Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Nhân viên y tế trực xuyên Tết vì người bệnh

Cập nhật: 15:43 ngày 25/01/2020
(BGĐT) - Khi nhà nhà sum họp bên nhau trong thời khắc thiêng liêng chào đón năm mới thì nhiều bác sĩ, điều dưỡng tại một số bệnh viện ở Bắc Giang vẫn hối hả tiếp nhận bệnh nhân, đưa ra phương án điều trị tối ưu. 

Đón Tết cùng người bệnh 

Trong thời khắc bước sang năm mới 2020, bé trai Nguyễn Kem đã chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Hương Giang, 25 tuổi, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) và tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Sản- Nhi Bắc Giang. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện đã đến chúc mừng các em bé vừa chào đời năm Canh Tý và đón năm mới cùng các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên trong ca trực đêm Giao thừa.

{keywords}

Phòng chăm sóc bệnh nhi sinh non tháng tại Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang trong những ngày Tết.

Ngày Tết mà không khí làm việc tại Khoa đẻ (Bệnh viện Sản – Nhi Bắc Giang) vẫn tất bật như ngày thường. Lượng bệnh nhân chờ sinh đông với 29 sản phụ. Nhiều bà bầu phải lưu viện để dưỡng thai và theo dõi quá trình chuyển dạ, không được về nhà ăn Tết. Đón năm mới ở viện, các sản phụ chia sẻ với nhau nhiều hơn, ai có dấu hiệu bất thường là mọi người trong phòng giúp gọi bác sĩ.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp nói: “Chúng tôi nhìn thấy niềm vui rạng ngời trên gương mặt của người nhà sản phụ, thấy cả những giọt nước mắt của những người mẹ trải qua cơn vượt cạn đầy khó khăn. Với những bác sĩ, điều dưỡng sản khoa, chuyện trực Tết, đón Giao thừa ở bệnh viện không chỉ là một phần công việc mà còn là niềm hạnh phúc bởi được sát cánh cùng đồng nghiệp đón những công dân đầu tiên chào đời trong năm mới”.

Sáng mùng 1 Tết, Khoa Sơ sinh có 23 em bé đang phải điều trị chăm sóc đặc biệt do mắc các bệnh lý bẩm sinh, sinh non. Chị Nguyễn Thị Ngân ở xã Tân Liễu (Yên Dũng) mẹ của bệnh nhi Đỗ Đức Trọng cho hay: Con chị sinh thiếu tháng ở tuần thai thứ 34 chỉ nặng 2,4 kg phải nuôi trong lồng kính đã hơn 1 tháng, giờ lại nhiễm trùng huyết. Ở viện ngày Tết, nhân viên y tế như người thân trong nhà luôn quan tâm, tận tình cứu chữa để các gia đình có thêm động lực, hy vọng sức khỏe của con sẽ tiến triển.

Tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đêm giao thừa vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân. Đa phần là những ca tai nạn đa chấn thương, hôn mê, trụy tim mạch hoặc mắc các bệnh cấp tính rất nguy kịch. Kíp trực cấp cứu khẩn trương xử trí các ca bệnh. Không nhớ đã bao lần trực Tết, bác sĩ Hoàng Dũng, Phó Trưởng Khoa chia sẻ: “Dịp này, chúng tôi bận rộn nhiều hơn ngày thường. Khi bước vào khoa làm việc, mọi người đã gác Tết lại bên ngoài; khẩn trương đưa ra phác đồ điều trị tối ưu để cứu sống bệnh nhân, xong việc nhìn đồng hồ đã qua thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới”. 

{keywords}

Chăm sóc bệnh nhân trong ngày Tết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang.

Cũng như bao người khác, nhân viên y tế cũng phải lo Tết cho gia đình nhưng vẫn phải bảo đảm công việc tại bệnh viện. Có khi vừa hết ca trực về nhà, đang nấu dở mâm cơm khách, điện thoại reo lại phải vào khoa. Dù chưa thật chu toàn việc nhà nhưng để lựa chọn, trong những ngày Tết, những người mặc blu trắng vẫn dành trọn thời gian và tâm trí cho bệnh nhân bởi đó là công việc họ tâm huyết và hơn hết người bệnh đang rất cần bác sĩ.

Người nhà bệnh nhân Đỗ Văn Huyên, 72 tuổi, ở thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh (Việt Yên) kể: “Bố tôi bị nhiễm khuẩn huyết do biến chứng của suy tim, đái tháo đường phải nằm đây thở máy từ trước Tết đến giờ. Bác sĩ, điều dưỡng tận tình điều trị, bố tôi đã qua cơn nguy kịch, ra Tết sẽ được về nhà nên tôi cũng yên tâm hơn”.

