Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Đời sống
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mưu sinh với nghề “muôn năm cũ”

Cập nhật: 10:47 ngày 19/02/2022
(BGĐT) - Hàng chục năm về trước, nghề sửa chữa xe đạp từng được coi là nghề "hot" khi số người sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại là chủ yếu. Giờ đây do nhu cầu nên người theo nghề này ít. Ngoài gánh nặng miếng cơm manh áo, không ít người theo nghề là do còn say nghề, muốn níu giữ dấu ấn của một thời đã qua.

Bám vỉa hè để kiếm sống

Chiều muộn ngày cuối tuần, dù mưa, rét song ông Nguyễn Xuân Sơn, tổ dân phố số 5, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) vẫn kiên trì bám vỉa hè để mưu sinh bằng nghề sửa xe đạp. Ông Sơn cho biết, khách hàng của ông chủ yếu là các bà nội trợ, học sinh và người lao động nghèo. Học nghề từ một ông giáo nghèo ở quê (tỉnh Bắc Ninh), hành nghề vá săm, sửa chữa xe đạp gần 30 năm nay, tay nghề của ông Sơn được khách hàng đánh giá cao về độ khéo léo, tỉ mỉ.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Nhận, thị trấn An Châu (Sơn Động) vá săm xe cho khách.

Nói về lý do chọn nghề sửa chữa xe đạp, ông Sơn chia sẻ, trước đây ông từng làm công nhân song do sức khỏe yếu nên gần 40 tuổi, ông xin về nghỉ. Lúc đó, con trai còn nhỏ lại bị bệnh, trong khi không có nghề gì nên ông đành làm nghề sửa chữa xe đạp để lo cho gia đình. Theo lời ông Sơn, trước đây đông khách, mỗi ngày ông kiếm được gần 100 nghìn đồng song giờ ít người sử dụng xe đạp nên lượng khách giảm, có ngày 3-4 khách, ngày không có khách nào nên thu nhập bấp bênh.

Đang dở câu chuyện thì có học sinh dắt xe đến sửa, ông Sơn lấy đồ nghề đựng trong hộp gỗ, nhanh tay tháo lốp, bơm hơi kiểm tra. Vừa vá săm ông vừa nói, nghề này trông đơn giản mà nhọc nhằn lắm, giờ có tuổi cả ngày ngồi mân mê mấy cái ốc vít, săm lốp nên toàn thân mỏi nhừ, lưng đau. “Hai vợ chồng tôi đều cao tuổi trong khi lại phải nuôi con bị bệnh, mẹ già gần 100 tuổi nên không còn cách nào khác là vẫn phải bám trụ với nghề”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Nhận, tổ dân phố số 4, thị trấn An Châu (Sơn Động) là người hiếm hoi ở thị trấn còn gắn bó, mưu sinh với nghề sửa chữa xe đạp. Ông kể, năm 1996, khi xe đạp là phương tiện di chuyển chủ yếu của nhiều gia đình và học sinh, nghề sửa chữa xe đạp rất đắt khách, có hôm làm từ sáng đến tối không hết việc, còn phải kiếm người phụ giúp. 

Lúc đó, vá săm chỉ 2 nghìn đồng, cân vành 10 nghìn đồng, bơm hơi 200 đồng, trung bình mỗi ngày kiếm được 150 - 200 nghìn đồng, tính ra cả tháng cũng kiếm được tiền triệu. Còn bây giờ xã hội phát triển, xe máy, xe đạp điện, ô tô dần trở thành phương tiện chủ yếu, khiến những hiệu sửa xe đạp dần biến mất, nhiều người đã bỏ nghề để tìm kiếm công việc khác. “Giờ đây, có hôm ngồi cả ngày chẳng có khách, ngày nào đông cũng chỉ có 3 đến 5 khách, chủ yếu là học sinh, có người chỉ đơn giản là bơm lốp, vá săm, cân lại vành, tra dầu”, ông Nhận nói.

