiều cây cối rậm rạp, địa thế thuận lợi cho hoạt động du kích ở địa phương, ngôi chùa được chọn làm vọng gác tiền tiêu quan trọng của bộ đội chủ lực và du kích thuộc 6 xã phía Tây Bắc huyện Yên Dũng. Nhiều cuộc càn quét của địch từ căn cứ xuống các vùng xung quanh được phát hiện kịp thời từ vọng gác tiền tiêu quan trọng này. 

Mặt khác, chùa Trẻ còn là nơi tập kết của cán bộ cách mạng được cử về hoạt động nắm tình hình địch, gây dựng phong trào ở cơ sở. Khi phát hiện ra, giặc Pháp đã cho đại bác và súng cối bắn phá nhiều lần nhưng vọng gác chùa Trẻ vẫn tồn tại. Đến năm 1953, thực dân Pháp cho mở cuộc càn quét quy mô lớn vào xã Song Khê, có máy bay và xe tăng yểm trợ, chúng đã san bằng nhiều công trình văn hóa của làng, trong đó có chùa Trẻ.

Năm 1958, sau khi hòa bình lập lại, nhân dân thôn Yên Khê đã tôn tạo lại ngôi chùa, chủ yếu là lấy nơi cho người dân trú mưa, trú nắng, nghỉ ngơi khi đi làm đồng. Một thời gian sau, do không được sự trông nom chu đáo và không có điều kiện tu bổ thường xuyên nên ngôi chùa bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn nền móng và cây duối cổ thụ hơn 300 năm tuổi vẫn xanh tốt quanh năm.

Năm 2002, thể theo nguyện vọng của các tăng ni phật tử và sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân thôn Yên Khê, ngôi chùa đã được khôi phục lại trên nền chùa cũ với ba gian khang trang. Hằng năm, dân làng Yên Khê lấy ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch (ngày Phật Đản) làm ngày cúng giỗ cho các vong hồn lang thang.

Bảo Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...