Các bác sĩ cho biết còn có tình trạng bệnh diễn tiến nặng do người dân có tâm lý đợi qua Tết đi khám mặc dù cảm nhận rõ cơ thể có dấu hiệu bất thường. Nên kíp trực phải nỗ lực cao mới giữ được sự sống cho người bệnh. Bác sĩ Nguyễn Như Phố, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho hay: Do đặc thù luôn phải tiếp nhận các ca cấp cứu ngoại khoa nặng, nhất là các vụ tai nạn giao thông, đa chấn thương trong sinh hoạt nên hệ thống cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng. Một số bác sĩ cũng được phân công trực để tư vấn, giúp đỡ tuyến dưới hội chẩn ca khó. Điều làm các bác sĩ rất vui là năm nay số ca bệnh do rượu, bia giảm nhiều.

Trong mấy ngày Tết, 444 bệnh nhân suy thận mạn tính vẫn âm thầm chiến đấu với bệnh tật tại Khoa Nội thận tiết niệu - Lọc máu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Yên Thế, Lục Ngạn. Anh Nguyễn Văn Nam, xã Song Khê (TP Bắc Giang) cho biết: “Để kéo dài sự sống, một tuần tôi phải lọc máu 3 lần nên những ngày Tết vẫn vào viện. Tôi và các bệnh nhân nằm đây cũng không khỏi chạnh lòng khi Tết đến, xuân về nhưng nhờ các bác sĩ, điều dưỡng quan tâm chăm sóc nên cũng cảm thấy ấm lòng”. Được biết, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, các đơn vị thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở nhân viên tuân thủ đúng quy trình chạy thận, bảo đảm an toàn cho người bệnh. 

Chủ động phòng bệnh truyền nhiễm

Trao đổi với ông Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế được biết: Mọi hoạt động khám, chữa bệnh đều được bảo đảm tốt nhất. Dù là ngày Tết, các cơ sở y tế vẫn bố trí 4 kíp trực/ngày với đầy đủ lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên bảo đảm xử lý tốt mọi tình huống, nhất là những ca tai biến tiên lượng xấu. Mặc dù số ca tai nạn giao thông, tai nạn, bệnh tật do rượu bia giảm nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân đa chấn thương do pháo nổ.

Song song với nhiệm vụ “trực chiến” tại bệnh viện, trung tâm y tế, Sở Y tế tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống các bệnh lây nhiễm. Ngoài việc tiếp tục kiểm soát bệnh cúm A, các cơ sở y tế chủ động đối phó với bệnh viêm phổi do vi-rút corona đang diễn biến phức tạp. Những ca viêm phổi cấp tính trong dịp này đều được theo dõi chặt chẽ, điều trị kịp thời. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, mỗi người dân cần chủ động giữ ấm cơ thể, khi có dấu hiệu sốt ho, đau mỏi toàn thân hay có dấu hiệu bất thường trong cơ thể cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Đáng mừng, đến thời điểm này, toàn tỉnh chưa ghi nhận bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tập thể. Để bảo đảm sức khỏe, người dân nên ăn uống điều độ, không lạm dụng thực phẩm chứa nhiều đạm, chất béo, đồ uống có cồn, bánh kẹo để phòng, tránh các bệnh liên quan đến chuyển hóa. Một số trung tâm y tế các huyện Lạng Giang, Việt Yên và các bệnh viện trên địa bàn TP Bắc Giang bố trí nhân lực bảo đảm sẵn sàng ứng phó với các sự cố giao thông có thể xảy ra trên đường cao tốc.

Nhân viên y tế đều hiểu, bất đắc dĩ người bệnh mới phải nằm viện ngày Tết nên thường xuyên chia sẻ, động viên, tận tình cứu chữa để họ vợi bớt lo âu về bệnh tật. Các bệnh viện, trung tâm y tế luôn cố gắng chăm lo cho những bệnh nhân không may mắn phải lưu viện được đón Tết ấm cúng, thân tình. Ngoài bánh kẹo, hoa quả và các bữa ăn được tài trợ, các đơn vị còn dành nhiều phần quà tặng bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Năm nào cũng vậy, các bác sĩ đều mong muốn, năm mới bình an với muôn nhà, mọi người khỏe mạnh, ít bệnh nhân.

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona: Trung Quốc triển khai hàng trăm bác sĩ quân y về vùng tâm dịch
Ngày 25-1, Trung Quốc triển khai 450 bác sĩ quân y tới thành phố Vũ Hán (Wuhan), thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Hubei), miền Trung quốc gia này để tăng cường các nỗ lực kiểm soát và phòng chống dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (2019-nCoV).
Chào đón những công dân đầu tiên của năm Canh Tý
Ngày 25-1, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, vào đúng khoảnh khắc giao thừa năm mới Canh Tý 2020, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bé trai "xông đất" phòng sinh bệnh viện đầu năm Canh Tý nặng 3,5 kg là con của chị Phạm Thị P.A (24 tuổi, ở tỉnh Hải Dương).
Cách ly bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus nCoV ngay trong đêm Giao thừa
Nam bệnh nhân đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan mới trở về Việt Nam đang được cách ly, theo dõi và điều trị tại Bệnh viện E do rơi vào trường hợp nghi ngờ nhiễm virus nCoV gây viêm phổi cấp. 

Minh Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...