Tìm niềm vui với nghề

Tại đường Ngô Gia Tự, đoạn qua khu vực Trường THPT Ngô Sĩ Liên và Trường THCS Trần Phú (TP Bắc Giang), bất kể ngày nắng hay trời rét, ông Phạm Văn Tiến với chiếc thùng gỗ chứa đồ nghề vẫn miệt mài bám trụ, cần mẫn vá săm, sửa chữa cho những cô cậu học trò nhỏ. Với dáng người nhỏ, gương mặt khắc khổ, ông Tiến trở thành ký ức của không ít học trò.

{keywords}

Có lần khi đang cặm cụi sửa xe cho khách, một đám học trò đi qua vẫn ngoái lại chào. Lại có lần, một cậu học trò nghèo trở lại thăm trường cũng ghé qua điểm sửa xe đạp của tôi trò chuyện rồi khoe đã có công việc ổn định, mua được nhà ở Thủ đô. Tôi thấy đó là một trong những niềm vui mà nghề này mang lại cho mình".

Ông Phạm Văn Tiến, làm nghề sửa chữa xe đạp ở TP Bắc Giang

Theo lời ông Tiến, không giống như nghề khác, nghề sửa chữa xe đạp bình lặng lắm, suốt ngày lặng lẽ ở một góc đường. 

Chỉ đến khi xe hỏng, thủng săm hay hỏng phanh khách nhớ đến mới có người chuyện trò. Vui nhất của nghề là khi nhìn thấy nụ cười mừng rỡ, tiếng cảm ơn rối rít từ khách hàng.

“Có lần khi đang cặm cụi sửa xe cho khách, một đám học trò đi qua vẫn ngoái lại chào. Lại có lần, một cậu học trò nghèo trở lại thăm trường cũng ghé qua điểm sửa xe đạp của tôi trò chuyện rồi khoe đã có công việc ổn định, mua được nhà ở Thủ đô. Tôi thấy đó cũng là một trong những niềm hạnh phúc mà nghề này đã mang lại cho mình", ông Tiến kể.

Thực tế, từ khi xuất hiện xe đạp điện, xe máy điện, xe đạp dần ít được sử dụng, nhất là lứa học sinh. Theo nhiều người dù lượng khách giảm song họ vẫn bám trụ với nghề, phần vì muốn có thêm thu nhập, phần cũng để có nơi tâm sự, bầu bạn với những người cùng nghề về những vui buồn trong cuộc sống. 

Gắn bó với nghề sửa xe 25 năm qua, với ông Nhận, niềm vui cũng có mà chuyện “dở khóc dở cười” cũng không hiếm gặp. Có nhiều người mang xe đến sửa nhưng lại không có tiền để trả, nhưng ông sẵn sàng để họ về nhà lúc nào nhớ thì quay lại trả. Lại có lần, vừa tan trường một số học sinh bực bội dắt xe đạp tìm đến ông để bơm vì các bạn cùng lớp lỡ tay... xì hơi để trêu đùa nhau. 

Xe vừa được bơm hơi, lập tức cả nhóm lại cười đùa khiến ông cũng thấy vui lây. "Sửa xe đạp có ngày này ngày kia, cũng có những ngày không có khách nào. Giờ vá săm, thay lốp trừ vật tư mình cũng được 5 - 10 nghìn đồng, lấy công làm lãi. Dù thu nhập không đáng kể song tôi vẫn gắn bó bởi từ nghề, tôi có thêm những niềm vui nho nhỏ, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Mưu sinh trong đại dịch
(BGĐT) - Dịch bệnh kéo dài gần hai năm nay đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Không ít người làm trong các ngành nghề dịch vụ đã phải xoay sở nhiều cách để mưu sinh.
Vất vả mưu sinh ngày giá rét
(BGĐT) - Những ngày này, trời rét căm căm song mặc giá buốt, gió rít từng cơn lạnh thấu xương, người lao động vẫn hối hả mưu sinh.
Ông bố đơn thân quê Bắc Giang ôm con thơ mưu sinh trên vỉa hè Hà Nội
Vợ mất sớm nên anh Hùng phải "gà trống nuôi con" suốt 4 năm qua. Hằng ngày, anh đạp xe đèo con đi bán bọc chân chống xe máy để mưu sinh.

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...