Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Sức khỏe
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Rượu ngâm có bổ?

Cập nhật: 14:30 ngày 14/07/2019
(BGĐT) - Tôi có người bạn học cùng phổ thông nhưng nay công tác ở một huyện miền núi. Nhiều lần bạn rủ lên chơi cho biết cửa, biết nhà nên cuối tuần vừa rồi tôi tranh thủ lên thăm gia đình. Bạn bè lâu ngày mới gặp nên có “đặc sản” gì bạn tôi mang ra đãi khách hết. 

Ngoài những món ăn mang đặc trưng của khu vực miền núi, tôi khá ấn tượng với “bộ sưu tập” rượu ngâm bạn mang ra khoe. Nào là rượu bìm bịp, ngọc dương, phổi ngựa, nào là rượu ngâm cây nọ, quả kia…Bạn hỏi tôi thích uống loại nào? Vốn chưa có niềm tin vào những loại rượu ngâm này lắm nên tôi phải lấy nhiều lý do từ chối như không quen với mùi tanh của động vật hay vị chát của rễ cây và đề nghị bạn cứ cho uống rượu trắng cho lành.

{keywords}

Rượu ngâm được bày bán tại một hội chợ.

Từ lâu người ta đã truyền nhau về công dụng của rượu ngâm (rượu trắng ngâm với động vật, nội tạng động vật hoặc ngâm với thảo dược) có nhiều tác dụng với sức khỏe, phổ biến là mát gan, lợi tiểu, tốt cho đường tiêu hóa, tăng cường khả năng sinh lý cho nam giới, thậm chí chữa được một số bệnh. Tin tưởng điều này nên có lẽ không chỉ bạn tôi mà nhiều người cũng có thói quen tự ngâm cho mình một vài bình rượu như vậy để uống dần và cho rằng rất tốt nên không phải khách nào cũng được mời thưởng thức. 

Có thể kể ra hàng loạt loại rượu ngâm động vật như rắn, tắc kè, ong, sâu chít, cá ngựa. Rượu ngâm thảo dược, phổ biến là dâm dương hoắc, sâm các loại, kỷ tử, táo tàu, rễ đinh lăng, cây mật gấu, thục, ba kích và nhiều loại rượu bà con dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi thường ngâm với cây, quả trong rừng mà không thể gọi tên. 

Công dụng của rượu ngâm có đúng như những gì người ta vẫn truyền tai nhau hay không rất khó có câu trả lời chính xác bởi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như cách ngâm và bảo quản, thời gian ngâm, liều lượng sử dụng hàng ngày và đặc biệt là thể trạng từng người. Thế nhưng hậu quả từ rượu ngâm thì không phải hiếm. 

Cách đây vài ngày, 5 người dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đi rừng sau khi uống rượu ngâm với hạt cây có biểu hiện ngộ độc. Khi được phát hiện thì 3 người đã tử vong, 2 nạn nhân còn lại trong tình trạng nguy kịch. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Vĩnh, một bệnh nhân bị nặng hơn đã được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp tục chữa trị. Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Khánh Vĩnh cho biết thêm theo thông tin người dân cung cấp thì họ đã uống rượu ngâm hạt cây rừng nghi là cây chân chó, dẫn đến ngộ độc.

Trước đó, ngày 7-5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp cứu kịp thời hai người bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Bệnh nhân cho biết bình rượu ấu tàu của gia đình đã được ngâm được hơn một năm. Khi ăn sáng, anh cùng một người bạn lấy rượu uống. 15 phút sau, hai người bắt đầu bị tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau đầu dữ dội, đau bụng, tức ngực, khó thở và được người nhà đưa vào viện cấp cứu.

Rượu ngâm động vật hoặc thực vật (thảo dược) được lưu truyền từ thời xa xưa. Công dụng của loại rượu này đến đâu không rõ nhưng số vụ bị ngộ độc, thậm chí tử vong vì uống rượu ngâm ngày càng nhiều.

Nguyên nhân dẫn tới ngộ độc rượu ngâm có thể là do nguyên liệu được sử dụng. Nhiều người nghĩ rằng cứ thảo dược là tốt nhưng không biết rằng có nhiều loại dược liệu còn có thể tương kỵ nhau, sinh độc. Bên cạnh đó là tình trạng “uống rượu ngâm không kiểm soát”. Không ít người nghĩ rượu mình ngâm rất bổ nên uống bất chấp liều lượng hoặc mang suy nghĩ uống càng nhiều càng tốt dẫn tới gặp họa. 

Từ thực tế đó, để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, các nhà chuyên môn khuyến cáo những người muốn bồi bổ sức khỏe bằng rượu ngâm cần đi khám xác định bệnh, xem cơ thể ở thể nhiệt hay hàn để được tư vấn nên uống loại rượu ngâm từ thảo dược nào và liều lượng hàng ngày bao nhiêu.

Về các loại rượu ngâm với động vật, thường là nội tạng hoặc ngâm cả con, lâu nay mọi người nghĩ rằng nội tạng nào khi ngâm rượu thì uống vào sẽ bổ bộ phận đó nên cứ tìm các loại nội tạng ngâm rượu để uống và xem như như rượu quý. Tuy nhiên đây là suy luận cần xem lại vì thực tế chưa được khoa học chứng minh. Tóm lại là nếu cứ ngâm rượu theo kinh nghiệm dân gian để uống có thể vừa mất tiền lại mang họa vào thân.

3 người tử vong nghi do ngộ độc rượu ngâm hạt cây rừng
Nhóm 5 người đi rừng sau khi uống rượu ngâm với hạt cây thì có biểu hiện ngộ độc. Khi được phát hiện thì 3 người đã tử vong, 2 nạn nhân còn lại trong tình trạng nguy kịch.
Hai người ở Tuyên Quang bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu
Các bệnh nhân lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, vật vã, huyết áp hạ, tê lưỡi, nôn... có cơn ngừng thở kéo dài. 
Vụ nhiều người ngộ độc ăn tiệc cưới: Phạt 2 nhà hàng hệ thống Adora
Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh (HCM) vừa xử phạt 2 trong số 7 nhà hàng của chuỗi hệ thống trung tâm hội nghị và yến tiệc Adora của Tập đoàn Đông Phương.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...